Trang

1 tháng 4, 2014

Xét xử vụ Bầu Kiên: Bàn về chuyện kinh doanh trái phép

 - Cả lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn đều cho thấy việc góp vốn, mua cổ phần không phải là ngành nghề kinh doanh.
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã có lịch xét xử vụ án Bầu Kiên từ ngày 16–29/4/2014. VKSND Tối cao truy tố ông Kiên về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.

Đáng lưu ý, một trong những tội danh Bầu Kiên bị truy tố là Kinh doanh trái phép theo quy định của điều 159 Bộ Luật Hình sự, kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh.

Tại sao Bầu Kiên bị truy tố về tội kinh doanh trái phép

Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bầu Kiên đã thông qua 6 Công ty để kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trạng thái trái phép. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng gồm các hành vi: Mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng, góp vốn, mua cổ phần của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.

Kết luận điều tra, Cáo trạng nêu các Công ty này không có chức năng kinh doanh tài chính nên việc các Công ty này mua trái phiếu chuyển đổi, góp vốn, mua cổ phần là trái pháp luật.

Vậy góp vốn, mua cổ phần có cần đăng ký kinh doanh

Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề trong Đăng ký kinh doanh. Riêng  việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp được quy định tại điều 13 của Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp, mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, chỉ loại trừ các trường hợp như cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, công chức…
Luật Doanh nghiệp đã tách bạch hai loại hoạt động: kinh doanh của doanh nghiệp theo đăng ký kinh doanh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần là quyền của doanh nghiệp, thực hiện theo các trình tự luật định, không cần đăng ký kinh doanh.
Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam (sử dụng để đăng ký kinh doanh) theo quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính Phủ không hề có ngành nghề kinh doanh góp vốn, mua cổ phần.

Việc góp vốn, mua cổ phần trên thực tế

Trên thực tế, qua các trường hợp đã tìm hiểu, tác giả bài viết thấy các doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần đều không có đăng ký kinh doanh với ngành nghề này. Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không yêu cầu các doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi doanh nghiệp này góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp khác. Ngay cơ quan Nhà nước cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cũng không yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi  góp vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không yêu cầu các doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi các doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp các giấy phép liên quan để các doanh nghiệp tham gia góp vốn, mua cổ phần, quản lý các ngân hàng.
Ngay chính các ngân hàng, doanh nghiệp các Công ty của Bầu Kiên đã góp vốn, mua cổ phần cũng có nhiều doanh nghiệp khác góp vốn, mua cổ phần mà không hề có đăng ký kinh doanh với ngành nghề này.

Quan điểm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Trước và sau vụ án Bầu Kiên, đã có nhiều trường hợp muốn đăng ký kinh doanh ngành nghề đầu tư tài chính, cụ thể là góp vốn, mua cổ phần để “chắc ăn”, để tránh hậu quả “kinh doanh trái phép”, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh không chấp nhận.

Sau khi Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, trên website của mình, Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM đã trả lời “riêng đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu là quyền tự chủ của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, không phải là ngành nghề kinh doanh”.

Trong văn bản trả lời doanh nghiệp vào năm 2012, Phòng đăng ký kinh doanh TP.HCM nêu: đầu tư tài chính là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, không phải là ngành nghề kinh doanh. Do đó, chưa có cơ sở để cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Mới đây nhất, người viết bài này đã làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp với ngành nghề được đăng ký là “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”. Ngày 21/3/2014, Phòng Đăng ký kinh doanh TP.HCM đã có công văn số 01777/ĐKKD-TNXL trả lời: Hiện Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa quy định về đăng ký hoạt động này; Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đang có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để có hướng dẫn trả lời doanh nghiệp.

Cũng với ngành nghề kinh doanh “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”, khi nộp hồ sơ tại Hà Nội, người viết bài này cũng được Phòng đăng ký kinh doanh trả lời bằng công văn số 24/ĐKKD01 ngày 18/3/2014 với nội dung: Luật doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của Công ty cổ phần, góp vốn vào Công ty TNHH, công ty hợp danh theo quy định của luật này.
Như vậy, cả lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn đều cho thấy việc góp vốn, mua cổ phần không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và không thể đăng ký kinh doanh.

