Trang

21 tháng 2, 2014

8 tật xấu khó bỏ của người Việt

- Người VN đã quen với những thói hư, tật xấu và ngày càng vô cảm góp phần làm xã hội suy đồi. BTTD

Lâu nay người Việt cứ ru nhau bằng những từ hoa mỹ mà chẳng bao giờ nhìn nhận thẳng vào sự thật xấu xí của mình như thói lừa lọc dối trá, sĩ diện hão, thói ham ăn, hay ghen tỵ...

Tôi có từng đọc cuốn sách "Người Trung Quốc xấu xí "của tác giả Bá Dương. Đây là cuốn sách phê phán những cái xấu của đời sống văn hoá, chính trị Trung Quốc. Ngay khi vừa xuất bản, cuốn sách đã được nhiều người đón nhận. Ngay cả ở Trung Quốc, nhiều người cũng thích thú cuốn sách này vì họ có dịp nhìn lại mình để hoàn thiện.
Đúng là người Trung Quốc xấu xí thật. Nhưng đấy là chuyện về Người Trung Quốc. Còn người Việt chúng ta cũng xấu xí không kém.
Lâu nay, người Việt cứ ru nhau bằng những mỹ từ như: hào hoa, thanh lịch như người Tràng An,  người Việt Nam hiền hoà mến khách, nhân hậu... rồi nước Việt Nam rừng vàng biển bạc.... Ôi! Toàn lời tán tụng sáo rỗng.
Đành rằng ở đâu cũng có người tốt người xấu, không có chỗ nào mà có toàn người tốt, cũng chẳng có nơi nào toàn người xấu. Nhưng khi cái xấu ngày càng nhiều và diễn ra hàng ngày trước mắt thì nó sẽ dần được xem như điều bình thường.
Dĩ nhiên, không phải người Việt nào cũng xấu xí, nhưng nếu bạn đọc nội dung bên dưới mà thấy mình cũng có khi như vậy thì hãy suy nghĩ nhé.
1. Khạc nhổ ngoài đường. Nếu bạn chưa từng bị dính nguyên bãi nước bọt, đờm, nước mũi khi đang đi trên đường phố Việt Nam thì bạn chưa cảm nhận hết cái sự điên cuồng, khó chịu đến phẫn nộ của những phi vụ hôi thối này.
Có lần tôi nghe kể chuyện về một cô Tây sang Việt Nam du lịch lần đầu tiên. Cô ngồi trên xích lô ngắm phố phường và vô tình hứng luôn bãi nước bọt của người đi xe máy phía trước. Vậy là cô đổi vé máy bay về nước trong ngày hôm ấy và hứa sẽ không quay lại Việt Nam lần nữa.
2. Nói chuyện lớn tiếng chỗ đông người. Tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã, không giống như nhiều ngôn ngữ khác. Vì thế, nhiều người nước ngoài, nhất là người Âu Mỹ lần đầu nghe tiếng Việt sẽ thấy rất chói tai. Vậy mà, nhiều người nói rất lớn tiếng chỗ đông người, nghe cứ như đang cãi nhau.
Hôm qua tôi đi ăn một quán ở TP HCM. Tôi đang ngồi ăn thì có nhóm khách là nhân viên văn phòng kéo vào và từ đó cái quán thành cái chợ và bữa ăn trưa kém ngon vì sự ồn ào.
3. Hỉ mũi sột soạt tại quán ăn. Nhiều người chẳng thèm biết cảm giác của người xung quanh ra sao khi cứ vô tư hỉ mũi sột soạt chỗ quán ăn đông người (nhất là những quán bán đồ ăn có vị cay như bún bò, bún riêu...). Nếu các bạn đang ngồi ăn mà nghe hỉ mũi thì cái thú ẩm thực cũng mất luôn.
4. Lãng phí đồ ăn. Các bạn hãy thử đi ăn buffet xem, nhiều người lấy đồ ăn cả bàn ăn không hết. Họ ráng gồng mình để ăn cho đủ với số tiền bỏ ra. Ăn không được thì bỏ. Thế nên nhiều nơi phải dán dòng chữ bằng tiếng Việt: Xin lấy thức ăn vừa đủ là như vậy!
5. Sĩ diện. Nhiều người Việt không sống đúng với thực tế của bản thân. Họ vay mượn, làm đủ mọi cách để có quần áo, xe cộ, nhà cửa, máy móc cho bằng người khác. Họ sĩ diện và tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài và bất chấp cái ruột bên trong trống rỗng.
6. Ghen ăn tức ở:  Nhiều người hay thở dài rằng ở đời giàu bị người ta ghét, nghèo bị người ta khinh. Nhiều người ngại công nhận mình thua kém và người khác tài giỏi hơn mình. Họ thường tìm cách vạch lá để tìm sâu.
Nếu ai đó thành công, họ sẽ nói do A, B, C như thế này thế kia và tìm cách chê bai chỉ trích (như trường hợp của Mr. Đông, tác giả Flappy Bird vừa rồi). Vì thế nói văn hoá phương Tây thiên về khuyến khích, văn hoá Việt Nam thiên về chỉ trích là không hề sai chút nào!
7. Dối dối trá lừa lọc. Tật xấu này, tôi thấy dường như với người Việt đã là chuyện rất bình thường chứ không có gì to tát. Người ta khất hẹn với bạn thường bịa lý do nào đó thay vì nói thẳng nói thật.
Nói dối dù gây hại hay không thì nó cũng đã tạo nên một thói quen xấu và hậu quả là bây giờ nhiều người nói nhưng mình không thể tin. Cuộc sống mà chúng ta không có lòng tin nhau cũng mệt mỏi.
8. Hùa theo số đông. Người Việt thích làm những gì mà nhiều người đang làm, thích ăn uống ở nơi thấy nhiều người xếp hàng, thích mua hàng hoá đang có quảng cáo trên tivi, thích bàn tán chuyện báo chí đang đề cập...
Nói chung là ai cũng muốn chứng tỏ mình sành điệu và bắt kịp thời cuộc, cho nên nhiều trận chê hội đồng và khen theo phong trào vô tình làm nên nhiều hiện tương quá lố... Những tật xấu này chưa có biểu hiện sẽ bớt đi mà ngày càng nở rộ.
Qua đây, hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn nhận lại bản thân để có những cư xử văn minh trong thời buổi hiện nay thay vì ngồi chỉ trích, ghen ăn tức ở với nhau.

