Trang

13 tháng 1, 2014

Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ

Nguyễn Viễn Sự thực hiện

TS Phạm Duy Nghĩa - Ảnh: Thuận Thắng

Có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng những lời khai tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng mới đây cho thấy có những cuộc giao dịch mà tiền USD được chất đầy trong những vali, giỏ xách.

 Và chuyện đưa và nhận tiền với hàng trăm ngàn USD ấy diễn ra hết sức bình thường, đơn giản..


TS Phạm Duy Nghĩa (trưởng khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: “Giả định rằng những lời khai tại tòa là sự thật thì nửa triệu USD mà ông Dương Chí Dũng mang đi hối lộ phải đựng trong túi kéo. Còn 1 triệu USD mà trước đó một bị cáo khác khai đã đưa cho ông Dũng thì phải bỏ trong vali kéo...

Chẳng còn là chuyện lạ

Có phải ông muốn dùng hình ảnh cái vali, túi kéo thay thế chiếc phong bì để khái quát tình hình tham nhũng?
- Cái việc hối lộ, nhiễu nhương trong xã hội Việt Nam không còn là chuyện lạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) là “bây giờ làm gì cũng phải có tiền, không có tiền là không trôi... tham nhũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu”. 

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri ở TP.HCM cũng nói trong bộ máy của chúng ta không chỉ có một con sâu mà cả một bầy sâu. 

Rồi các phiên họp của Quốc hội, HĐND bị chất vấn nhiều nhất là vấn đề có hiện tượng chạy chức chạy quyền, thậm chí ở HĐND TP Hà Nội đã có cuộc tranh luận chạy chức này chức kia là bao nhiêu tiền...

Như vậy, đây không phải là chuyện lạ, giật đùng, ngã ngửa gì cả. Từ 20 năm trước ở vỉa hè Hà Nội tôi đã nghe chuyện chạy chức này chức kia, chạy việc này việc kia giá bao nhiêu... Nhưng nay hiện tượng chạy chức chạy quyền ấy không còn nằm ở quán chè nước nữa mà đã lan đến nghị trường.

Và lời khai của Dương Chí Dũng chỉ lượng hóa được một điều cụ thể là cái phong bì không chứa nổi tiền hối lộ nữa mà nó phải là một cái giỏ xách, một vali. 

Đồng thời cảnh báo xã hội về việc các quan chức khi dính vào tội hình sự thì dùng tiềm lực kinh tế để tránh sự trừng phạt của công lý.

Nhưng đây là lần hiếm hoi người ta nghe chính thức một người trong cuộc kể lại hành trình đi đưa hối lộ với số tiền kếch xù, số tiền bao nhiêu, ngày nào, đưa cho ai, rất đơn giản...

- Chuyện này cũng không mới. Vụ tham nhũng ở dự án đại lộ Đông Tây của ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM), bên đưa hối lộ là Công ty PCI của Nhật cũng đã khai hết quá trình, dân ta cũng đã biết hết. 

Có điều người ta không đưa hối lộ, chuyển tiền thô thiển kiểu kéo - một - chiếc - vali như ở nước mình. Ở nước ngoài, muốn chuyển một khoản tiền cũng phải có những động tác giả, giả vờ có những hợp đồng, chuyển qua công ty trung gian. 

Vì họ biết sẽ bị kiểm toán chặt chẽ, không tránh được ánh mắt của luật pháp. Cái phong bì trước đây hay vali, túi xách bây giờ không chỉ phản ánh một sự thật chua chát về tham nhũng mà còn cảnh báo một sự cẩu thả trong quản lý dòng tiền của Việt Nam cũng như chủ nghĩa tiền mặt và sự giám sát đáng ra phải có của Nhà nước. 

Tất cả những điều này mọi người đều biết hết, có điều qua vụ này nó mới lộ ra chi tiết.

* Dương Chí Dũng nhận và đưa những khoản tiền lớn đến cả triệu USD một cách rất gọn nhẹ. Ông có bình luận gì về sự “đơn giản” này không?

- Sự khốn đốn do kinh tế suy thoái đang tác động rất lớn đến người dân, người ta quan tâm đến chuyện con cái học hành, khám bệnh, tết này ra sao... 

Cuộc mưu sinh đang làm cho người ta thờ ơ. Nhưng cái lớn hơn là người ta thấy tham nhũng đó nhưng không chống lại được. 

Biệt thự quan chức ở đâu dân cũng biết. Nhà thờ họ quan chức ở đâu dân cũng biết. Con công chức đi học nước ngoài người ta cũng biết. Quan chức ốm chữa bệnh ở đâu người ta cũng biết luôn. 

Thế nên họ chẳng “sốc” mà cũng chẳng kinh ngạc. Đó là dấu hiệu rất đáng lo ngại. Vì thế vụ việc này nhìn chung dân chúng bình thường thì có một sự tò mò nhưng theo tôi dự cảm là không gây ra hiệu ứng “sốc”.

Phiên tòa như một tiếng thét

Ông có nói đến hai chữ “phúc lợi”. Nếu hiểu đó là một miếng bánh thì những chiếc vali hay túi tiền các bị cáo khai tại hai phiên tòa đang minh chứng có hiện tượng“kẻ ăn không hết, người lần không ra”?

-  Ở Việt Nam đang thiếu một tầng lớp trung lưu nhưng lại rất nhanh chóng có một tầng lớp thượng lưu giàu có. Còn phần đông công chúng còn lại là những tầng lớp vừa đủ sống có thể dư một chút chứ không phải là trung lưu. Xã hội Việt Nam đang bước vào tình trạng mất cân xứng, xuất hiện một lớp váng những người giàu có. 

Và sự bí ẩn cần giải thích là nguồn gốc đã tạo nên sự thịnh vượng của những người này. Đó là gần 30 năm đổi mới, có một số doanh nghiệp hoạt động tốt nhưng cũng có những doanh nghiệp hoạt động không tốt lại được giao rất nhiều tài nguyên, đất đai. 

Và do quản lý không tốt, số tài nguyên này cứ “róc rách” chảy về túi của các cá nhân. Và vụ tham nhũng tại Vinalines do Dương Chí Dũng cầm đầu là một ví dụ cụ thể.

* Ông nhận xét chiếc vali kéo và túi xách đầy tiền là một hình ảnh thô thiển. Hình như nó còn hàm ý gì khác?

- Thô thiển là vì như tôi đã nói, chiếc phong bì không còn chứa nổi tiền nữa. Đó cũng là điều chẳng mới, cái đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là rất nhiều nguồn tài nguyên đã làm giàu cho ngoại quốc. 