Với diễn biến của vụ án Bầu Kiên, với quan điểm của các cơ quan tố tụng đến thời điểm này về việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều lý do để lo lắng về các trường hợp đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phần tương tự.
- Như vậy, cả lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn đều cho thấy việc góp vốn, mua cổ phần không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và không thể đăng ký kinh doanh.
- Đầu tư tài chính là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, không phải là ngành nghề kinh doanh. Do đó, chưa có cơ sở để cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. (Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh)
LS. Hoàng Đôn Hùng(Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Trung Quốc công khai tham nhũng tràn lan trong quân đội


(Tin tức 24h) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 1/4 cho biết các thanh tra viên đã phát hiện sai phạm tràn lan và nghi án tham nhũng trong các đơn vị quân đội.
Theo TTXVN, tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng với trọng tâm hiện tập trung vào Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) gồm 2,3 triệu quân vốn từ lâu bị cho là nơi nạn hối lộ, tham nhũng và lạm quyền hoành hành.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, công tác thanh tra tại Bắc Kinh và Quân khu Tế Nam được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
Thông cáo cho biết các thanh tra viên cũng thu thập được nhiều manh mối liên quan tới các vấn đề trong khâu đề bạt, kỷ luật đối với các sỹ quan, chuyển nhượng đất đai, thi công và phân bổ các tòa nhà và dịch vụ quân y.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các nghi án này sẽ được điều tra sâu hơn và công khai trước dư luận để răn đe.
Ông Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, trong khi đó, quyền lực của ông ngày càng được củng cố.
Cách đây không lâu, ngày 24/1,  ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm là lãnh đạo một ủy ban an ninh mới của nước này.
Được biết, ông Tập Cận Bình được Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm vào vị trí này, một động thái cho thấy quyền lực của ông ngày càng được củng cố.
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang được bổ nhiệm là phó chủ tịch ủy ban an ninh mới này.
Tân Hoa Xã cho hay ủy ban an ninh mới này sẽ chịu trách nhiệm “đề ra các kế hoạch tổng thể và phối hợp các vấn đề chính cũng như công việc chính về an ninh quốc gia”.
Các nhà phân tích cho hay hồi tháng 11/2013, lần đầu tiên thông tin về ủy ban này được đề cập trong Hội nghị Trung ương 3, một ủy ban tương tự Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ, và dự kiến ông Tập sẽ là người đứng đầu.
Một ủy ban của Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm thực thi cải cách đã tiến hành phiên họp đầu tiên hôm 23/1 dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình.
Mai Thùy

Dân Trung Quốc lại biểu tình phản đối xây nhà máy hóa chất

Dân Trung Quốc lại biểu tình phản đối xây nhà máy hóa chất
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đang giải tán đoàn người biểu tình tại thành phố Maoming, tỉnh Quảng Đông ngày 31.3. Ảnh: Reuters
Các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 1.4 đã lan đến thủ phủ của tỉnh là thành phố Quảng Châu.
Để trấn an dân chúng và ngăn chặn tình trạng xấu đi, phía chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cho biết rằng kế hoạch xây dựng nhà máy hóa chất trên có thể bị hoãn.
Trước đó, hồi ngày 30.3, hàng trăm cư dân thành phố Maoming đã đổ ra đường biểu tình phản đối dự án xây dựng một nhà máy sản xuất paraxylene, một hóa chất được sử dụng làm vải và chai nhựa.
Theo Reuters, sự tức giận của người dân Trung Quốc đã bị đẩy lên cao sau khi một số hình ảnh phát tán lên mạng xã hội của nước này cho thấy nhiều người biểu tình tại thành phố Maoming nằm sóng xoài đẫm máu trên đường phố.
Những hình ảnh chưa được kiểm chứng này đã gây ra một sự phản đối kịch liệt trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, mặc dù sau đó chúng đã bị gỡ bỏ.
Reuters cho biết những người biểu tình ở thành phố Quảng Châu đã kêu gọi chính quyền hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy hóa chất, đồng thời đòi lại công lý cho những người biểu tình ở thành phố Maoming mà họ cho là đã bị thương hoặc thiệt mạng dưới sự đàn áp của lực lượng cảnh sát vũ trang hồi ngày 30.3.
“Chính quyền tỉnh có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề này. Thật là sai trái khi lực lượng cảnh sát vũ trang lại đi gây thương tích và đánh người đến chết. Nó vi phạm quyền lợi cơ bản nhất của công dân”, một người biểu tình giấu tên nói với Reuters.
Phía chính quyền ngay lập tức lên tiếng cho biết không có bất kỳ ai thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày 30 và 31.3, tuy nhiên không hề đề cập đến những người bị thương. Trong khi đó, những người biểu tình lại tuyên bố rằng đã có một số người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi các vấn đề được giải quyết: đầu tiên là dự án xây nhà máy sản xuất paraxylene phải bị hủy bỏ; tiếp sau đó là phải tìm cho ra những kẻ đã ra lệnh đánh người biểu tình đến chết”, một người biểu tình họ Lương cho biết.
Bộ Công an Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa bình luận gì về vụ việc này.
Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng các nhà máy hóa chất có thể làm ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc. Tháng 11.2012, chính quyền thành phố Ninh Ba đã phải đình chỉ một dự án nhà máy hóa dầu sau các cuộc biểu tình. Một năm sau đó, thành phố Đại Liên cũng phải hủy việc xây dựng một nhà máy sản xuất paraxylene.
Hoài Anh (Theo Reuters)

