Trang

11 tháng 1, 2014

Xứ " Thiên đường " là đây

Đông này em vẫn lạnh

 - Ngoài trời những cơn gió gào rú liên hồi, trong lớp chỉ có tiếng xuýt xoa, tiếng hà hơi vì lạnh, tiếng đọc chữ không tròn của các em học sinh ở các xã như Dân Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa, Thượng Hóa... thuộc huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình).
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Trẻ em ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa
Thấp thỏm nghe dự báo thời tiết
Với độ cao khoảng 700 - 800m so với mặt biển nên vào mùa đông, nhiệt độ ở huyện miền núi biên giới Minh Hóa (Quảng Bình) thường thấp hơn từ 3 - 5°C so với vùng đồng bằng.
Hình ảnh chung cho các điểm trường ở các xã: Dân Hoá, Hoá Sơn, Thượng Hoá, Trọng Hoá là các em học sinh co ro trong những đợt rét như cắt da cắt thịt.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, trên địa bàn xã có đến 13 bản. Mỗi bản có 1 điểm trường mầm non, cả xã có 2 trường tiểu học và THCS với hơn 1.000 học sinh.
Những đợt lạnh, dù ngồi trong lớp nhưng môi các em vẫn thâm tím đi, có em còn không dám ra chơi.
Không chỉ có con trẻ, mà cả đồng bào tộc người Khùa, người Mày nơi đây vẫn đang rất thiếu quần áo, chăn màn ấm cho mùa đông.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Rất ít học sinh ở trường tiểu học và THCS số II Trọng Hoá có áo ấm để mặc
“Cả xã Dân Hóa hiện có gần 50 học sinh ở các bản xa về ở nội trú tại trung tâm xã để học. Mùa đông năm nay rét hơn những mùa trước, tối đến thấy các em lạnh không ngủ được, cứ nhóm bếp ngồi sưởi nên các thầy cô đã bàn nhau góp tiền về thị trấn mua chăn, màn lên cho các em chống rét để có sức lên lớp học…”, thầy Sơn cho biết.
Ở nhà đã có lửa, nhưng mỗi khi đi học các em lại phải mang 3 - 4 cái áo mỏng tang.
Đang trong giờ ra chơi nhưng em Hồ Văn Nguyên, học sinh lớp 5 - Trường Tiểu học & THCS số II Trọng Hoá cứ ngồi co rúm bên cửa lớp, cứ mỗi cơn gió rít qua là em lại vòng tay quàng bó hai chân lại, thụt cổ xuống và chống cằm lên hai đầu gối cho đỡ lạnh.
Em thật thà kể: “Nhà có ba anh em nhưng được một cái áo ấm, em nhường cho em gái học lớp 3 mặc rồi”.
Xoa hai tay vào nhau cho đỡ lạnh, em Hồ Thị Niền, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Thấy trên tivi người ta mặc áo ấm có mũ lông, chắc là ấm lắm, em cũng ước có một cái”.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Nhóm lửa và mặc nhiều áo mỏng là cách mà các em chống rét

  • Hải Sâm

Chống tham nhũng


 – các thế lực thù địch đừng có mơ!


