Trang

18 tháng 3, 2014

Khủng hoảng Crimea: khía cạnh pháp lý

Bích chương cổ động Crimea gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý ở đây

- BTTD: Putin nên dừng lại ở mức công nhận Crime độc lập và có chính sách bảo trợ hợp lý,
 không nên sát nhập Crime vào LB Nga. Đây là đối sách tối ưu nhất lúc này để giảm 
căng thẳng với Ukraina và Quốc tế.


Viện Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga đã tuyên bố rằng khu tự trị Crimea của Ukraine có thể trở thành lãnh thổ của Nga nếu đó là nguyện vọng của người dân ở đây trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật ngày 16/3.
Giáo sư Marc Weller chuyên về Luật quốc tế đại Đại học Cambridge phân tích các khía cạnh pháp lý của việc Nga can thiệp vào Crimea.

Nga công nhận


Nước Nga đã công nhận Ukraine và đường biên giới hiện tại của nước này một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn. Điều này đã được xác nhận trong:
Vùng lãnh thổ này trở thành một phần của Ukraine thuộc Liên bang Xô viết hồi năm 1954 và sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 Crimea vẫn thuộc Ukraine.
  • Tuyên bố Alma Ata tháng 12 năm 1991
  • Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 bảo đảm an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ nước này
  • Hiệp định năm 1997 về việc đóng Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol thuộc Crimea
Hiệp định năm 1997, được Tổng thống bị phế truất của Ukraine Viktor Yanukovych cho gia hạn thêm 25 năm hồi năm 2010, cho phép tàu chiến Nga neo tại các cảng ở Crimea cùng với cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự. Tuy nhiên, nếu Nga muốn có hành động điều binh thì họ cần phải tham vấn với chính quyền Ukraine và mức độ hiện diện quân sự của Nga ở Crimea không thể được tăng cường một cách đơn phương.

Tuy nhiên, Moscow đã đi ngược lại những cam kết này khi họ tăng cường lực lượng ở Crimea mà không có sự đồng ý của Kiev. Quân Nga đã được triển khai bên ngoài căn cứ để chiếm các cơ sở chủ chốt như sân bay và bao vây các đơn vị quân đội Ukraine.
Hành động của Nga đã tạo khoảng trống cho các lực lượng thân Nga ở Crimea lên thay thế chính quyền hợp pháp Ukraine ở Crimea. Về mặt pháp lý, hành động này rõ ràng có thể xem là hành vi can thệp. Nếu quân đội Nga có liên quan thì đây là hành động can thiệp quân sự.

‘Không có lý do’

Tuy nhiên liệu quân Nga chỉ có mặt ở Crimea mà không bắn một viên đạn nào thì có vi phạm luật pháp quốc tế về ngăn cấm sử dụng bạo lực hay không?
Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc vào năm 1974, việc sử dụng quân đội nước ngoài trên lãnh thổ một nước mà vi phạm các thỏa thuận đã ký kết quy định về sự hiện diện của đội quân đó được xem là hành vi xâm lược. Hơn nữa, xét tình hình hiện tại thì một cuộc ‘tấn công vũ trang’, vốn được xem là điều kiện để áp dụng điều khoản về quyền tự vệ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng chưa xảy ra nhằm vào người gốc Nga ở Crimea.

Lúc đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin được Thượng viện Nga cho phép dùng vũ lực để bảo vệ người gốc Nga ở Crimea. Liền sau đó, ông lại nói rằng việc sử dụng quân sự vì mục đích nhân đạo hay bảo vệ tài sản của người Nga vẫn chưa xảy ra. Việc này có thể chỉ cần thiết trong tương lai.
Cho đến giờ, Moscow vẫn nói nhưng không có sức thuyết phục rằng quân đội của họ không liên quan gì đến tình hình hiện nay ở Crimea và rằng họ không kiểm soát lực lượng dân quân tự vệ địa phương vốn được cho là đứng sau việc chiếm trụ sở chính quyền và bao vây binh lính Ukraine.
Lời tuyên bố của Nga và việc họ phải bảo vệ kiều dân của họ ở nước ngoài cũng không có cơ sở. Trước hết đó là trách nhiệm của Ukraine – nước này phải bảo vệ tất cả các công dân của họ.