Ví dụ mua cái ụ nổi thì phần lớn số tiền đâu phải quan chức Việt Nam được hưởng mà là vào tay chủ cái ụ rác đó ở nước ngoài. 

Chúng ta đang phát triển bằng cả cách bán sức lao động trong độ tuổi dân số vàng, bán tài nguyên của tổ tiên để lại. Có một chút phúc lợi thì được san sẻ bởi những người có thế lực, còn số còn lại thì được khai thác bởi tư bản nước ngoài. 

Tham nhũng có tội không chỉ ở chỗ ăn đi phần nhiều miếng bánh phúc lợi mà còn tước đi cơ hội của hàng triệu người, chuyển nguồn tài nguyên tích cóp của tổ tiên sang tay cho các ông chủ trong nước và nước ngoài. Điều chua xót nó nằm ở chỗ đó!

Phiên tòa xét xử những vụ việc liên quan đến Dương Chí Dũng như một tiếng thét, một hồi còi. Cần phải làm ra những sức ép mới để cho những người có quyền hiện hành phải đối mặt với thách thức và sự đòi hỏi của dân chúng.

Dòng chảy của nguồn tiền kếch xù

Ở phiên tòa xét xử vụ tham nhũng tại Vinalines, một bị cáo khai đã kéo một vali đầy tiền đến đưa cho Dương Chí Dũng. Còn ở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, Dương Chí Dũng lại khai ông xách một giỏ tiền đến đưa cho một cán bộ cao cấp ngành công an. Dường như chiếc vali và chiếc túi xách đầy tiền có chung một “dòng chảy”?

- Cái vali chạy đến nhà Dương Chí Dũng không thể dừng lại mà nó phải chạy chỗ khác để làm cho hệ thống đó “hài hòa”. Và quy luật ấy có sự khắc nghiệt của nó. Nó tự tái sinh và thù địch với những ai ngăn cản. Ai tấn công thì sẽ trở thành đối thủ, hoặc sẽ bị tiêu diệt hoặc sẽ được kết nạp vào... Chúng ta không đủ thông tin để hiểu. Cho nên không có gì lạ khi những người này bị pháp luật hạch tội thì họ lại dùng nguồn tiền nhận được để chạy tội.

Giả định rằng có thật việc nửa triệu đô mà Dương Chí Dũng đưa cho một cán bộ ngành công an thì bởi nguồn phúc lợi kếch xù họ nhận được quá dễ dàng và trong một thời gian ngắn. Và số tiền mà họ nhận được từ vali hay túi kéo dĩ nhiên không thể dừng lại mà nó phải được lưu chuyển “hài hòa”.

Điều tra lại đại án Bầu Kiên: Nhiều đại gia nữa sẽ bị bắt?

 Theo ANTĐ | Vef.vn – 6 giờ trước

Làm trái quy định để giảm thiệt hại
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được thành lập từ năm 1993 và lần thay đổi giấy phép kinh doanh gần đây nhất là tháng 9-2011 với người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc - Lý Xuân Hải. Trước đó vào năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chuẩn y việc bầu các chức danh trong HĐQT của ACB, nhiệm kỳ 2008 - 2012 với các thành viên gồm: Trần Xuân Giá - Chủ tịch HĐQT; Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra các thành viên còn có Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn và một số cá nhân khác. Trong số ấy, thường trực của HĐQT gồm có Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Lý Xuân Hải.
Trong quá trình hoạt động, ngày 22-3-2010, thường trực HĐQT ACB đã triệu tập một cuộc họp trong đó có nhiều ban bệ và đại diện Hội đồng sáng lập là Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thua lỗ. Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của ACB và không chấp thuận giảm lãi suất huy động. Trên cơ sở đó, Lý Xuân Hải đưa ra "sáng kiến" sẽ ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, lại vừa được hưởng "hoa hồng", khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên lập tức hưởng ứng và "lái" thường trực HĐQT ACB nhất trí, tán thành. Chính vì vậy mà hầu hết các thành viên dự cuộc họp đó đã thống nhất và cùng ký tên vào biên bản với nội dung: "Đồng ý việc ủy thác cho các nhân viên để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao TGĐ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng".
{keywords}{keywords}
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 27-6 đến 5-9-2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng thực hiện việc ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Theo đó, lãi suất trong các hợp đồng tín dụng được các bên xác định là 14%/năm ghi trong hợp đồng, còn lãi ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền gửi này đã nhanh chóng bị Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hết.
Quá trình điều tra đã làm rõ việc làm nêu trên của các cá nhân trong thường trực HĐQT ACB là trái pháp luật vì vào thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Điều này có nghĩa việc làm trên đã vi phạm vào Điều 106 - Luật các Tổ chức tín dụng.
Vung tiền "thao túng" cổ phiếu...
Ngày 5-11-2009, thường trực HĐQT ACB ra thông báo: "Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng Đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng Đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này". Thực hiện thông báo đó, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Chứng khoán ACB (gọi tắt là ACBS) tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác.
Do biết pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB nên Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo doanh nghiệp chứng khoán này ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư Á châu do chính ông ta làm Chủ tịch HĐQT để đầu tư mua bán cổ phiếu của ACB. Cụ thể, ngày 1-12-2009, Nguyễn Đức Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS được phép liên kết với đối tác đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng. Tiếp đến, trong các ngày 17-5-2010 và 28-8-2010, Nguyễn Đức Kiên vẫn lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS liên doanh với đối tác để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 700 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo và "giật dây" của Nguyễn Đức Kiên, Công ty ACBS sau đó đã liên kết với một số doanh nghiệp mua bán cổ phiếu của ACB. Để tiến hành được việc làm trái pháp luật này, Ngân hàng ACB đã cho một số ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng dưới hình thức vay liên ngân hàng để sau đó các ngân hàng này cho Công ty ACBS cùng đối tác liên kết vay vốn "chơi" chứng khoán. Và tính đến thời điểm vụ án bị khởi tố, những ngân hàng được ACB cho vay tiền để sau đó "tuồn" cho các công ty "sân sau" của Nguyễn Đức Kiên vẫn còn nợ hơn 1.193 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ trong phi vụ "thao túng" cổ phiếu này, Ngân hàng ACB đã bị thiệt hại tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng.
Ở hành vi này, trong quá trình điều tra, cả 6 bị can trong thường trực HĐQT ACB đều thừa nhận đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo, đồng thời giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Chính về thế mà kết thúc giai đoạn điều tra, CQĐT của Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố tất cả các bị can gồm Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải cùng về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165-BLHS. Thế nhưng vào thời điểm chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan xét xử (ngày 18-12-2013), cáo trạng lại chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên.
Sẽ khởi tố và truy tố thêm bị can?
Đó chính là tinh thần mà Quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ ngày 3-1 của TAND TP Hà Nội và cá nhân thẩm phán Nguyễn Quốc Thành (người được phân công thụ lý vụ án) đặt ra đối với cơ quan truy tố. Tòa án Hà Nội cho rằng chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB đã thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng vào Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Trong hành vi này, tòa xác định ông Phạm Trung Cang đã cùng một số bị can khác trong vụ án ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ra chủ trương dùng tiền huy động để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VND cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất và Luật các Tổ chức tín dụng.
Trong quá trình hoạt động, ngày 24-1-2011, Ngân hàng ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang. Tuy nhiên, ông Cang sau đó vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB, chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Và sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7-6-2011, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. Do đó, tòa án cho rằng hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", song chưa được đề cập xử lý trong cáo trạng.
Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng, tòa nhìn nhận, ngày 2-1-2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo và giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Quá trình điều tra, các bị can, trong đó có Trần Xuân Giá đều thừa nhận thường trực HĐQT đã có chủ trương cấp tín dụng cho ACBS. Và thực tế là CQĐT đã đề nghị truy tố cả 6 bị can liên quan theo tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng cáo trạng chỉ truy tố hai bị can Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên ở hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Từ các phân tích này, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ nhằm làm rõ vai trò đồng phạm đối với hai ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", do đã tham gia vào quyết sách ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, Tòa án Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu.
"Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về 4 tội danh, gồm: "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế ". Hai bị can là Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố cùng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị can: Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng".