dung co mo 02Tình hình chống tham nhũng đang rất nóng. Áp dụng “phương pháp biện chứng” do đồng chí Tổng Bí Thơ phát minh, các đồng chí ta đang khui ra vô số vụ đại án tham nhũng. Vụ ALCII có hai án tử hình. Vụ Vifon có nhiều bị cáo lãnh những bản án tù đến hàng chục năm. Vụ Dương Chí Dũng – hai án tử hình. Trong vụ tiếp theo, Dương Tự Trọng bị tuyên phạt tù 18 năm. Huỳnh Thị Huyền Như đang bị xét xử, Bầu Kiên cũng sắp ra tòa,… Dư luận đầu năm nay cứ sôi lên như trong lò bát quái!
Đáng chú ý là trong vụ Dương Tự Trọng, ông anh trai ông ta, kẻ tử tù Dương Chí Dũng, lại khai ra tên của một vị thứ trưởng công an nhận hối lộ và “làm lộ bí mật công tác”, và cả tên của một vị còn cao hơn thế nữa. Đi đâu cũng thấy người ta túm tụm bàn tán, đồn đoán vụ việc còn có thể liên quan đến cấp cao hơn cấp bộ…
Được đà, những người ghét các “nhóm lợi ích” thì đoán phen này có khi đồng chí X, đồng chí Y,… bị hạ bệ hay chí ít cũng bị vô hiệu hóa. Một số “dư luận viên” lại cho rằng đồng chí X, khi bị dồn đến chân tường, có thể tiến hành lật nhào hết để thâu tóm toàn bộ quyền hành. Mấy nhà rân chủ rả hiệu lấy thế làm đắc chí lắm, nói anh X có thể sẽ đem lại rân chủ đa đảng, kết thúc sự tồn tại của chế độ này, vân vân và vân vân.
Riêng tui, dù học hành không được bao lăm, nhưng vì bao năm nay tui thường xuyên dõi theo và nuốt lấy từng lời dạy của các đồng chí lãnh đạo, nên tui nghĩ khác.
Trước nhất, tui thấy mấy ông bà kia vẫn chưa hiểu quái chi cái “phương pháp biện chứng”. Với cái phương pháp như rứa, thử hỏi các đồng chí ta liệu có thể cứ cắm cổ mà khui khui khui tham nhũng mãi được không. Biện chứng là nới ra thắt vô xen kẽ. Hết căng lại chùng, rồi lại căng, lại chùng,… Rứa đó. Nếu vẫn chưa thông thì nghiên cứu lại bài trước của Mai Cồ Leng tui đi nhé!
Thứ nhì là cấy “bảo vệ Đảng”. Đây là cấy nhiệm vụ quan trọng nhứt của toàn Đảng, toàn dân, toàn lực lượng công an và quân đội. Mằn chi thì mằn, nhưng không được quên bảo vệ Đảng! Chống tham nhũng, dù khui ra bao nhiêu cái thối tha, cái mục nát, nhưng phải nhớ là cùng lắm cái thối nát chỉ làm vấy bẩn đến cấp tỉnh cấp bộ thôi. Trên cao nữa toàn người liêm khiết, trong sạch và trí tuệ rạng ngời. Đó là chân lý tuyệt đối và vĩnh hằng! Vĩnh hằng và tuyệt đối như sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta vậy.
Lắm kẻ mơ phen này tử hình đồng chí thượng tướng thứ trưởng tuổi Giáp Ngọ tên Quý Ngọ. Cho rằng đồng chí này phạm tội như Dương Chí Dũng khai, nhưng trong tay đồng chí thiếu chi phương tiện nghiệp vụ, trong đầu đồng chí thiếu chi mưu lược. Lại còn quân quyền của đồng chí nữa. Liệu mấy vị tòa án và VKS Hà Nội có đủ cơ để hạ gục đồng chí không?
Mà thôi, cứ cho là đồng chí Ngọ bị đánh đi. Nhưng rồi đến đó là hết. Đừng có hiểu “chống tham nhũng không có vùng cấm” nghĩa là chống lên đến trời. Phải hiểu cái ngụ ý của câu này chứ. Đừng có mà hiểu nghĩa đen hè!
Vì hiểu nghĩa đen mà năm trước khi nghe một đồng chí cấp cao nói nên cho biểu tình, mấy ông bà nhơn sĩ đã vội xuống đường để rồi bị nhốt vô trại phục hồi nhơn phẩm. Vì hiểu nghĩa đen mà mấy nhà rân chủ đang hy vọng đồng chí cấp rất cao đó sắp thay thể chế!
Chết thật. Ngây thơ quá.
Hỡi các nhà rân chủ và các thế lực thù địch! Đừng có mơ!
MICHAEL LANG (Đào Hiếu)

Luật sư Trần Đình Triển: Điều tra lời khai “lót tay” 1.510.000 USD của Dương Chí Dũng không khó



Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Trần Đình Triển cho rằng: Việc điều tra lời khai của Dương Chí Dũng về khoản tiền “lót tay” 1.510.000 USD không hề khó trong khi Cảng Sài Gòn phủ nhận lời khai của Dương Chí Dũng.

 Thưa ông, ông Dương Chí Dũng đã khai trước tòa về việc đưa tiền cho một cán bộ công an cấp cao để “mật báo” cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, vậy việc điều tra lời khai này có khó hay không?