Nguyễn Huy (Vnexpress)

Chủ tịch HĐQT địa ốc An Khang bị bắt

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc An Khang Ngô Thị Minh Phượng (55 tuổi) đã bị Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48 - Bộ Công an) bắt giam với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng 21/2, C48 cũng thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Quốc Tuấn (45 tuổi) - Trưởng Phòng tài nguyên và môi trường TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà chức trách cũng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nhà riêng của ông Tuấn tại đường Phạm Ngọc Thạch, phường 9, TP Vũng Tàu, thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu được cho là có liên quan đến hành vi sai phạm của ông này.
ONG-VU-QUOC-TUAN-DUOC-GIAI-DI-8431-3324-
Ông Tuấn bị đưa về cơ quan điều tra sau khi việc khám xét nhà riêng hoàn tất. Ảnh: Xuân Mai
Thủ tục trên cũng được thực hiện với bà Phượng tại trụ sở Công ty cổ phần địa ốc An Khang trên đường Nguyễn Thái Học, phường 7, TP Vũng Tàu.
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cũng khởi tố nhưng cho tại ngoại đối với ông Nguyễn Quốc Trung, quyền giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Vũng Tàu. Văn phòng này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng tài nguyên và môi trường. 2 bị can khác cũng bị khởi tố, song danh tính chưa được tiết lộ.
Ông Tuấn và bà Phượng được cho là có liên quan đến dự án Trung tâm thương mại và khu nhà ở cao cấp Metropolian tại đường 51B, phường 11, TP Vũng Tàu do Công ty cổ phần địa ốc An Khang làm chủ đầu tư. Trong đó, với chức danh chủ tịch HĐQT công ty này, bà Phượng đã chỉ đạo nhân viên huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất. Cơ quan điều tra tình nghi tiền vốn mà Công ty An Khang huy động lên đến 390 tỷ đồng.
Còn ông Tuấn bị điều tra về hành vi xác định sai vị trí đất của dự án để tính thuế cho Công ty An Khang, làm thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Xuân Mai (Vnexpress)

Ukraina ký thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng

Tổng thống Ukraine và các đảng đối lập hôm nay ký thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng và kết thúc cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev.