Chiếc ôtô và cái “bệnh sĩ” của người Việt


Tôi không dám đánh đồng khẳng định, không dám "vơ đũa cả nắm", nhưng phần đông người Việt ta trước nay vẫn hay mang cái tính sĩ diện trong người. Người Việt "sĩ" từ chuyện ăn, chuyện mặc đến chuyện lớn hơn là sắm cái xe, làm cái nhà, tổ chức tiệc tùng hay đám cưới.
Tôi nhớ có anh bạn nước ngoài sang ta công tác. Dù đến từ một nước giàu hơn ta đến vài chục bậc nhưng anh ta cũng phải trợn tròn mắt vì cái cách ăn uống của người Việt. "Ăn ít nhưng gọi nhiều", bỏ bê, lãng phí cũng chỉ vì cái tính sĩ diện mà ra.
{keywords}{keywords}
Một đám cưới toàn xế sang của người Việt
Tôi cũng nhớ đến mấy ông láng giềng ở quê. Quanh năm bữa ăn chỉ rau với gạo, nhưng bán được miếng đất là phải làm cho bằng được cái nhà to nhất xóm. Nhà rộng thênh thang nhưng cũng chỉ để chứa thóc, lúc định sắm đồ bên trong thì hết tiền. Mà đến lạ, chả rõ kinh tế thế nào, nhưng hễ cứ nhà xây sau là phải to, phải cao hơn nhà xây trước. Ta cứ vất vả, vật vã chạy đua theo những cái hào nhoáng bên ngoài cũng chỉ vì sĩ diện.
Người Việt sĩ diện đủ đường, đủ kiểu, nếu lấy ví dụ ra thì có kể cả ngày không hết. Thôi thì cũng chỉ ví dụ về chuyện ăn, chuyện ở để nói về cái chuyện đi. Ở ta, việc mua chiếc xe bốn bánh xem ra cũng nặng tính sĩ diện lắm.
Một nhà phân tích kinh tế của châu Âu khi so sánh về cách mua, sắm xe hơi của người tiêu dùng giữa hai nước Đức và Việt đã chỉ ra rằng: "Một người Đức bình thường có 30.000 USD trong tay và đang có ý định mua xe hơi, họ sẽ chỉ mua một chiếc xe giá khoảng 20.000 USD, số còn lại họ dùng vào việc khác hoặc tích lũy. Người Việt thì ngược lại, không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người nếu có khoảng 30 ngàn đô, họ sẽ sẵn sàng đi vay thêm cả chục ngàn đô nữa để mua bằng được chiếc xe họ thích". Hai cách mua xe thể hiện tính sĩ diện của người Việt và tính thực dụng của người Đức, nghĩ đến mà thấy ngược đời.
{keywords}{keywords}
Kinh tế khó khăn nhưng người Việt vẫn "sắm" những chiếc xe siêu sang
Cái bệnh sĩ nó sinh ra cái bệnh lãng phí. Có ông mua xe rõ to, rõ sang chỉ để chở con đi học hay đi làm trong thành phố. Mua một chiếc xe nhỏ, tiết kiệm thì phù hợp quá nhưng mà lại sợ người ta khinh. Lại có ông đã sắm xe thì phải "rước" về cái xe hiện đại cơ, nhiều tính năng cơ. Mà mấy tính năng đó thì ở Việt Nam ta chả bao giờ dùng đến, chả làm gì sất, như hệ thống cảnh báo làn đường chẳng hạn.
Vừa rồi tôi có chuyến công tác sang Nhật. Đúng là được "mở mắt". Sang đất nước của những hãng xe hơi lớn, một đất nước văn minh và giàu có, nhưng tôi thấy người dân họ phần lớn đi những chiếc xe bé tí tẹo, giá độ chục ngàn đô. Những chiếc xe trông vuông vức, mũi ngắn và thô kệch này mà về Việt Nam thì kiểu gì cũng bị chê ỏng, chê eo. Xe xấu, kém sang trọng nhưng người dân của đất nước - mà ở đó có những Toyota, Nissan, Mazda... lại rất "chuộng". Hỏi ra mới biết, họ đi xe nhỏ vì giảm được phí đỗ, phí nhiên liệu và đủ thứ phì khác. Và quan trọng nhất, yếu tố cốt lõi tạo ra cách tiêu dùng này là người Nhật không xem ôtô là biểu tượng của địa vị xã hội như ở ta, họ không sĩ như ta.
{keywords}{keywords}
Một góc gara toàn xế sang của đại gia Việt
Đấy là chuyện của mấy ông thường thường, có tiền rồi "cố thêm tí" để sắm xe. Mấy ông đại gia Việt thì còn "sĩ" hơn. Mấy năm nay tài chính chết, đất cát chết nhưng đi là cứ phải siêu xe, xe sang trị giá cả triệu đô chứ không ít. Họ có tiền, họ mua xe là việc của họ, ta chẳng quan tâm, thậm chí là không được quyền quan tâm. Nhưng có người đi siêu xe, hay tổ chức hẳn một đại hội siêu xe mà ôm cả đống nợ như một đại gia trẻ đất Hà Thành nào đó thì đúng là nực cười cho cái tính sĩ diện.
Tôi cứ liên tưởng tới ông Warren Buffett, người giàu có nổi tiếng của thế giới hiện có tới 39 tỉ USD nhưng vẫn đi chiếc xe mua 15 năm trước với giá 18.000 USD. Hay một người trẻ như Mark Zuckerberg - "ông chủ" Facebook - một tỉ phú vừa "bỏ" thêm vào "túi" mình 12,4 tỉ USD trong năm 2013 cũng chỉ sử dụng một chiếc Acura TSX giá 30.000 USD. Dòng xe này được vị CEO 29 tuổi quan niệm một cách rất thực tế là nó an toàn, tiện nghi và không phô trương.
Và nếu đem ông Warren Buffett hay anh chàng nằm trong top những người giàu nhất thế giới - Mark Zuckerbergđứng cạnh các đại gia Việt chơi siêu xe như báo chí hay đưa tin, thì các vị tỉ phú nước Mỹ kia cũng phải chào thua về độ chịu chơi.
St