Theo tôi thì việc điều tra tính xác thực của lời khai là không hề khó. Khi bị cáo được đưa ra xét xử, cả luật sư và HĐXX luôn luôn yêu cầu bị cáo phải khai trung thực, khách quan theo đúng quy định của pháp luật Tố tụng hình sự.
Lời khai này của ông Dũng đã có từ giai đoạn điều tra chứ không phải đến phiên tòa mới có, tuy nhiên việc công nhận lời khai của ông Dũng có là chứng cứ để buộc tội cho người khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng, bởi nó cần phải được cơ quan tố tụng xác định là có phù hợp với các chứng cứ khách quan khác hay không? 
Ví dụ ông Dũng khai cùng với vợ là bà Mai Phương đưa 10.000USD cho cán bộ này tại một khách sạn ở Tuần Châu. Cả ông Dũng và bà Mai Phương đều khai căn phòng đó có 1 giường đôi, có 2 cái ghế… vậy thì cần xác định khoảng thời gian đó có việc vợ chồng cán bộ này nghỉ ở khách sạn trên; căn phòng vợ chồng cán bộ này ở có đúng như mô tả của hai vợ chồng ông Dũng hay không?
Đối với lời khai mang 500.000USD đến cho cán bộ này ở tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thì ngày đó camera tòa nhà có lưu lại được hình ảnh ông Dũng đến hay không? Ông Dũng khai việc đến đó có lái xe CQ đưa đi, vậy thì cần lấy lời khai của lái xe. 
Ông Dũng khai cán bộ này gọi điện cho ông Thanh - cục trưởng C48 - vậy thì cần điều tra xem vào thời điểm đó ông Thanh có tắt máy hay không, có cuộc gọi của cán bộ này đến hay không?
Ông Dũng khai khi đến nhà ông Thanh có anh Hùng là con trai cán bộ này đưa đi và ông Dũng đón anh Hùng tại đám sinh nhật nhà ông Thiều Tổng cục XDLL. Vậy cũng cần xác định xem hôm đó có đúng nhà ông Thiều có đám sinh nhật hay không? Lời khai của anh Hùng thế nào?
Đối với lời khai cán bộ này nhận 1.000.000USD của bà Lan - Cty Vạn Thịnh Phát - cũng cần lấy lời khai những người trong cuộc sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Toàn bộ những lời khai này của ông Dũng đã có trong hồ sơ từ giai đoạn điều tra, ông Dũng cũng khai rằng ngay sau khi gặp cán bộ này ở Tuần Châu, cán bộ này đã khuyên ông Dũng dùng sim rác để gọi và ông Dũng đã thực hiện đúng lời khuyên trên. 
Vì vậy tôi cho rằng việc không thấy danh sách điện thoại của số thuê bao của ông Dũng và cán bộ này gọi cho nhau là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cho rằng việc điều tra, chứng minh lời khai của ông Dũng có đúng sự thật khách quan, phù hợp với các chứng cứ khác không là hết sức cần thiết, bởi nó sẽ làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề vừa để không bỏ sót người, lọt tội, nhưng cũng không để làm oan người vô tội.
Thưa ông, vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” đã được´ TAND TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố và chuyển hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp thụ lý, vậy theo ông, cơ quan nào sẽ tiến hành điều tra vụ án này?
Theo quy định của pháp luật, khi vụ án được TAND khởi tố, hồ sơ sẽ chuyển cho Viện KSND cùng cấp thụ lý, theo nguyên tắc việc điều tra đối với những cán bộ thuộc cơ quan tố tụng đã xâm phạm hoạt động tư pháp thì thẩm quyền thuộc về Cục điều tra hình sự Viện KSND Tối cao.
Tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể, Viện KSND thụ lý vụ án có thể chuyển hồ sơ cho Cơ quan ANĐT, Bộ Công an điều tra cũng đúng pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Cảng Sài Gòn phủ nhận lời khai của Dương Chí Dũng
“Mối quan hệ giữa ông Dương Chí Dũng và bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một trong những đơn vị có nguyện vọng tham gia dự thầu dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thuộc Cảng Sài Gòn - chỉ mang tính cá nhân, hoàn toàn không liên quan và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án”.
Đây là nội dung chính trong thông cáo báo chí vừa được Cảng Sài Gòn gửi đến các cơ quan báo chí ngày 10.1.
Theo Cảng Sài Gòn, việc di dời, chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội là thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 24.6.2010, Thủ tướng đã có Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, theo đó cho phép doanh nghiệp di dời được phép liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ.
Khi có cơ chế di dời, nhiều nhà đầu tư bất động sản, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã tìm hiểu, đặt vấn đề với Cảng Sài Gòn về việc hợp tác thực hiện dự án đầu tư chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Do chưa có hướng dẫn về cơ sở và thẩm quyền lựa chọn đối tác, Cảng Sài Gòn đã báo cáo với chủ sở hữu là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), xem xét chỉ đạo, trong đó có thông báo việc Vạn Thịnh Phát mong muốn tham gia.
Nhận được thông tin, Vinalines đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng và ngày 29.12.2011, Thủ tướng có văn bản cho phép Cảng Sài Gòn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Theo chỉ đạo của Vinalines, tại Nghị quyết số 687/NQ-HHVN ngày 30.3.2012 (thời điểm này ông Dương Chí Dũng đã chuyển công tác sang Cục Hàng hải Việt Nam từ ngày 6.2.2012), Cảng Sài Gòn đã đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng sau đó, trong quá trình đàm phán, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút và không tham gia dự án.
Tháng 6.2013, Cảng Sài Gòn trình Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng hải VN phê duyệt phương án thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án và được các cấp có thẩm quyền phê mà không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, ngày 7.1, ông Dương Chí Dũng với tư cách nhân chứng đã khai nhận của bà Lan 1.000.000USD để chuyển cho một Thứ trưởng Bộ Công an. Khoản tiền này có liên quan tới việc thực hiện dự án di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn. (Đức Long)