ukraine-5731-1392997477.jpg
Các phe ở Ukraine đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng. Từ trái qua phải là thủ lĩnh Vitalii Klitschko của đảng Udar, thủ lĩnh Oleh Tyagnybok của đảng Svoboda, Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh Arseniy Yatsenyuk của đảng Batkivcshchyna. Ảnh: AFP
Thỏa thuận được ký kết tại dinh tổng thống ở thủ đô Kiev, với sự chứng kiến của Tổng thống Viktor Yanukovych, các đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và ba thủ lĩnh của phe đối lập, AFP đưa tin.
Theo thỏa thuận, Hiến pháp năm 2014 sẽ được khôi phục trong vòng 48 giờ và một chính phủ liên kết sẽ được thành lập trong vòng 10 ngày tới. Cải cách Hiến pháp sẽ được triển khai ngay lập tức theo hướng cân bằng quyền lực giữa tổng thống, chính phủ, quốc hội và hoàn tất trước tháng 9 năm nay.
BBC cho hay, thỏa thuận hòa bình cũng yêu cầu cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức sau khi Hiến pháp mới được áp dụng nhưng không muộn hơn tháng 12 năm nay. Một cuộc điều tra các hành vi bạo lực trong thời gian gần đây sẽ được tiến hành dưới sự giám sát chung của các nhà lãnh đạo Ukraine, phe đối lập và Hội đồng châu Âu.
Nội dung bản cam kết chỉ rõ các nhà chức trách sẽ không áp đặt tình trạng khẩn cấp, giới lãnh đạo Ukraine và phe đối lập sẽ kiềm chế không sử dụng bạo lực. Đồng thời, các loại vũ khí bất hợp pháp sẽ được bàn giao cho các cơ quan khác nắm giữ.
Thỏa thuận chốt lại với nội dung các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức, Ba Lan và đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi bạo lực và xung đột.
Các điều khoản của thỏa thuận trên được thông qua sau một cuộc đàm phán kéo dài giữa Tổng thống Yanukovich, đại diện phe đối lập và bộ trưởng ngoại giao của ba nước Đức, Pháp, Ba Lan.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Ukraine, 77 người thiệt mạng và 577 người bị thương vì các cuộc xung đột ở nước này trong hai ngày qua. Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đẫm máu đang diễn ra tại thủ đô Kiev.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ bao trùm Ukraine kể từ cuối tháng 11/2013, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký một hiệp định kinh tế với EU và thúc đẩy quan hệ với Nga. Moscow đã cam kết cho Ukraine vay 15 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Thùy Linh

Người Việt sẽ được vào Casino?



Người Việt vào casino: “Điều kiện đủ” cho thị trường 3 tỷ USD
Hãng tin Reuter trong một bài phân tích gần đây nói rằng các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này đều đã nhắm đến Việt Nam như Las Vegas Sands, Genting Bhd, Nagacorp và Penn National Gaming, nhưng họ vẫn đang chờ liệu người Việt có được phép vào casino.



In
Theo quy định, các casino, điểm vui chơi giải trí có thưởng hiện nay của Việt Nam hiện vẫn cấm người Việt Nam vào chơi. 

Vấn đề nhạy cảm đến mức gần đây, khi đề xuất về việc cho phép người Việt vào casino được công bố, đó vẫn được coi là một nguồn tin nhạy cảm. Nhưng diễn biến mới đây tại khu giải trí phức hợp Hồ Tràm Strip (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cho thấy một cách tiếp cận cởi mở hơn đối với vấn đề này.

“Nên ở quy mô nhỏ”


Theo tường thuật trên báo Tuổi Trẻ, sáng 20/2, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã có buổi làm việc và tìm hiểu hoạt động của sòng bài tại khu giải trí phức hợp Hồ Tràm Strip để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hoàn chỉnh nghị định về quản lý sòng bài.

Buổi làm việc cũng ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề nên cấm hay cho người Việt vào casino đánh bài, sau khi Chính phủ dự kiến thí điểm cho phép người Việt vào các casino tại Việt Nam để chơi bài, một nội dung đã được khá nhiều báo chí trong và ngoài nước đăng tải.

Phát biểu về việc có nên cho người Việt vào casino, ông Colin Pine, Giám đốc Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm đã dẫn câu chuyện về người Việt sang các casino ở Campuchia đánh bài để ủng hộ quan điểm nên cho người Việt vào casino đánh bài, nhưng cho rằng việc này “nên ở quy mô nhỏ vì tốt nhất là nên có chỗ chơi cho an toàn, Nhà nước quản lý được”.