Nhặt hơn 10 triệu đồng, người phụ nữ nghèo trả người đánh rơi

Người phụ nữ này rất đẹp và rất đáng yêu ! BTTD

Nhặt hơn 10 triệu đồng, người phụ nữ nghèo trả người đánh rơi
TTO - Trên đường từ UBND xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) trở về nhà, chị Hoài nhặt được một bọc tiền hơn 10 triệu đồng nằm trên đường. Chị trình báo với chính quyền địa phương và tìm cách trả lại người đánh rơi.
Chị Nguyễn Thị Hoài kể lại chuyện nhặt được tiền trả người đánh rơi - Ảnh Nguyễn Đình
Chiều 11-1, ông Tạ Quang Tính - chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) - cho biết chính quyền địa phương vừa biểu dương hành động nhặt được của rơi, trả người đánh mất của chị Nguyễn Thị Hoài (34 tuổi, ngụ xã Nghĩa Phúc).
Trước đó sáng 8-1, chị Hoài lên UBND xã Nghĩa Phúc nhận tiền chế độ mai táng phí của bố khi xã tổ chức phát tiền chính sách cho các hộ gia đình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trên đường đi bộ về nhà, chị phát hiện một gói tiền lớn bọc trong mảnh giấy nằm bên vệ đường. Sau một lúc suy nghĩ, chị Hoài liền quay lại chỗ nhặt được bọc tiền đứng đợi chủ nhân giữa thời tiết giá rét.
Thấy chị đứng run cầm cập giữa giá rét, một người đàn ông hỏi rõ ngọn ngành câu chuyện và chở chị Hoài mang bọc tiền đến UBND xã Nghĩa Phúc trình báo.
Chính quyền xã Nghĩa Phúc lập biên bản và mở bọc tiền, đếm được số tiền 10,5 triệu đồng. Cùng lúc đó chị Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Nghĩa Phúc) hớt hải chạy đến trụ sở xã tìm tiền. Đối chiếu lời khai đôi bên, chính quyền xã lập biên bản trả lại số tiền cho chị Hà.
Quá cảm động, để tỏ lòng biết ơn, chị Hà đã biếu chị Hoài 1 triệu đồng nhưng chị Hoài kiên quyết không nhận.
Chị Hoài bị tật bẩm sinh ở chân, đi lại khó khăn, bệnh tật triền miên. Gia đình chị nhiều năm nay thuộc hộ nghèo. Anh chị đều là người dân tộc Thổ, có hai con nhỏ, cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào nương rẫy.
Hành động đẹp của chị Hoài được bà con dân bản cảm phục, khen ngợi. “Số tiền đó không nhỏ, nó có thể giúp gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống. Nhưng nghĩ đến người đánh rơi phải khổ sở vì mất tiền nên tôi rất áy náy và tìm cách trả lại cho họ” - chị Hoài tâm sự.
CẢNH PHÚC

Doanh nhân ngàn tỷ 9X ? Vừa nổi đã bị ném đá

- Bé nổ để nổi tiếng thôi, kiếm đâu ngàn tỷ độ tuổi 21 ở VN? Trừ khi được thừa kế hoặc lấy chồng là đại gia ngàn tỷ. BTTD.