‘Bảo vệ người gốc Nga’

Khi Hungary tìm cách tăng cường mối quan hệ của họ với người gốc Hungary thiểu số ở các nước lân cận, Hội đồng châu Âu và các cơ quan pháp lý khác đã phản đối mạnh mẽ.
Nga còn đi xa hơn ở các vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia – nơi mà những người ly khai thân Mosow chống lại chính quyền trung ương Georgia. Moscow chỉ cần cấp hộ chiếu Nga cho người gốc Nga và sau đó lên tiếng đòi bảo vệ người dân của họ trước ‘sự hung hăng của Georgia’. Thủ đoạn này là sự bóp méo nguyên tắc ‘bảo vệ kiều dân ở nước ngoài".
Nguyên tắc này không bao gồm những kiều dân được cho nhập tịch chỉ để có cớ để dùng vũ lực ‘cứu họ’. Ngoài ra, nguyên tắc này chỉ cho phép đưa kiều dân về lại cố quốc chứ không biện hộ cho việc chiếm đóng lãnh thổ nước khác.
Moscow cũng không thể dựa vào nguyên tắc ‘can thiệp nhân đạo’ trong trường hợp này. Theo nguyên tắc này, một nước chỉ có thể can thiệp trong những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng về nhân đạo để cứu một dân tộc nào đó mà sự sống còn của họ đang bị đe dọa. Ở Crimea hiện nay không có bằng chứng nào như thế.
Còn nếu xảy ra việc như thế tại Crimea thì đó có thể được xem là kết quả của hành động can thiệp của Nga. Không những thế, một nước can thiệp vì lý do nhân đạo không được phép làm thay đổi quy chế của vùng lãnh thổ có liên quan.

Được mời vào?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trình trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một lá thư cho rằng ông Yanukovych đã yêu cầu Nga can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, một khi ông Yanukovych đã mất quyền kiểm soát trên thực tế đối với đất nước thì ông không thể nào cho phép nước ngoài can thiệp.

Lập luận của Nga cho rằng ông Yanukovych ‘bị lật đổ bất hợp pháp’ cũng không thuyết phục. Mặc dù ông ta không bị tước quyền thông qua quá trình luận tội kéo dài theo quy định của Hiến pháp Ukraine thì ông ta vẫn bị Quốc hội nước này đồng lòng phế truất. Do đó ông không thể nói là ông đại diện cho nhân dân Ukraine được.
Tương tự, chính quyền mới ở Crimea mà Nga nêu lên là yêu cầu họ can thiệp cũng không có năng lực pháp lý để làm như vậy.
Thay vì dùng sức mạnh, giờ đây dường như Nga đang tìm cách làm cho Ukraine động binh trước. Khi đó Moscow có thể khẳng định rằng họ được quyền bảo vệ quân đội và kiều dân của họ. Tuy nhiên cho đến nay giới chức Ukraine vẫn hết sức thận trọng.

‘Ly khai dưới họng súng’

Khu tự trị Crimea thật ra về mặt pháp lý có quyền đòi thay đổi quy chế. Tuy nhiên, theo tiền lệ pháp quốc tế thì họ không thể chỉ đơn phương ly khai ngay cả khi điều này được chuẩn thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Thay vào đó, họ sẽ phải đàm phán thật sự với chính quyền trung ương ở Kiev về ý muốn ly khai. Các khả năng khác, bao gồm quyền tự trị lớn hơn, cũng sẽ được thảo luận.

Ngoài ra, luật pháp quốc tế cũng không công nhận sự ly khai diễn ra dưới họng súng khi mà quân đội Nga đang kiểm soát hoàn toàn Crimea.
Chính vì vậy mà tình hình ở Crimea khác với hành động quân sự của Nato ở Kosovo hồi năm 1999. Người Kosovo gốc Albania chính quyền Serbia đàn áp cùng cực và sau đó bị cưỡng bức rời quê hương của họ.
Nato khi đó đã can thiệp vì lý do nhân đạo thật sự. Họ không chiếm đóng vùng đất này để can thiệp nhân đạo. Thay vào đó, Liên Hiệp Quốc đứng ra cai quản Kosovo trong tám năm và tạo ra môi trường trung hòa để quyết định tương lai vùng đất này. Cuối cùng Kosovo cũng giành được độc lập dựa trên đề xuất nhà trung gian hòa giải Liên Hiệp Quốc Martti Ahtisaari.

Mâu thuẫn ‘đóng băng’

Dĩ nhiên, việc Crimea sáp nhập vào Nga sẽ không diễn ra nếu Kremlin không đồng ý. Moscow có thể tạm hài lòng với hiện trạng với việc Crimea là điểm xung đột ‘đóng băng’ mới nhất ở đông Âu. Bằng cách này, Moscow có thể tránh bị lên án thêm.
Để giải quyết vấn đề này, phương Tây sẽ cần phải đưa ra một gói các giải pháp để cho Kremlin có thể buông Crimea mà không mất thể diện.