Theo ông, nếu người Việt được vào sòng bài, Nhà nước thu được thuế, hạn chế ngoại tệ đưa ra nước ngoài, hạn chế cờ bạc “xã hội đen”.

Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tường thuật là "ủng hộ cho người Việt vào casino nhưng chỉ cho đánh với máy, còn đánh ở bàn chia để tính sau". Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu thí điểm cho người Việt vào casino thì phải hạn chế đối tượng, như cán bộ công chức, đảng viên, lực lượng vũ trang không được vào.

Trong khi đó, ông Đinh Thịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, thừa nhận ngay trong các lãnh đạo Quốc hội cũng "có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau; có người ủng hộ chủ trương nhưng cũng có người đề nghị chưa nên đặt vấn đề này". Tuy vậy, vẫn theo ông Hải, trên thực tế người Việt ra nước ngoài để đánh bạc khá nhiều và do đó đoàn sẽ ghi nhận các quan điểm để kiến nghị cấp có thẩm quyền về vấn đề này.

Điều kiện đủ

Các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay vẫn ngồi đợi quyết định cuối cùng của Việt Nam trong vấn đề này.

Hãng tin Reuter trong một bài phân tích gần đây nói rằng các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này đều đã nhắm đến Việt Nam như Las Vegas Sands, Genting Bhd, Nagacorp và Penn National Gaming, nhưng họ vẫn đang chờ liệu người Việt có được phép vào casino.

Hãng tin này dẫn một nguồn tin nói rằng nếu điều kiện về pháp lý về casino được nới lỏng, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm casino của khu vực, với tiềm năng doanh thu 3 tỷ USD mỗi năm. Con số này tương đương khoảng một nửa doanh thu ngành casino ở Singapore năm 2013, nhưng cao gấp 10 lần của Campuchia và ngang ngửa với doanh thu của ngành sòng bạc Philippines hay Hàn Quốc.

Tâm lý chờ đợi khiến cho các kế hoạch phát triển casino bị trì hoãn qua nhiều năm, gần đây nhất là sự kiện tập đoàn Genting tuyên bố rút khỏi dự án casino ở Nam Hội An, sau khi cảm thấy "mệt mỏi".

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 50 điểm được phép kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Năm 2010, doanh thu của 50 cơ sở này ước đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Nay thì, sự khấp khởi không chỉ đến với các nhà đầu tư mà còn là từ lãnh đạo các tỉnh thành từ lâu nay đã và đang dồn tâm sức cho việc tạo ra một casino trên địa bàn mình.

Bao nhiêu tiền đã chi cho giảm nghèo?

Từ 2005 đến 2012, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo bình quân trên 90.000 tỷ đồng/năm...


In
Trong một buổi làm việc mới đây với Bộ Tài chính, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đã tỏ rõ sự băn khoăn về độ chênh của các con số về nguồn lực thực dành cho các chính sách giảm nghèo.

Theo Bộ Tài chính, từ 2005 đến 2012 hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo là khoảng 734.000 tỷ đồng (bình quân trên 90.000 tỷ đồng/năm), chiếm trên 12% tổng chi ngân sách nhà nước. 

Nguồn lực này được bố trí để thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp. Như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 135 và chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi… và ưu đãi về tín dụng.

Trong đó từ 2006 - 2012, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 44.896 tỷ đồng. Hai năm 2011 - 2012, ngân sách đã bố trí hỗ trợ khoảng 9.167 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí. Từ 2009 - 2012, hỗ trợ 4.254,3 tỷ đồng cho hộ nghèo vay làm nhà ở…

Dẫn con số 120 nghìn tỷ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hùng cho rằng “độ chênh là quá lớn”. Tạm tính theo con số của Bộ Tài chính, đại biểu Hùng nêu vấn đề “tư duy một cách trực tiếp thì có người tính rất đại số theo cách lấy 90 nghìn tỷ chia cho 500 nghìn hộ giảm nghèo trong một năm thì nguồn lực để giảm nghèo cho một hộ là 180 triệu  đồng”. Nếu tính như vậy thì hiệu quả của nguồn lực có vấn đề gì, lẽ nào cần 180 triệu đồng cho một hộ/năm để giảm nghèo?