Casino tại Việt Nam: Cuộc đua ngầm đang quyết liệt

“Bây giờ tôi đang chịu áp lực rất lớn là rất nhiều tỉnh xin làm casino, tôi mệt mỏi vô cùng, áp lực quá lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng than thở tại hội thảo về cải cách thể chế, hôm 6/3/2014.
In
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh hồi đầu tháng 3 về việc hiện đang có tới 10 tỉnh thành trong nước đang muốn làm casino cho thấy, đây vẫn là lĩnh vực đang rất nóng, mặc dù không có nhiều thông tin chính thức được công bố.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay vừa qua, Bộ Chính trị đã có thông báo cho phép tỉnh làm casino, tuy nhiên vấn đề hiện nay là cơ chế chính sách cho lĩnh vực này.

“Hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, địa điểm dự kiến triển khai dự án rộng 1.800 ha cơ bản đã xong. Chúng tôi cũng đã tính toán xong chuyện kết nối với sân bay Vân Đồn, cũng là một dự án quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai nhiều dự án quan trọng khác trong ngành du lịch và casino là một phần trong kế hoạch phát triển tổng thể ngành du lịch”, ông Đọc nói.

Hồi đầu tháng 3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với hai tập đoàn ISC (Australia) và Tuần Châu để nghe báo cáo sơ bộ quy hoạch dự án khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại khu kinh tế Vân Đồn. Theo trình bày của ISC, tổng mức đầu tư của dự án có thể lên tới khoảng 7 tỷ USD với các hạng mục như: xây dựng khu casino và bến du thuyền, khu dân cư, các khách sạn cao cấp phù hợp với cảnh quan của Vân Đồn.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng với kết cấu hạ tầng, kết nối với sân bay, cảng theo kinh nghiệm đã thực hiện từ dự án quốc tế tương tự như Dubai.

Còn tại Quảng Nam, thông tin về việc dự án Nam Hội An có thể có đối tác mới là tâm điểm chú ý trong vài tuần qua. 

Cụ thể, dự án Nam Hội An có thể sẽ được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, theo đó đối tác Mỹ là tập đoàn Peninsula Pacific, thay thế cho tập đoàn Genting như trước đây.

Tuy nhiên, một thông tin ít người biết là kèm theo việc điều chỉnh này, nhiều điều kiện của dự án cũng đã thay đổi. 

Chẳng hạn, về thời gian hoạt động, chủ đầu tư đã đề nghị cho phép điều chỉnh thời gian hoạt động là 50 năm tính từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư mới được cấp (thay vì tính từ lần cấp phép đầu tiên). Nhà đầu tư cũng xin được phép gia hạn giấy chứng nhận đầu tư “với thời hạn tối đa theo luật định và không ít hơn 20 năm”.