Sở hữu một ngoại hình xinh đẹp và công ty riêng với doanh thu cao, cô nàng Tuệ Nghi được báo đài khen ngợi hết lời, và nhiều cư dân mạng luôn chọn cô là hình tượng để hướng tới. Tuy nhiên, không ít thông tin về cô gái trẻ này khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn.
Một độc giả nick name Hoàng Anh cho rằng: "Mấy anh Thiên Ngọc Minh Uy khoe thu nhập 6 tỷ/tháng mình đã choáng rồi, chị này còn nghìn tỷ/năm cơ à?"
Độc giả nick name Liên Hương chia sẻ: "Sự thật này quả là khó đỡ. Em có ngủ mơ cũng không tin được".
{keywords}{keywords}
Cư dân mạng đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn với thu nhập của Tuệ Nghi
Theo báo chí đưa tin: 14 tuổi Tuệ Nghi đã vào Sài Gòn theo đuổi con đường nghệ thuật mà cô ấp ủ. Mong muốn được "đổi đời" đã khiến mẹ con Nghi còn bao nhiêu tiền thì đưa hết cho một Công ty giải trí, với lời hứa sẽ lăng xê cho Tuệ Nghi nổi tiếng. Sau khi thu tiền, họ bảo về đợi họ gọi đi chụp ảnh quảng cáo, đi đóng phim.
Sau sự việc đó, cô bé chuyển hướng đi và duyên với kinh doanh bất động sản. Theo Tuệ Nghi chia sẻ: "Năm tôi 17 tuổi, sau một thời gian không quan tâm, cậu ruột cũng bắt đầu đoái hoài tới mẹ con tôi và số vốn mà cậu cho 2 mẹ con là 1 căn nhà tại huyện Hóc Môn. Căn nhà bán được 85 triệu đồng. Từ đó, tôi nảy ra ý định đầu tư kinh doanh nhà ở cho người thu nhập thấp. Mua lại những căn nhà nhỏ, xuống cấp ở vùng ven, tu sửa lại và bán với mức giá dao động từ 90 - 250 triệu đồng. Tôi quan niệm dù BĐS cao cấp chết nhưng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì lúc nào cũng cần."
{keywords}{keywords}
Hotgirl 9X có nhan sắc xinh đẹp và quyến rũ.
Tuệ Nghi đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì khả năng của mình, khi mà thời gian đó có rất nhiều đại gia bất động sản thua lỗ, chạy nợ, và họ đều thua một người trẻ 21 tuổi như cô. Điều đó khiến cộng đồng bắt đầu tò mò và đặt ra nhiều nghi ngờ về những thông tin xung quanh cô gái này.
Nhiều cư dân mạng không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra bài viết về Tuệ Nghi đã được thay đổi nội dung nhiều lần kể từ khi xuất bản. Bài viết gốc cho biết cô có quá trình học tập rất tốt, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thông tin lại cho biết cô chưa từng tốt nghiệp trường đại học nào? Điều đó đặt ra rất nhiều nghi vấn.
Cụ thể, bài viết tập trung nhấn mạnh vào việc năm 19 tuổi, Tuệ Nghi có bằng CEO Master do The Oxford Centre for Leadership United Kingdom cấp. Đáng nói, đây là trường đại học quá xa lạ với phần lớn du học sinh Việt Nam, tìm hiểu kỹ hơn trên công cụ tìm kiếm Google thì được kết quả đây là trường Oxcel, đã bị nhiều người cảnh báo về việc lừa đảo sinh viên theo học. Trường đại học này cũng xuất hiện trên một số website hotdeal của Việt Nam.
Tại Malaysia, đã có một bài blog cảnh báo về hành vi lừa đảo của trường đại học này. Điều này khiến cộng đồng nghi ngờ vào độ "khủng" không như tưởng tượng của tấm bằng CEO Master mà Tuệ Nghi có.
{keywords}{keywords}
Tuệ Nghi và đại sứ toàn quyền Việt Nam tại Myanmar.
Không chỉ dừng lại ở đó, thông tin trên báo còn cho biết cô là người Việt duy nhất được mời làm đại biểu tại Global Youth Peace Summit (Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình và thanh niên toàn cầu) diễn ra tại Austin, Tesax, Hoa Kỳ vào tháng 8-2014. Nhưng thực tế, hội nghị này không "hoành tráng" tới mức coi nó là thành tích lớn. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng cô đã 21 tuổi thì không thể làm đại biểu của hội nghị này.
Thông tin đăng tải xoay quanh Tuệ Nghi cũng cho biết, cô được giải thưởng Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á - Thái Bình Dương 2013. Tìm hiểu chi tiết hơn, đây là giải thưởng khá "bèo" được trao tại Myanmar - Quốc gia không liên quan gì tới Thái Bình Dương.
Điểm đặc biệt về cô gái này là nhiều dân mạng đã tìm ra thông tin cô đang làm diễn giả cho website hocduong.vn. Đây là website "tai tiếng" về việc bán hàng đa cấp, mà cụ thể ở đây là bán các khóa học. Chỉ cần một cái nhấp chuột các bạn trẻ dễ dàng có được thông tin này.
Trong bài viết về Tuệ Nghi từng có đoạn: "Khoe là một doanh nhân bận rộn, nhưng Tuệ Nghi luôn dành quỹ thời gian để chia sẻ với các bạn ở trang kinh doanh theo mạng hocduong.vn". Phải chăng với những khóa học mà Tuệ Nghi làm diễn giả, học viên đều tìm đến và giới thiệu bạn bè học vì cái danh "hotgirl 21 tuổi kiếm nghìn tỷ mỗi năm"?
Cũng có nhiều thông tin chia sẻ chồng của Tuệ Nghi là một đại gia kín tiếng, và hiện nay cô đang làm hình ảnh cá nhân bằng những bài viết đánh bóng tên tuổi của mình để có được sự chú ý của toàn thể dư luận. Có rất nhiều thông tin mập mờ xoay quanh Tuệ Nghi, tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận những gì cô đã làm được, như việc thường xuyên làm từ thiện.
St