17 tháng 3, 2014

Những bản làng xiêu vẹo vì đói

Nỗi buồn đeo đẳng 4 tộc người

- BTTD:  Dân tộc VN đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên "Thiên đường"...

 - 4 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao hiện cư trú tại 86 thôn, bản của 27 xã thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Tuy sống xen kẽ với nhiều cộng đồng dân tộc, nhưng họ lạc lõng như ở thế giới khác…

LTS: Ngày 26.9.2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao (Quyết định 1672) tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang, với mục tiêu đến năm 2020 đưa mức sống của họ tương đương mức sống của các dân tộc khác. Thế nhưng, đã gần 3 năm, 4 tộc người này vẫn chưa được thụ hưởng đề án, bởi mọi việc vẫn… y nguyên.

Bốn dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao hiện cư trú tại 86 thôn, bản của 27 xã thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Tuy sống xen kẽ với nhiều cộng đồng dân tộc, nhưng họ lạc lõng như ở thế giới khác…

Vừa thiếu đất, vừa không thiết làm ăn

Trong 4 dân tộc ít người, người La Hủ cư trú chủ yếu ở 5 xã vùng cao biên giới gồm: Ka Lăng, Nậm Khao, Bum Tở, Pa Ủ và Pa Vệ Sử của huyện Mường Tè (Lai Châu). Đây là dân tộc có nhân khẩu đông nhất huyện với gần 12.000 người, trong đó tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 80%. “Trước đây, người La Hủ quen sống du canh, du cư.

Sau nhiều năm được Nhà nước hỗ trợ định canh định cư, cuộc sống của người La Hủ đã có những chuyển biến tích cực. Họ đã sống thành làng bản, biết trồng lúa, nuôi lợn. Nhưng nhìn chung, người La Hủ vẫn tiến chậm hơn so với các dân tộc khác, hầu hết các gia đình đều là hộ nghèo, mỗi năm thiếu đói đến 3 - 4 tháng, thậm chí có nơi tới 5-6 tháng” - ông Trần Đức Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè đánh giá.

Chị Lò Thị Hơn - dân tộc Cống, ở bản Nậm Kè 1 (Mường Nhé, Điện Biên) ngồi nhà vì không có đất sản xuất, không có việc làm...
Chị Lò Thị Hơn - dân tộc Cống, ở bản Nậm Kè 1 (Mường Nhé, Điện Biên) ngồi nhà vì không có đất sản xuất, không có việc làm...

Để chứng thực lời ông Hiển, chúng tôi về xã Bum Nưa của huyện Mường Tè, nơi có nhiều người Mảng sinh sống là bản Nậm Củm. Nằm cách trung tâm xã chưa đến 5km thuận tiện đi lại, vậy mà bước vào bản Nậm Củm, chúng tôi đã phải lặng đi khá lâu bởi hình ảnh, hàng chục đứa trẻ trần truồng đùa nghịch trên những đống đất, cát; những ngôi nhà toang hoác, xiêu vẹo với những người phụ nữ và cả đàn ông có nước da đen đúa, vật vờ sưởi nắng nơi đầu bản.

Trưởng bản Lò Y Van cho biết: “Nậm Củm có 25 hộ thì 100% thuộc diện đói nghèo và mỗi năm nhiều hộ có 6 – 7 tháng ăn sắn, ăn ngô”. Đã 10 giờ sáng mà vẫn thấy mấy thanh niên trong bản ngồi uống rượu, thấy có khách đi qua họ thò gương mặt đờ đẫn ra mời vào uống rượu. Trưởng bản Van chép miệng:

“Đấy, cái nhà chưa đến 10m2, xiêu vẹo như cái chuồng chim nhưng có đến 7 người ở chen chúc. Vợ chồng chúng nó ngoài nghiện rượu còn nghiện thuốc phiện, chẳng làm ăn gì, mà có kiếm được đồng nào cũng đổi ra rượu hết, uống từ sáng đến tối. 5 đứa con đi học thì được ăn bữa trưa, mấy bữa còn lại cứ phải ra bờ suối, vào rừng kiếm củ mài, củ sắn bỏ miệng cho đỡ đói”.