Về tiến độ dự án, chủ đầu tư đề nghị cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư và phát triển dự án để phù hợp với tình hình thị trường, môi trường đầu tư và những quy định pháp lý về kinh doanh trò chơi có thưởng, đồng thời kéo giãn tiến độ phát triển chung của dự án. Dự án cũng sẽ giảm diện tích đất sử dụng từ 1.538 ha xuống còn 1.000 ha. 

Tuy nhiên, trong khi xin giảm tiến độ và diện tích, chủ đầu tư lại muốn tăng quy mô khu sòng bạc đặc biệt là số lượng bàn chơi bài, cụ thể giai đoạn 1 khu sòng bài gồm 500 phòng khách sạn và 90 bàn chơi bài, giống với quy mô của dự án Hồ Tràm - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tăng 20 bàn chia bài so với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

Chủ đầu tư cũng muốn bổ sung quyền phát triển và kinh doanh sân golf vào ngành nghề được phép kinh doanh, đồng thời muốn áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư tương tự như khu kinh tế mở Chu Lai. Nếu các điều kiện trên được chấp thuận và giấy chứng nhận đầu tư trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, chủ đầu tư sẽ có cơ sở tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động cuối năm 2015.

Trao đổi với VnEconomy, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho dự án là khả thi và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, vì casino là lĩnh vực đầu tư đặc thù có nhiều điều kiện kèm theo, việc điều chỉnh này cần có sự tham gia ý kiến của nhiều bộ ngành liên quan.

Trong vài tháng qua, ban lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã và đang tích cực hoàn tất các thủ tục liên quan để đẩy nhanh quá trình cấp phép cho dự án này. 

Vốn FDI vào Việt Nam giảm 50%

- BTTD: Chính nạn tham nhũng, nhóm lợi ích và thủ tục "hành là chính" đã hạn chế nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong quý một năm nay giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê (GSO) cho biết.

Trong thời gian này, có 252 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 2,045 tỷ đôla, thấp hơn 6% về số lượng dự án và thấp hơn 38,6% về số vốn đăng ký.Theo số liệu từ GSO được Thời báo Kinh tế Sài gòn dẫn lại, tổng vốn FDI đăng ký trong ba tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 3,334 tỉ đôla, giảm 49,6% so với mức 6,034 tỷ đôla cùng kỳ năm 2013.

'Không nên xét từng quý'

Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, tổng mức vốn FDI trong từng quý không đủ để đại diện cho xu hướng FDI trong cả năm.
"Tôi nghĩ nếu tính FDi theo từng quý thì khó mà chính xác được", kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 1/4.
"Thời gian mấy năm gần đây, Việt Nam bắt đầu có những dự án FDI lớn, ví dụ như của Samsung hay của LG."
"Khi họ đầu tư tới hàng tỷ đôla thì những dự án này được cấp phép vào bất cứ quý nào cũng làm quý đó tăng trội lên, những quý khác không thể bằng được."
"Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã giải thích là trong quý một, chưa có dự án lớn nào được cấp phép."
"Nếu so sánh FDI hoặc xem xét chiều hướng FDI tại Việt Nam thì tôi nghĩ là nên dùng nửa năm, hoặc cả năm," bà nói thêm.

Tiềm năng và thách thức

Trả lời câu hỏi của BBC về những thách thức hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thu hút FDI, bà Lan cho rằng có ba thách thức chính:
"Thứ nhất là thể chế, nhất là các thủ tục hành chính liên quan, các chính sách thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho người ta."
"Thứ hai là sự thiếu vắng một nguồn nhân lực lao động có chất lượng, có kỹ năng, có năng suất lao động cần thiết."
"Thứ ba là cơ sở hạ tầng, từ điện, đường xá giao thông cho đến nhiều việc khác."
Tuy nhiên, bà cũng khẳng định "về tiềm năng, Việt Nam cũng vẫn còn đang là một địa chỉ khá thu hút đối với FDI so với xu hướng chung của các nước đang phát triển."
"Sau khi đã có những dự án lớn của các công ty lớn như Intel, Samsung, LG hoặc một số công ty Nhật trong các lĩnh vực công nghệ cao thì điều đó cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm sức hút đối với các công ty khác," bà nói.
"Ngoài ra triển vọng của Việt Nam trong việc tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và các nước khác cũng như hiệp định tự do thương mại sắp ký với EU và một số dàn xếp tự do thương mại khác cũng làm Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn."