12 tháng 1, 2014

Thể chế và nhóm lợi ích

Trần Văn Tùng

Nhóm lợi ích theo tôi được chia làm hai loại nhóm lợi ích tốt và nhóm lợi ích xấu. Nhóm lợi ích tốt hoạt động theo pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngược lại, nhóm lợi ích xấu là nhóm một số người có chức vụ cao trong cơ quan đảng CSVN và cơ quan nhà nước kết hợp với những người có thế lực kinh tế, chính trị đứng trên pháp luật, hoạt động vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, bẻ lái các chính sách kinh tế xã hội có lợi cho họ, gây nên bất ổn về kinh tế xã hội an ninh, quốc phòng.
Nhóm lợi ích có thể được tạo ra nhờ truyền thống văn hóa, thí dụ các Tù trưởng tại Trung Đông-Bắc Phi chiếm nhiều đất đai, dưới lòng đất lại có dầu khí. Các vị đó có nhiều vợ (theo luật Hồi giáo được lấy 4 vợ) và sinh ra hàng chục người con, dĩ nhiên con cháu được thừa hưởng rất nhiều tài sản. Chế độ phong kiến Việt Nam trước đây cũng vậy. Tại Trung Đông-Bắc Phi truyền thống văn hóa kết hợp với thể chế không dân chủ đã dẫn tới Mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên, ngày nay nhóm lợi ích xấu hình thành và phát triển chủ yếu là do thể chế không dân chủ hổ trợ.
Tham nhũng tại Việt Nam được xem là quốc nạn. Tại sao hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác lại không thể dẹp bỏ được tình trạng này?
Một nhà nước pháp quyền thì cần quản lý dựa pháp trị, hệ thống luật pháp chứ không phải dựa vào cách quản lý theo kiểu nhân trị học tập đạo đức ông này ông nọ (phong kiến). Thiếu các thiết chế dân chủ, không công khai, không minh bạch, chế tài luật pháp không có hiệu lực, quyền của công dân không được coi trọng, nhà nước không lắng nghe dân thì tham nhũng sẽ xảy ra tràn lan ở mọi cấp, lợi ích theo nhóm tiếp tục phát triển. Tham nhũng của người có chức quyền tăng nhanh.Vinashin, Vinalines, bất động sản, điện lực, dầu khí… đã không những tạo ra hậu quả xã hội xấu, mà còn để lại khoản nợ khổng lồ đang đè nặng lên vai mỗi người dân, làm suy kiệt nền kinh tế. Thiệt hại của nhà nước nhân dân rất lớn vì một bộ phận quan chức năng lực yếu kém, đạo đức suy đồi, ít quan tâm tới ý thức hệ chính trị, coi thường nguyện vọng người dân, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân họ được lại đảng CSVN, chính phủ giao trọng trách rồi đứng trên pháp luật, hiến pháp và vẫn không bị loại bỏ. Tại sao nhóm lợi ích nở rộ thời gian qua? Một số người đổ lỗi cho kinh tế thị trường, con người tham lam, ích kỷ, muốn giàu có nhanh bằng mọi thủ đoạn. Điều đó chỉ đúng một phần. Theo tôi, lợi ích nhóm xấu do:
1) Kinh tế thị trường định hướng XHCN , một đảng lãnh đạo tự cho mình đi từ thành công này tới thành công khác, nhưng không chịu thừa nhận đang mất dần lòng tin ở mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng tạo ra các nhóm lợi ích.
2) Quản lý xã hội theo nghị quyết của đảng lả bảo vệ đặc quyền của đảng và đảng viên. Một người giữ chức vụ cao trong đảng CSVN khi có biểu hiện tham nhũng, quá trình khởi tố rất khó.
3) Quản lý xã hội theo luật pháp nhưng không chấp nhận tam quyền phân lập theo quan điểm phổ quát. Không phải rỗi hơi mà các nhà khai sáng Pháp đề xướng ra tam quyền phân lập, quốc hội Hoa Kỳ vô cớ đề ra cơ chế kiểm soát quyền lực.
4) Luật do các bộ xây dựng có lợi cho bộ quản lý một ngành nào đó thì luật pháp chỉ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích trong các ngành nảy sinh, kẻ xấu trong và ngoài đảng thoát tội, làm cho các thành phần kinh tế không thể phát triển bình đẳng lành mạnh được. Việt Nam rất ít những đại biểu Quốc hội hiểu biết về luật. Họ cứ bấm nút thông qua mà không hiểu các điều khoản của luật . Nên hiệu lực của luật rất yếu, vừa thông qua đã lại phải sửa đổi. Cho nên trộm cắp vài triệu đồng bị tù giam , tham nhũng hàng chục tỷ đồng , thất thoát hàng trăm tỷ đồng lại xử nhẹ, có trường hợp cho hưởng án treo, người phụ trách ngành không hề bị truy cứu trách nhiệm , không chịu từ chức.
Hậu quả là thể chế kinh tế định hướng XHCN đã tạo ra hệ thống luật pháp như đất đai, đấu thầu, đầu tư, ngân hàng, luật tạo ưu đãi cho các doanh nghiêp nhà nước, tư nhân (có quan hệ về lợi ích với một số lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước) trong một số lĩnh vực kinh doanh… giúp cho các nhóm lợi ích chiếm đoạt tài sản nhà nước, nhân dân, ngang nhiên độc quyền kinh doanh những lĩnh vực lợi tức cao lại được nhà nước bảo hộ.
Cuối cùng để tạo ra sự đồng thuận xã hội, xác định tính đúng đắn của các tiêu chuẩn và nội dung cải cách thể chế, cần có các tổ chức, cá nhân kiểm định. Ai là người kiểm định tính đúng dắn của một chương trình cải cách được một chính phủ đề ra? Một xã hội dân chủ thì tính đúng đắn của chương trình cải cách được kiểm định bởi lực lượng tiến bộ xã hội, tức là tầng lớp tri thức đích thực. Họ là những người luôn có các ý kiến độc lập, có khi là đối lập với ý kiến của nhà cầm quyền, hoặc luôn tìm thấy những khiếm khuyết trong chương trình cải cách của chính phủ. Do đó, cần mở rộng các hoạt động phản biện độc lập có thể thông qua các tổ chức, cá nhân. Một quốc gia chỉ dùng trí thức để minh hoạ chính sách của nhà nước hay chủ trương của đảng cầm quyền, ngăn chặn các ý kiến phản biện trái chiều mang tính xây dựng thì chính phủ đó chắc chắn không được người dân tín nhiệm, đội ngũ tri thức chỉ làm đẹp chế độ mà thôi. Làm sao để có tầng lớp tri thức đích thực không phải chỉ có danh (bằng cấp, học hàm)? Theo tôi phải cải cách giáo dục theo lối khác, cách tốt nhất là cung cấp cho người học tri thức để cho họ nhận biết đúng sai, nhận biết được xu thế phát triển của thời đại, trên cơ sở đó có tư duy và tiếng nói độc lập phục vụ cho mục tiêu phát triển, chứ giáo dục không phải tạo ra các thế hệ nối tiếp nhau chấp nhận máy móc một ý thức hệ chính trị nào đó, để tiếp tục làm theo, nói theo.
Trong xu thế hội nhập người lãnh đạo cần có chuyên môn, không được học hành tử tế lại có chức vụ quá cao thường đưa ra các quyết định sai lầm có hại cho đất nước. Rất tiếc họ có sai lầm nhưng lại không chịu từ chức. Muốn vậy các vị lãnh đạo của Việt Nam cần có thái độ học hỏi nghiêm túc, từ bỏ lối tư duy theo nhiệm kỳ , ngắn hạn, cần có thái độ khoan dung và đối thoại với những ý kiến trái chiều có tính xây dựng, tiếp tục trào lưu đổi mới. Mặt khác Việt Nam cũng phải có luật buộc những người phụ trách lĩnh vực có sai lầm phải thôi chức. Cần đối chứng và luôn so sánh các chính sách phát triển của Việt Nam với các nước đi trước, những nước cùng điều kiện hoàn cảnh sau chiến tranh để tránh sai lầm. Quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc người thân của họ bị phát hiên dính dáng tới vụ việc tiêu cực thì họ xin từ chức ngay. Muốn loại bỏ nhóm lợi ích cần phải: (1)Chưa thể đa đảng thì đa nguyên chính trị là đòi hỏi khách quan để tạo ra các cơ chế kiểm soát quyền lực, cần thay đổi một số điều cơ bản trong Hiến pháp 1992 tiến tới nền chính trị dân chủ . (2) Chuyển sang thể chế kinh tế thị trường tự do, giá cả do thị trường quyết định, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. (3) Hệ thống luật pháp thay đổi có lợi cho đại đa số dân chúng chứ không phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ đặc quyền đặc lợi. (4) Cần phải lắng nghe người dân thông qua trưng cầu dân ý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hayek, F. A (editor) (1935). Collectivist Economic Planning – Critical Studies on the Possibilities of Socialism. G. Routledge, London.
2. Landes, David (1998). The Wealth and The Poor of Nations: Why Some Are So Rich and Some So Poor. W. W. Norton & Company, New York.
3. Sen, Amatya (2002). Phát triển là quyền tự do. Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội.
4. Nguyễn Trọng Hậu, Trần Văn Tùng (2007). Chất lượng thể chế và tăng trưởng. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6.
5. Vũ Đức Thanh, Trần Văn Tùng (2011). Thể chế yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
6. Nguyễn Trần Bạt (2007). Suy tưởng. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Xóa sổ điểm thác loạn bậc nhất đất Cảng

Khi cảnh sát ập vào vũ trường UFO Club, một trong những điểm ăn chơi trác táng nhất tại Hải Phòng, 4 vũ nữ mặc bikini siêu nhỏ say sưa “múa cột” trong khi một số khác thọc vội tay vào áo ngực phi tang bao cao su và thuốc kích dục.