Đang mùa làm nương nhưng hầu như nhà nào cũng có người ở nhà. Không ai làm gì, họ chỉ ngồi ở cửa nhà đờ đẫn nhìn ra ngoài. Hiện cả bản Nậm Củm chỉ có điểm trường ở trung tâm bản là khang trang nhất, với cấp tiểu học có 20 em, mầm non có 20 em. Theo Trưởng bản Lò Y Van, cả bản có 7 em học THCS ở trường xã, nhưng chưa biết nghỉ học lúc nào, vì bố mẹ chúng rất khó khăn…

3 - 4 tháng đói mỗi năm
Chúng tôi tới xã Bum Tở (huyện Mường Tè)- nơi có nhiều người dân tộc La Hủ sinh sống. Tiếp chúng tôi, ông Vàng Lỳ Sơn - Chủ tịch xã cho biết: “Xã có 9 bản, 666 hộ thì đã có 591 hộ nghèo (chiếm trên 88%). Toàn xã chỉ có 60ha lúa nước, 180ha lúa nương. Với chừng ấy nhân khẩu, chừng ấy diện tích sản xuất, bảo sao năm nào chả đói ít nhất 3 – 4 tháng. Tháng 2.2014, xã vừa nhận 42.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt”.

Ngay đầu bản Chà Dí (xã Bum Tở), chúng tôi gặp anh Phùng Phí Chừ - người dân tộc La Hủ đang dỗ đứa con khóc ngặt nghẽo. Gia đình anh, gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con sống trong túp lều dựng tạm chưa đầy 5m2, chỉ đủ kê một chiếc giường tạm bằng tre, chỉ có vài bộ quần áo, ngoài ra chẳng có gì đáng giá. Vợ chồng Chừ lấy nhau đã 8 năm nhưng vẫn không có một tấc đất sản xuất. Mỗi năm nếu Nhà nước không cấp gạo cứu đói thì họ sẽ thiếu đói mất 5 – 6 tháng.

Rời Bum Tở, chúng tôi sang xã Nậm Kè của huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đây là một trong 3 xã có đồng bào dân tộc Cống sinh sống. Dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy một cây số nhưng đường vào bản Nậm Kè 1 chỉ duy nhất có lối mòn dân sinh lởm chởm đá và bụi đỏ. Trưởng bản Lò Văn Thắng bảo: “Gần trung tâm nên bản đã có điện, được phủ sóng điện thoại. Nhưng dân bản vẫn còn nghèo quá. Thu nhập bình quân đầu người chỉ được hơn 100.000 đồng/tháng. Thiếu đất sản xuất, ruộng nương lại phân tán nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ nên dù được mùa thì cũng chỉ đủ ăn 5 tháng, những tháng còn lại phải chờ vào trợ cấp lương thực của Nhà nước hoặc lên rừng mưu sinh qua ngày”.
Phải lấy lúa giống để ăn
Nhà tôi có 8 khẩu chỉ có vài sào ruộng lúa nước bậc thang. Vụ mùa 2013 thu được 25 bao lúa (mỗi bao 30kg). Đầu năm 2014, tôi tổ chức cưới vợ cho con nên đến nay phải lấy lúa giống để ăn. Mùa này nếu không có lúa giống gieo cấy thì chắc cả nhà năm nay sẽ bị đói trầm trọng.
Chị Lò Thị Hơn (dân tộc Cống) ở bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Chỉ chờ hỗ trợ của Nhà nước 
Người dân Nậm Củm đã nghèo lại lười lao động, chỉ chờ hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn lương thực của cả bản chỉ trông chờ vào 4ha lúa nước, vậy mà chúng tôi đến vận động gieo mạ, cấy lúa cả tháng nay chưa xong. Mà có gieo cấy xong họ cũng để đấy không thèm ngó ngàng gì tới. Họ bảo là có trồng gì thì mấy con trâu con bò cũng vào giẫm phá hết. Làm không được ăn nên không ai muốn làm cả.
Bà Bùi Thị Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Nhìn lại những chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp của VnIndex

Chuỗi ngày tăng điểm trên 10 phiên liên tiếp của VnIndex không nhiều!