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp giải thích, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo chiếm 12 - 15% ngân sách là chưa tính đến mỗi năm 20 nghìn tỷ cho vay ưu đãi, nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng 7 - 8 nghìn nữa là gần 30 nghìn. Và đây có lẽ là lý do dẫn đến độ chênh với thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

“Con số thì mỗi nơi một khác, nhưng con số chúng tôi báo cáo đây là là tiền tươi thóc thật, chỉ có thiếu chứ không có thừa”, ông Nghiệp khẳng định.

Vẫn liên quan đến băn khoăn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về con số bình quân 180 triệu cho một hộ nghèo trong một năm, một vị lãnh đạo cấp vụ cho hay, con số này đã nghe nói nhiều nơi, nhưng không có dịp để bày tỏ với đoàn giám sát.

Theo phân tích của vị này thì chính sách hỗ trợ của một số đề án không chỉ cho riêng... hộ nghèo, mà cho các hộ cận nghèo và vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách. Và tiền đầu tư cho bệnh viện, trường học… cũng là rất lớn.

Làm rõ thêm những băn khoăn về nguồn lực, một vị phó vụ trưởng khác giải thích rằng có nhiều chương trình được thống kê trong chính sách giảm nghèo nhưng đối tượng được thụ hưởng không chỉ là người nghèo. Và với nhiều chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chắc chắn không phân định được số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo…

Vênh về con số, không phân biệt được, không thống kê được đầy đủ… đều là những điều dễ hiểu. Bởi văn bản về giảm nghèo đang ở mức “bội thực”, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo.

Chỉ kể tên của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thôi, báo cáo của Bộ Tài chính cũng phải tốn đến vài chục gạch đầu dòng và nhiều chữ… Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không nêu được con số chính xác mà cho biết có khoảng trên 70 văn bản chính sách ban hành trong lĩnh vực giảm nghèo. Theo báo cáo của bộ này thì nguồn lực đầu tư để giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực thông qua việc đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, nước sạch…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng nêu quan điểm cá nhân rằng, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư cho xóa đói giảm nghèo chỉ ở mức trung bình.

Chính Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cũng than thở là điều kiện ngân sách hạn hẹp song mỗi chính sách đưa ra đều ngốn khoảng 5.000 - 7.000 tỷ, trong khi có quá nhiều chính sách khiến cho ngân sách không gánh nổi.

“Phải làm sao cho chính sách có hiệu quả ngay, chứ hàng chục năm trời không thực hiện hết được chính sách, cứ đầu tư rải hết năm này năm, phân tán kia lãng phí vô cùng”, ông Nghiệp nói với đoàn giám sát.

Đến nhiều địa phương để tìm hiểu, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng tỏ ra hết sức sốt ruột khi nhiều con đường mới làm xong đã đầy ổ voi, xấu hơn cả lúc chưa trải nhựa. Rồi có tình trạng một huyện có tới ba trung tâm dạy nghề xây sừng sững, nhưng không có người đến học.

Kết quả giảm nghèo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đó là điều được nhiều vị quan chức và cả đại biểu Quốc hội nhắc đến. Song, cho dù là không phải là “quỹ” để đem chia đều cho đầu người hay chi cho “bộ máy” theo một cách lý giải khiến dư luận phẫn nộ gần đây, thì hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng là con số lớn, rất lớn với điều kiện ngân sách eo hẹp của Việt Nam.

Vì vậy, chính xác là bao nhiêu trong số tiền thuế vốn chưa dồi dào của nhân dân đã được đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, và hiệu quả mang lại có tương xứng hay không? Lãng phí, thất thoát nằm ở những khâu nào và có thể khắc phục được không? Đó, chí ít là những điều các vị đại diện cho dân cần trả lời rõ ràng, minh bạch, sau cuộc giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, ở kỳ họp Quốc hội thứ bảy tới đây.

Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma


'Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma là can thiệp nội bộ Trung Quốc'

Vào thứ sáu 21.02.2014, Trung Quốc đã yêu cầu tổng thống Barack Obama hủy bỏ buổi gặp mặt Đạt Lai Lạt Ma - lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Tại Washington, Obama đã lên kế hoạch gặp Đạt Lai Lạt Ma – khi ông tuyên bố rằng ông đi tìm con đường tự trị cho Tây Tạng chứ không phải đòi hỏi độc lập. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn coi Đạt Lai Lạt Ma là một nhà chính trị lưu vong có tham vọng kích động li khai.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hua Chunying đã phát biểu: “Thông qua việc sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Barack Obama và Đạt Lai Lạt Ma, Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Hua nói tiếp “Chúng tôi cảnh cáo Hoa Kỳ nghiêm túc với mối quan ngại của Trung Quốc, hãy lập tức hủy bỏ cuộc gặp gỡ và không hỗ trợ cho Đạt Lai Lạt Ma tổ chức các hoạt động li khai chống Trung Quốc trên lãnh thổ của Hoa Kỳ”.
Trước đó, Tổng thống Obama đã hai lần gặp Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 2.2010 và tháng 7.2011.
Hồng My (Theo Yonhap News)

14 tổ chức 'lên án' tòa xử LS Quân

 Ông Lê Quốc Quân
 Ông Quân bị tòa giữ nguyên mức án 30 tháng tù giam
Mười bốn tổ chức phi chính phủ cùng 'lên án' việc tòa phúc thẩm ở Hà Nội giữ nguyên bản án 30 tháng tù với luật sư Lê Quốc Quân.
Trước đó cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều bày tỏ 'quan ngại' về quyết định của tòa án hôm 18/2.
Các tổ chức đồng ký tên lên án bản án mới nhất bao gồm ARTICLE 19, Phóng viên Không Biên giới, Media Legal Defence Initiative, Freedom House, Avocats-sans-Frontières, Lawyers for Lawyers, Lawyer's Rights Watch Canada, English PEN, PEN American Center, the National Endowment for Democracy, PEN International, Media Defence Southeast Asia, Front Line Defenders, và the World Movement for Democracy.
Người đứng đầu các chương trình khu vực của Freedom House, ông Robert Herman được dẫn lời nói:
"Chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án ông Quân vì [ông đã] bóc trần những vi phạm nhân quyền và việc làm sai trái mà truyền thông do nhà nước kiểm soát từ lâu đã phớt lờ."
Thông báo của 14 tổ chức nói tòa phúc thẩm giữ nguyên cả bản án 30 tháng tù vì tội trốn thuế mà các tổ chức nói do chính quyền "ngụy tạo" và khoản tiền phạt 59.000 đô la.
Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều gây lo ngại."
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Họ cũng nói bản án phúc thẩm được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 11/2013.
"Việc Việt Nam tiếp tục trấn áp những người bảo vệ nhân quyền đặt ra những câu hỏi bức bối về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của họ," ông Thomas Hughes, Giám đốc điều hành của ARTICLE 19 được dẫn lời nói.
'Chỉ trích ôn hòa'
Trong khi đó đại diện của Media Legal Defence Initiative, Nani Jansen, nói Việt Nam đã "giả điếc" trước những lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Quân.
14 tổ chức
  • ARTICLE 19
  • Reporters without Borders
  • Media Legal Defence Initiative
  • Freedom House
  • Avocats-sans-Frontières
  • Lawyers for Lawyers
  • Lawyer's Rights Watch Canada
  • English PEN
  • PEN American Center
  • The National Endowment for Democracy
  • PEN International
  • Media Defence Southeast Asia
  • Front Line Defenders
  • The World Movement for Democracy
Hoa Kỳ là nước đã nêu đích danh vị luật sư trong số những người họ muốn Hà Nội trả tự do tại phiên kiểm định nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc hôm 5/2 mới đây.
Phản ứng ngay sau phiên xử hôm 18/2, Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ra thông cáo viết: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về quyết định của Chính phủ Việt Nam giữ nguyên mức án 30 tháng tù vì tội Trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân".
"Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều gây lo ngại."
Thông cáo cũng viết: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa".
Việt Nam vẫn luôn bác bỏ yêu cầu đòi thả tù nhân của Hoa Kỳ và các tổ chức.
Họ nói ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm.
Mặc dù không nêu dích danh Hoa Kỳ, trong một phỏng vấn mới đây, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, người đại diện cho Việt Nam báo cáo về tình hình nhân quyền ở Geneva hôm 5/2 nói: 
"...Một số khuyến nghị còn thiếu cơ sở, chưa phản ánh được đúng tình hình thực tiễn một cách khách quan của Việt Nam hoặc thể hiện định kiến.
"Những khuyến nghị này chúng ta không chấp thuận."
Theo bbc