'Không lâu dài'

Bà Phạm Chi Lan cho rằng những dự án hàng tỷ đôla như của Samsung tại Việt Nam sẽ không có nhiều
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy ngành công nghiệp chế biến tiếp tục là khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất trong quý một, với số vốn đăng ký đạt 2,33 tỷ đôla, chiếm 69,9% tổng số vốn đăng ký.
Nam Hàn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 543,2 triệu đôla trong ba tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, bà Lan nhận định: "Tôi không nghĩ những dự án như Samsung sẽ có nhiều cơ hội và sẽ tiếp tục vào Việt Nam."
"Samsung đã có quan hệ thương mại với Việt Nam 20-30 năm nay rồi và cũng đã hoạt động ở thị trường Việt Nam rất mạnh."
"Khi mà họ thấy chi phí sản xuất của Samsung ở Hàn Quốc quá cao so với lao động của Việt Nam thì họ mới chuyển vào. Sau Samsung thì đến LG làm việc tương tự để tăng khả năng cạnh tranh với Samsung."
"Tuy nhiên những dự án như vậy sẽ không có nhiều."
"Cái tôi mong đợi là Việt Nam có thể có những dự án không nhất thiết phải thật lớn về quy mô vốn, nhưng có thể tạo được những công ăn việc làm có giá trị gia tăng cao hơn hoặc sử dụng những tay nghề cao hơn của người lao động Việt Nam."
"Cho đến nay Samsung vẫn chủ yếu nhập phụ kiện từ bên ngoài vào. Tại Việt Nam, lượng lao động được dùng rất nhiều, tuy nhiên hình thức lao động lại khá giản đơn và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam cũng rất hạn chế."
"Về lâu dài, Việt Nam cần hướng tới những dự án khác," bà nhận định.
Theo bbc

NATO ve vãn Ukraina

 Lời bình của BTTD:

 Ukraina muốn hòa bình và phát triển thì phải có một chính phủ liên hiệp các đảng phái và hòa hợp các dân tộc. Về đối ngoại phải đi theo con đường chung lập, dung hòa quan hệ cả với Nga và Phương Tây. Nếu không Ukraina sẽ bị chia rẽ, rối loạn và khủng hoảng triền miên.

 Nga cũng  phải dừng lại ở Crime, không "xỏ giày" đi nhầm sang lãnh thổ của Ukraina nữa, tham thì thâm đó.

 NATO  đang ve vãn, lôi kéo Ukraina, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Montenegro và Gruzia gia nhập NATO để tiến sát biên giới nước Nga nhằm bao vây, kiềm chế Nga. Việc này chỉ gia tăng đối đầu quân sự nguy hiểm,  làm cả hai bên đều thiệt hại mà vẫn không áp đảo được Nga, vì tiềm lực quân sự của Nga quá mạnh, không thua kém NATO.

 Xin lỗi NATO, chỉ là một Bắc Triều Tiên nghèo đói, bệnh hoạn với mấy quả bom nguyên tử cổ lõ sĩ cũng đã làm cho Hàn Quốc và Mỹ bất lực lo ướt quần rồi, vậy nên đừng có khùng mà gây sự với Nga.

 Cả Nga và NATO hãy dẹp mấy cái đầu vỹ cuồng sang một bên, nếu nóng thì đi matxa lạnh cho tỉnh táo rồi mời nhau uống trà đá hạ nhiệt nhé. Tốt nhất là dùng giải pháp ngoại giao, hãy ngồi vào bàn đàm phán đi ! Giữ thể diện như thế cũng đủ rồi, đừng làm cho tình hình Ukraina rối tung  thêm nữa !

Mời các bạn đọc tiếp bài báo:

NATO bắt tay Ukraina, tìm cách áp sát Nga
Người đứng đầu Khối Bắc Đại Tây dương NATO là Anders Fogh Rasmussen cho biết khối này sẽ củng cố quan hệ với Ukraina và gửi thêm quân tới Đông Âu.