Hôm qua, 17/3, VnIndex đã đạt phiên tăng thứ 9 liên tiếp và điều đặc biệt là ngưỡng 600 điểm chính thức đã vượt qua. Liệu, chỉ số có thể tăng tiếp phiên thứ 10 cho phiên hôm nay? Chúng tôi nhìn lại những chuỗi tăng trên 9 phiên liên tiếp của VnIndex từ 2012 đến nay.
Nhìn lại những đợt tăng dài ngày từ 2012 tới nay của VnIndex
Từ 9/1/2012-19/1/2012: VnIndex tạo chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp. Sau chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp này, VnIndex đã điều chỉnh giảm 1 phiên với mức giảm 0,43 điểm (0,12%) nhưng sau đó lại tạo lập chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Chuỗi tăng 9 phiên lần này của VnIndex tương ứng tăng 10,9% nâng chỉ số từ 336,7 điểm lên 373,4 điểm.
Từ 24/12/2012-11/1/2013: VnIndex tạo chuỗi 13 phiên tăng liên tiếp.Đây là chuỗi ngày đáng nhớ của HoSE khi chỉ số tăng một mạch 16,61% nâng điểm số từ 396,8 điểm lên 462,7 điểm. Thanh khoản càng lúc càng tăng lên so với những phiên trước. Sau chuỗi tăng điểm là phiên giảm 3,72 điểm tương ứng 0,8%. Sau 1 phiên điều chỉnh, chỉ số lại tăng 2 phiên liên tiếp.
Từ 03/1/2014-21/1/2014: VnIndex tạo chuỗi 13 phiên tăng liên tiếp.Trong quãng thời gian này, chỉ số VnIndex đã đạt mức tăng 10,98%. Đáng chú ý là sau chuỗi tăng dài ngày thì chỉ số đã có một phiên giảm sâu gần 8 điểm tương đương 1,43% với thanh khoản ở mức cao hơn 1.870 tỷ đồng. Sau đúng 1 phiên giảm điểm, chỉ số lại hồi phục trở lại và lấy nhiều hơn những gì đã mất trong phiên điều chỉnh trong 2 phiên tiếp theo. 
Như vậy là, từ năm 2012 đến nay, VnIndex đã chứng kiến 3 chuỗi tăng liên tiếp đạt trên 9 ngày. Đáng chú ý là sau cả 3 chuỗi này thì chỉ có 1 phiên điều chỉnh, sau đó thị trường tăng tiếp khá bền vững chứ không có hiện tượng chốt lãi ồ ạt.
Hiện tượng luân chuyển vốn giữa các cổ phiếu
Dù là chuỗi tăng của VnIndex kéo khá dài nhưng trong đợt tăng nóng này của thị trường thì ít cổ phiếu phải giải trình do tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp.
Nếu như điểm sáng của tuần trước là VOS tăng trần 4 phiên, MDG tăng mạnh 6 phiên, BGM tăng mạnh 4 phiên, HAS tăng mạnh 4 phiên....thì hầu như các cổ phiếu này đã có phiên điều chỉnh giảm hoặc đứng giá, cắt đứt chuỗi tăng liên tiếp. Thay vào đó, những cổ phiếu lọt vào danh sách cảnh báo tăng mạnh nhiều phiên hiện tại là VIS (tăng mạnh 6 phiên); AGR (tăng trần 7 phiên); MHC (tăng trần 4 phiên); PPI...
Cá biệt như, nhiều cổ phiếu giảm sàn liên tục như GTT (giảm sàn 7 phiên) thì phiên hôm qua bất ngờ khớp lệnh 1,94 triệu cổ phiếu-cao hơn rất nhiều những phiên trước....
Nguyễn Thanh
Theo Trí Thức Trẻ

Món “vũ khí” 160 tỷ USD của Putin




Món “vũ khí” 160 tỷ USD của PutinCó lẽ, sẽ khôn ngoan hơn nếu phương Tác lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới hoạt động của giới tỷ phú Nga
Phương Tây dường như không có nhiều đòn bẩy để ngăn chặn Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga

Theo nhận định của hãng tin tài chính Bloomberg, xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga có thể sẽ là thứ “vũ khí” lợi hại nhất mà Tổng thống Vladimir Putin sở hữu để hạn chế các đòn trừng phạt từ phương Tây sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Hôm nay (17/3), một ngày sau khi đại bộ phận dân chúng Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẽ có cuộc gặp tại Brussels, Bỉ để bàn biện pháp trừng phạt Moscow. Tuy nhiên, theo Bloomberg, phương Tây dường như không có nhiều đòn bẩy để ngăn chặn Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga. 

Cho đến hiện tại, những lời cảnh báo về cấm visa và đóng băng tài sản mà phương Tây đưa ra chưa hề khiến điện Kremlin tỏ ra nao núng.

Nga, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, đạt kim ngạch 160 tỷ USD đối với các mặt hàng dầu thô và khí đốt xuất sang châu Âu và Mỹ trong năm 2012. Theo ông Jeff Sahadeo - một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Carleton của Canada, việc phương Tây ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga sẽ khiến quốc khố của Moscow hao hụt phần nhiều, nhưng cái giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả có thể cũng sẽ rất lớn, và ông Putin sẽ không thay đổi kế hoạch.