Chuyên án đột phá UFO Club mang bí số 108T được Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C4, Bộ Công an) xác lập và tuyệt đối giữ bí mật đến phút cuối. Các phương án chống bạo động, chống cháy, thu gom dân chơi, kiểm tra dương tính ma tuý, chốt chặn các tuyến giao thông thuỷ bộ, khống chế kẻ manh động… đều được Ban chuyên án tính toán kỹ lưỡng.
Hơn 22h ngày 29/2/2008, khi Hải Phòng bắt đầu thưa bóng người trên các tuyến đường thì lực lượng đột kích từ nơi ém quân bí mật lặng lẽ lên các xe đặc chủng, tiến về hướng đường Lạch Tray và không hề biết họ đang đi đâu, làm gì. Chỉ vài cán bộ chủ chốt trong Ban chuyên án được biết trước thông tin về cuộc đột kích. Trước đó, các thành viên phá án được yêu cầu tắt điện thoại di động, thực hiện lệnh cấm trại, chỉ liên lạc bằng bộ đàm để đảm bảo thông tin được giữ bí mật một cách tuyệt đối. Các thành viên này chỉ biết nhiệm vụ của mình khi sát giờ G.
Trước giờ G, một mũi trinh sát đã lọt vào trong vũ trường, có mặt ở các vị trí then chốt: DJ (vị trí điều khiển nhạc), cửa bảo vệ, quầy bar... Các trinh sát khác trong vai “dân chơi”, ngồi gọn một bàn, vì kinh phí có hạn nên nhấm nháp Heineken chờ giờ tập kích. Mỗi trinh sát hoá trang này được phát một chiếc băng đỏ, sẽ được đeo vào tay khi lệnh tập kích phát ra để các lực lượng khác không nhầm lẫn với dân chơi.
23h, từ ngã 3 đường Lạch Tray với đường Thiên Lôi thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền dẫn vào UFO Club bị phong tỏa bởi cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thoáng thấy bóng xe đặc chủng lao vào từ lối duy nhất là đường Thiên Lôi, lực lượng bảo vệ của UFO đã hô nhau đóng sập cổng nhưng không kịp. Khi các chiến sỹ thuộc C17 và Công an Hải Phòng ập vào, 4 vũ nữ mặc bikini siêu nhỏ vẫn say sưa “múa cột”. Một số thiếu nữ trong trang phục thiếu vải thọc vội tay vào áo ngực phi tang bao cao su và thuốc kích dục.
Các mũi trinh sát vô hiệu DJ, nhân viên bảo vệ, nhân viên quầy bar và chốt chặt các cửa ra vào. Nhiều dân chơi và bảo vệ định manh động, lập tức bị quật ngã. Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, trinh sát hoá trang và nhiều đơn vị khác xông vào. Dân chơi bị khống chế và ngồi ngay xuống chân bàn để cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Một vài kẻ tiếp tục nhắn tin, gọi điện hay tìm cách phi tang ma tuý tổng hợp ngay lập tức bị cảnh cáo và trấn áp lập tức.
Kiểm tra đến tủ đựng quần áo vũ nữ, lực lượng phá án lôi ra được một mớ trang phục 2 mảnh của vũ nữ. Các trang phục siêu tiết kiệm vải này chỉ bé hơn lòng bàn tay.
Ngay trong đêm, hơn 300 người bị tạm giữ, trong số này có 67 người là nữ giới  bị đưa lên xe đặc chủng về Trung tâm Bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ CA Hải Phòng lấy lời khai và xét nghiệm kiểm tra sử dụng ma tuý. Xét nghiệm ban đầu đã xác định được hơn 50 người có phản ứng dương tính với ma tuý, 4 vũ nữ múa cột có sử dụng ma tuý tổng hợp.
Kiểm tra vũ trường, công an thu 35 viên ma túy tổng hợp, 30 gói Ketamin E, một khẩu súng ngắn, nhiều thuốc kích dục và hàng trăm chai rượu ngoại không tem...
Vũ trường UFO Club là một trong những tụ điểm ăn chơi trác táng nhất đất cảng Hải Phòng.
Một tụ điểm ăn chơi thác loạn khác được mệnh danh là “New Century” đất Cảng Hải Phòng cũng vừa được các trinh sát Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an và Công an TP Hải Phòng triệt xóa thành công. Đêm 1/6/2013, Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) tập kích câu lạc bộ Thủy Cung, nằm trong khuôn viên Cung văn hóa, thể thao thanh niên, tạm giữ gần 30 người (chủ yếu là học sinh) tổ chức, sử dụng ma túy. Tuy nhiên, vụ bắt giữ này không làm các “dân chơi” trên địa bàn e ngại, họ vẫn đến với vũ trường M.O.S, vào karaoke Ánh Dương nằm trong khuôn viên này để “đập đá”, ăn “kẹo”… thể hiện “đẳng cấp”.
Một trinh sát của Cục C47, Bộ Công an đã chia sẻ rằng, các anh đã điều tra, khảo sát vũ trường M.O.S từ năm 2010 và nhận thấy, vũ trường này có nhiều hoạt động nhức nhối. Cho tới giữa năm 2013, khi nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân trong khu vực vì những tệ nạn thường xuyên xảy ra tại đây, các trinh sát đã tập trung xác minh.
Phía bên ngoài vũ trường M.O.S là khoảng 10 nhân viên làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo kê và hướng dẫn xe ra, xe vào. Số nhân viên này hoạt động theo ca, cứ tốp này nghỉ thì tốp kia thay, vậy nên khách lạ, khách quen, hoặc khách vãng lai tới đều được đám nhân viên phía ngoài nắm được hết và báo vào bên trong. Do vậy, thoạt đầu các trinh sát chỉ có thể đứng ở phía ngoài quan sát, tìm hiểu giờ giấc hoạt động, lượng khách ra vào vũ trường để nắm tình hình. Khi nắm được những thông tin phía ngoài, kế hoạch tiếp cận bên trong được triển khai.
Các trinh sát trẻ của Cục C47 trong vai những dân chơi vào đặt bàn trong M.O.S. Mỗi lần vào như vậy, các anh phải đi một tốp 4-5 người gồm cả trinh sát nam và trinh sát nữ, “nghiến răng” gọi bia, rượu mạnh ra uống và bắt đầu quan sát.