 Ukraina, Nga, NATO
Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO
Đồng thời, Ngoại trưởng Ukraina sẽ tới Bỉ để tham gia vào các cuộc hội đàm Ukraina – NATO.
Truyền hình Nga cho hay, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về việc ‘đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của NATO’ ở những quốc gia ‘dễ bị tấn công’, Tổng thư ký NATO Rasmussen đã công bố với truyền thông Đức về các kế hoạch của liên minh này tại Đông Âu.
Trả lời tờ Welt am Sonntag của Đức, ông Rasussen nói rằng việc NATO mở rộng hiện diện tại khu vực này ‘là một trong những chuyện thành công nhất của khối vào thời điểm này’. Tuy nhiên, nhiệm vụ của liên minh này ‘vẫn chưa hoàn tất’.
Ông Rasmussen nói rằng quan hệ đối tác giữa NATO và Ukraina ‘mạnh mẽ hơn bao giờ hết’, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm quyền ‘tự do định đoạt số phận’ và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Tổng thư ký NATO cho biết thêm Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Montenegro và Gruzia đã hướng đến việc gia nhập NATO và hiện đang thực hiện các cải cách để đạt được mục tiêu này.
“Chúng tôi hiện đang cân nhắc các kế hoạch tác chiến, diễn tập quân sự và tăng quân tiếp viện tương xứng. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ cho nhiều máy bay hơn đến đồn trú tại các quốc gia vùng Baltic” – ông Rasmussen nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo NATO cũng nói thêm là ‘trong tương lai gần’ thì việc Ukraina gia nhập NATO chưa phải là một ưu tiên. Thay vào đó, NATO sẽ giúp Ukraina ‘cải tổ’ lực lượng vũ trang.
Cùng lúc đó, NATO sẽ tìm kiếm ‘các giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng’ tại Ukraina, và sẽ ‘giữ kênh đối thoại mở với Moscow’.
Động thái này của NATO diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Rasmussen gửi tin nhắn trên mạng xã hội rằng NATO đang ‘cân nhắc lại khả năng tồn tại’ mối quan hệ giữa liên minh này và Nga.
Theo Ngoại trưởng tạm quyền của Ukraina Andrey Deshchytsa, Kiev sẽ thảo luận hợp tác với NATO vào đầu tuần này.
Lê Thu ( Vietnamnet)

Y tá đã tiêm nhầm thuốc cho 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị


(Dân trí) - Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa hồi tháng 7/2013, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân là do y tá Thuận tiêm nhầm thuốc.

 >> Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin: Bắt tạm giam cán bộ tiêm
 >> Khởi tố vụ án 3 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B

Theo đó, thay vì tiêm vắc xin thì y tá Nguyễn Thị Thuận đã tiêm nhầm một thuốc khác cho ba trẻ sơ sinh, gây tử vong. Loại thuốc này có yếu tố độc và chất gây mê.
Trong buổi trả lời chất vấn các đại biểu trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa diễn ra cách đây ít phút, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ này là do y tá Thuận tiêm nhầm thuốc. Y tá này cũng đã khai nhận trước cơ quan điều tra rằng đã tiêm nhầm thuốc do nhìn ko đúng lọ vắc xin, không làm đúng quy trình tiêm vắc xin".
Chiều 1/4, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được văn bản nào từ phía cơ quan điều tra kết luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh.
3 trẻ sơ sinh tử vong là do y tá tiêm nhầm thuốc
3 trẻ sơ sinh tử vong là do y tá tiêm nhầm thuốc
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/3, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Trị đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thuận (cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa) để điều tra, làm rõ hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Bà Thuận chính là người đã trực tiếp xử lý tiêm cho các trẻ sơ sinh, dẫn đến các trẻ này bị tử vong. 
Ngày 28/3, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã triệu tập thêm 3 cán bộ đang công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, để làm rõ vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin. Ngày 30/3, cơ quan này cũng triệu tập thêm 4 cán bộ khác tại bệnh viện để làm việc.
Đăng Đức