“Trong ngắn hạn, đây là điều khó xảy ra, và cho dù có xảy ra thì không rõ có thể thay đổi được hành vi của nước Nga hay không”, ông Sahadeo nói. Chuyên gia này cho rằng, nếu phương Tây sử dụng con bài trừng phạt năng lượng, câu hỏi đặt ra sẽ là ai “chết” trước.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Crimea, Thủ tướng Đức Angele Merkel, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã tuyên bố nước Đức sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng kinh tế tồi tệ trong trường hợp Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Theo các nhà phân tích từ Goldman Sachs, Bank of America, và Morgan Stanley, nhiều khả năng châu Âu sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt hạ chế dòng dầu lửa và khí đốt từ Nga. Các nước châu Âu là thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris nhập nhẩu 32% nhu cầu dầu thô và khí đốt từ Nga trong năm 2012.

Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, 30% nhu cầu khí đốt trong năm 2012 của các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Thụy Sỹ và các nước vùng Balkan được đáp ứng bởi nguồn nhập khẩu từ Nga. Phần lớn số khí đốt này đi qua hệ thống ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine.

Ông Marc Lanthemann, nhà phân tích thuộc công ty tình báo địa chính trị Stratfor ở Austin, Texas, Mỹ, nói rằng, việc thôi dùng dầu lửa và khí đốt của Nga sẽ không phải là chuyện mà châu Âu muốn. Cách đây 6 năm, châu Âu đã từng thất bại khi định trừng phạt điện Kremlin vì cuộc chiến của Nga ở Georgia. Khi đó, châu Âu đã không thể áp lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi thừa nhận sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Theo ông Lanthemann, khả năng cao nhất sẽ chỉ là châu Âu áp lệnh trừng phạt tài chính đối với các ngân hàng và giới tài phiệt Nga.

Về vấn đề Crimea, Nga vẫn tuyên bố rằng, việc nước này đưa quân vào Crimea chỉ nhằm mục đích bảo vệ người dân tộc Nga ở vùng này. Phát biểu hôm 14/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, Nga không có ý định tiến vào khu vực phía Đông của Ukraine.

“Các đối tác của chúng tôi hiểu rằng, các lệnh trừng phạt là một công cụ phản tác dụng”, ông Lavrov nói trước báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Phó giáo sư Seva Gunitsky thuộc Đại học Toronto của Canada nhận định, vấn đề trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu bất đồng quan điểm, bởi châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí của Nga. Kim ngạch nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga của châu Âu trong năm 2012 lớn gấp 38 lần so với mức nhập khẩu nhiền liệu từ Nga của Mỹ. Năm 2012, châu Âu nhập 156,5 tỷ USD dầu khí từ Nga.

Trong khi đó, theo ông Gunitsky, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu phương Tây áp các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới hoạt động của giới tỷ phú Nga, những người được cho là có ảnh hưởng tới Tổng thống Putin. Các lệnh trừng phạt “thông minh” như vậy có thể bao gồm hạn chế visa hay đóng băng tài khoản ngân hàng.

“Nếu họ muốn gây áp lực với lãnh đạo Nga hoặc trực tiếp với ông Putin, các lệnh trừng phạt ‘thông minh’ có thể sẽ hiệu quả hơn và dễ dàng hơn đối với châu Âu, thay vì áp lệnh trừng phạt vào khí đốt của Nga”, ông Gunitsky nói.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt năng lượng cũng có thể “phản đòn” nếu nguồn cung bị cắt từ Nga khiến giá năng lượng tăng vọt, kéo theo phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng châu Âu.

“Các lệnh trừng phạt có thể sẽ làm tổn thương khách hàng hiện nay của Nga, ít nhất bằng với những gì mà Nga phải chịu đựng”, chuyên gia kinh tế Judith Dwarkin thuộc công ty ITG Investment Research ở Calgary, Canada, đánh giá. “Đó là một sự ràng buộc hai chiều. Thị trường châu Âu rất quan trọng đối với Nga, và Nga cũng rất quan trọng đối với thị trường châu Âu”.
Theo Vneconomy