Một trinh sát chia sẻ, việc của trinh sát là khi vào trong phải ghi nhớ được cách sắp xếp, bố trí và sơ đồ của vũ trường. Để khi phá án không xảy ra sai sót, các trinh sát phải ghi nhớ thật kỹ những ngóc ngách trong vũ trường, đường đi lối lại, cách thức ra vào của dân chơi. Tuy nhiên, nếu cứ vào gọi rượu ra uống, mắt dáo dác nhìn khắp nơi thì chẳng mấy chốc sẽ bị các nhân viên trong vũ trường phát hiện. Chính bởi thế, các trinh sát thường xuyên thay đổi “vai diễn” cho nhau mỗi khi đến đây. Hôm thì người này sẽ kéo bạn đến mừng sinh nhật mình, hôm khác người kia do trúng mánh nên kéo nhau tới đập phá…
Theo tài liệu trinh sát báo về lãnh đạo đơn vị, để vào bên trong vũ trường, dân chơi phải đi qua một chiếc cầu bắc qua hồ. Khi vào trong, vũ trường được thiết kế là một bar lớn 2 tầng, mỗi tầng khoảng hai chục bàn rượu. Trên mỗi bàn là những bình hút shisa được bày ra cho dân chơi thoải mái xài. Các trinh sát cho biết, những chiếc bình shisa này để ngụy trang và tạo điều kiện cho dân chơi hút cỏ, hút ke… một cách thoải mái. Ở tầng 1, ngay trước quầy bar là khoảng 10 bàn VIP. Những bàn này dân "nhai kẹo", "đập đá" vẫn tụ tập bay tới sáng.
Nhớ lại những ngày ngược xuôi Hà Nội - Hải Phòng để trinh sát, xác minh vũ trường này, nhiều cán bộ Cục C47 vào vũ trường phải tự bỏ tiền túi ra mua rượu uống để làm “phí” quan sát. Mà giá cả trong vũ trường thì đắt đỏ kinh khủng, mỗi chai nước suối ở ngoài chỉ 5.000-10.000 đồng, nhưng vào vũ trường M.O.S giá đội lên 100.000 đồng. Đắt nhất là rượu. Một chai rượu ngoại do vũ trường M.O.S bán ra trung bình gần 4 triệu đồng, chưa kể những bình shisa bầy ở đó, khách chỉ cần sờ vào cũng mất tiền trăm...
Trong quá trình trinh sát, tổ công tác phát hiện, phía sau vũ trường là quán karaoke Ánh Dương cũng là một tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các dân bay không chỉ vào vũ trường, mà sau nửa đêm, họ thường kéo vào các phòng karaoke ở đằng sau để bay lắc, thậm chí là xô xát đánh nhau. Sau gần 2 tháng tập trung trinh sát, cuối cùng việc khảo sát ở vũ trường M.O.S đã được tổ công tác hoàn tất. Theo đó, các anh đã báo cáo về Ban chuyên án xin ý kiến triển khai. Cục C47 đã xác lập chuyên án mang bí số 045M để tập trung lực lượng, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh.
Hôm đó, 80 cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng phòng chống ma túy, Công an Hà Nội, Cục C47, C51, A69, Bộ Công an đã về Hải Phòng. Tại đây, có khoảng 100 chiến sỹ Cảnh sát cơ động và Phòng PC 47, Công an Hải Phòng… đã sẵn sàng, cùng đếm ngược chờ thời cơ phá án. Khoảng 1h, với lực lượng “nội công” được “ém” trong bar M.O.S từ trước, gần 200 cảnh sát của Công an Hà Nội, Hải Phòng và Cục C47, Bộ Công an đã ập vào khống chế các bàn rượu trong quá bar, hàng trăm dân chơi không kịp trở tay.
Khi tiếng nhạc dừng lại, ánh sáng được bật lên, nhưng không ít thanh niên vẫn còn quay cuồng vì phê thuốc. Phát hiện bị bắt giữ, hàng chục người  đã tìm đường tháo chạy ra ngoài. Nhưng lúc này, lối ra vào duy nhất của vũ trường đã bị án ngữ. Tuy nhiên, không ít “dân chơi” đã nhanh tay ném thuốc lắc, tài mà và ma túy đá sang các bàn khác bên cạnh và xuống sàn nhà. Trên sàn nhà vương vãi đầy ma túy gồm các loại như thuốc lắc, tài mà và ma túy đá.
Mất nhiều tiếng đồng hồ, lực lượng công an mới hoàn tất việc khám xét, phân loại, rồi đưa gần 200 "dân chơi" về Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng Nghiệp vụ, Công an  Hải Phòng (ở huyện An Dương) để tiếp tục xác minh, xử lý. Trong số này có một số chân dài 9X và dân chơi đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Cùng thời điểm, quán karaoke Ánh Dương, nằm phía sau vũ trường M.O.S trong khuôn viên Cung văn hóa thể thao thanh niên cũng bị công an kiểm tra. Bởi một bàn VIP trong vũ trường M.O.S có một đám thanh niên xảy ra xô xát, sau đó đám này lại xuống quán karaoke Ánh Dương chơi ma túy tiếp và đánh lộn ở đây. Tại ba phòng hát của quán karaoke Ánh Dương, Ban chuyên án bắt giữ nhiều người vừa “phê” ma túy vừa “hát” bằng tay với các tiếp viên. Thậm chí, để tỏ rõ đẳng cấp dân chơi, các đối tượng này còn nghênh ngang để cả “đống” cỏ, bộ “ục” để chơi ma túy “đá” ngay trên bàn nước.
Công an tạm giữ gần 240 người có mặt tại vũ trường, tiến hành thử nhanh phát hiện 57 người dương tính với các chất ma túy. Kiểm tra tại vũ trường và quán karaoke, tổ công tác thu được 105 viên ma túy tổng hợp; 3 túi nilon đựng ma túy dạng bột ketamin; 4 túi nilon đựng ma túy dạng đá (20 gram); một gói cần sa; 2 bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma túy tổng hợp, ketamin cùng các tang vật, tài liệu khác có liên quan đến hoạt động của tụ điểm này. Vũ trường M.O.S sau đó bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra.
Theo Cảnh sát toàn cầu