Nguy cơ khi người Trung Quốc quá đông tại Hà Tĩnh


- BTTD: VN đang trong giai đoạn đầu của tiến trình "Hán hóa". Nếu nhân dân VN không đoàn kết đấu tranh chống bành trướng TQ, tương lai không xa VN sẽ bị TQ nô dịch, hậu quả s vô cùng thảm khốc cho dân tộc VN.
- Hàng ngàn lao động trái phép đang làm việc chui tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.
Số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc
Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Tĩnh vào tháng 1/2014 cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài (3.217 người tại KKT Vũng Áng). Trong đó, chỉ 1.340 người được cấp giấy phép lao động.
"Như vậy, có đến 1.910 lao động làm việc chui, không giấy phép. Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc", thông tin dẫn trên tờ Người lao động.
Trước đó, vào tháng 9/2013, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở KKT Vũng Áng, qua đó phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động.
Vào những lúc cao điểm, Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng có đến 3.000- 4.000 lao động nước ngoài làm việc, chủ yếu là người Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 với khoảng 6.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại KKT Vũng Áng.
Tại công trình dự án Formosa (của Đài Loan) ở KKT Vũng Áng, ghi nhận chiều 14/3 hàng chục ô tô khách chở công nhân người Trung Quốc tạm trú tại các xã lân cận vào đây làm việc.
Tại khu nội trú bên trong khu dự án Formosa, nhiều tốp cán bộ, công nhân người Trung Quốc cũng đang khẩn trương ra công trường.
Tại dự án Formosa, rất nhiều lao động người Trung Quốc làm việc trái phép
Tại dự án Formosa, rất nhiều lao động người Trung Quốc làm việc trái phép
Bên ngoài các công trường dự án Formosa, hàng ngàn lao động phổ thông người Trung Quốc đang làm việc. Tất cả lao động này là của các công ty Trung Quốc trúng thầu thi công những hạng mục của Tập đoàn Formosa.
Dọc Quốc lộ 1, đoạn từ thị trấn Kỳ Anh đến hầm Đèo Ngang, thấy hàng trăm bảng hiệu công ty, bảng quảng cáo viết chữ Trung Quốc, chữ Việt lẫn lộn.
Bảng hiệu chữ Trung Quốc còn xuất hiện nhan nhản tại các tuyến đường, khu dân cư ở huyện Kỳ Anh. Anh Trần Anh Dũng, trú tại xã Kỳ Phương, lo ngại: “Ở đây, hễ bước ra ngõ là gặp người Trung Quốc, đi tới đâu cũng thấy chữ Tàu treo đầy đường”.
Ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Kỳ Anh, thừa nhận: “Nhiều công ty, nhà dân treo các biển viết chữ Trung Quốc sai quy định. Huyện đã tổ chức kiểm tra nhưng xử lý các trường hợp sai này chưa xong lại xuất hiện thêm các trường hợp khác”.
Trong khi đó: “Nhiều đơn vị sử dụng lao động nước ngoài cố tình che giấu số người thực tế, trong khi biên chế của đội ngũ thanh tra, cán bộ ngành LĐ-TB-XH chưa bảo đảm thực hiện việc kiểm tra hằng quý theo quy định”, một cán bộ Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh phân trần.
Không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội nữa
Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan từng bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp FDI đang "lấn sân" khu công nghiệp Việt cùng với vấn đề quốc phòng an ninh.
"Nói về FDI mình cần phải lo và cảnh báo mặt trái của FDI, mặt trái những năm vừa rồi nổi lên càng ngày càng rõ như hiện tượng chuyển giá vẫn chưa có công cụ ngăn chặn. Năm vừa rồi Bộ Tài chính có đi vào điều tra thêm và điều chỉnh lại nhưng chưa làm một cách rộng rãi và có công cụ thực sự hữu hiệu về lâu về dài để kiểm soát điều đó".
Đặc biệt bà Phạm Chi Lan quan ngại việc doanh nghiệp FDI lấn sân các doanh nghiệp Việt Nam.
"FDI lấn sân doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu được biểu hiện rất rõ nhưng trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ Việt Nam có thành tích tăng trưởng nhưng trong đó bao nhiêu % là FDI?
Bởi vì số doanh nghiệp Việt Nam chết nhiều, giảm mạnh, doanh nghiệp nhà nước không cải thiện được nên rõ ràng sự phát triển là do nhân tố còn lại là FDI. Liệu mình có thể cứ chỉ dựa vào FDI mãi được không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Bà Lan kiến nghị, cần nhìn ở tầm dài hạn hơn thay vì lo năm 2014 có tăng trưởng hay không vì giá phải trả sau đó lớn hơn rất nhiều so với giá trước đây từng trả.
"Lần này tôi cảm thấy rủi ro hơn rất nhiều khi ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội nữa.
Thành ra đừng quá háo hức với chuyện này và cần lưu ý mặt trái như thế nào, chúng ta muốn phát triển đất nước tạo cơ hội cho những người trẻ hay chúng ta cứ muốn có cơ hội từ nước ngoài mang đến", bà Lan nói.
Thiếu tướng đi kiểm tra
Trước thực trạng trên, mới đây, đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), về thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh trong địa bàn.
Qua kiểm tra, thấy vấn đề quản lý lao động là người nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng gặp nhiều khó khăn.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, biên phòng phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hữu hiệu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức đăng ký việc ra, vào, tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn khoa học và đúng pháp luật.
Đồng thời, Ban CHQS huyện Kỳ Anh, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chủ động xây dựng phương án khu vực phòng thủ, xử lý tình huống đột xuất, bổ sung lực lượng, phương tiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Phương Nguyên ( Đất Việt )

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị hợp tác không quân Việt-Mỹ


- Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị lực lượng không quân Mỹ - Việt đi sâu vào hợp tác trao đổi thông tin; cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Thông tin này được đề cập tại buổi tiếp xã giao chiều 17/3 giữa Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với Đại tướng Herbert Carlisle, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trao quà lưu niệm tặng Đại tướng H. Ca-li-xlơ
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trao quà lưu niệm tặng Đại tướng H. Ca-li-xlơ
Tờ QĐND đưa tin, tại buổi tiếp, Đại tướng H. Carlisle đã thông báo kết quả buổi làm việc trước đó giữa Đoàn Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương và Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam.
Theo đó hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y, huấn luyện, đào tạo phi công…
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện là cơ sở để đưa hợp tác quốc phòng song phương phát triển lên một tầm cao mới, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Nhất trí với kết quả làm việc giữa hai Đoàn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị lực lượng không quân của hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi Đoàn các cấp, đi sâu vào hợp tác trong các lĩnh vực trao đổi thông tin; chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn trên biển; nghiên cứu y học không quân; đào tạo tiếng Anh cho các quân nhân Việt Nam; khắc phục hậu quả sau chiến tranh; tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Trước đó, kể từ đối thoại chính sách quốc phòng thường niên Việt - Mỹ lần thứ 4 hồi tháng 10/2013, dưới sự đồng chủ trì của Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Vikram Singh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hai bên đã thống nhất nâng lên tầm quan hệ đối tác toàn diện.
Phương Nguyên ( Theo Đất Việt )

Dư luận quốc tế về cuộc trưng cầu ở Crimea


Dư luận quốc tế về cuộc trưng cầu ở Crimea
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm cho người đồng cấp mỹ Barack Obama vào sáng 17.3 khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hòa tự trị Crimea tuân thủ với luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ.
Trong cuộc trao đổi, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn thông báo điện Kremlin rằng “người dân bán đảo này được bảo đảm quyền tự do bày tỏ nguyện vọng và tự định đoạt”. Tổng thống Putin khẳng định cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea diễn ra hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ hiến chương LHQ.
Cùng lúc, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Putin lặp lại cáo buộc rằng chính phủ mới ở Kiev không thể bảo vệ những người nói tiếng Nga trong các cuộc bạo lực ở Ukraine.
Theo RIA, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đồng ý tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho tình hình khủng hoảng tại Ukraine hiện tại dù còn những bất đồng.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Mỹ đang hợp tác với các đối tác phương Tây để chuẩn bị áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông Jay Carney, khẳng định Mỹ sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea. Một số nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và vi hiến.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cho biết cuộc trưng cầu dân ý vi phạm luật pháp Ukraine và luật pháp quốc tế, có thể gây rắc rối thêm cho những nỗ lực để hạ nhiệt khủng hoảng.
Liên minh châu Âu đã chuẩn bị danh sách những quan chức (ban đầu khoảng 130 người, sau đó được giới hạn còn “vài chục”) tại Crimea và Nga để chính thức áp đặt các cấm vận như cấm đi lại và đóng băng tài sản. Kết quả chính thức sẽ được quyết định trong cuộc họp ngoại trưởng EU tại Brussels sắp tới. Các ngoại trưởng châu Âu cũng dự kiến hủy cuộc họp thượng đỉnh EU - Nga dự kiến diễn ra tại Sochi vào tháng 6.2014.
Ở châu Á, Nhật Bản nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quan điểm của các nước phương Tây khi bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Reuters dẫn lời Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga rằng Tokyo đã sẵn sàng hợp tác với các thành viên nhóm nước G7 về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phủ nhận trực tiếp cuộc bỏ phiếu tại Crimea và không ủng hộ trừng phạt đối với nước Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Li Baodong ngày 17.3 nói rằng “Chúng tôi hi vọng tất cả các bên có thể bình tĩnh và duy trì kiềm chế để ngăn chặn tình hình leo thang và căng thẳng thêm”.
Theo Minh Anh ( Một Thế Giới )