Theo Chí Tùng (Lao động)

10 tháng 1, 2014

Hốt hết ! Hốt liền ?


 Nhân Tuấn Trương:  
 Năm nay chắc sẽ là năm của anh Bá Thanh. 
Năm ngoái, nhớ lúc vừa được giao nhiệm vụ « Trưởng ban Nội chính Trung ương », từ Hà Nội anh đã tuyên bố ai mà phạm tội thì « bét hết, hốt hết ». Hình như lúc đó ai cũng hoài nghi, nghĩ rằng nói thì dễ mà làm không dễ. Bởi vì, cho tới cụ Trọng còn nói Tam Tạng cũng tham nhũng thì ai không tham nhũng ? Lời của cụ Trọng tuy « lú », nói ra nhằm tự biện hộ hay để biện hộ dùm em út, nhưng ít ra cũng trình bày được tình trạng nhung nhúc « sâu bọ » (chữ của anh Tư Sang) trong tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam.

Nhưng vụ xử Dương Chí Dũng hình như đã xây dựng lại một « niềm tin chiến lược » trong lòng mọi người. Không phải lãnh đạo cấp nào cũng sâu và bọ.
Xây dựng niềm tin chiến lược là phải xây bằng hành động cụ thể, không phải « xin chiếc lá vàng làm bằng chứng » theo lối anh Ba Dũng.
Không ai xây dựng niềm tin bằng chót lưỡi đâu môi, hoặc chuyện đuổi ruồi, đập muỗi, hay theo lối « xin chiếc lá vàng » như anh Ba được. Anh Ba nói « thay đổi thể chế », « dân chủ », « nhà nước pháp quyền », « người dân có quyền làm những gì mà luật không cấm »… mà có thấy gì đâu ? Lời nói của anh Ba giống như « lá vàng trước gió sẻ đưa vèo », bay mất tiêu.
Làm sao tin anh được ?
Phải như anh Thanh. Miệng nói “bét hết, hốt hết” thì tay tới “bét liền, hốt liền”. Vậy người ta mới tin tưởng.
Hôm qua anh Thanh lên tiếng khen ngợi Ban của anh phụ trách rằng đã "thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng lên một bước phát triển mới". Lối nói này rõ ràng là lối nói « tự sướng ». Mình tự khen mình không phải tự sướng thì là gì ?
Nhưng nếu ở vị trí anh Thanh, không chừng tôi còn « tự sướng » nhiều hơn.
Điều này là cần thiết. Vị thế và việc làm của anh Thanh, nếu không có quần chúng ủng hộ sau lưng, rất dễ bị bứng gốc. Việc này cũng cho thấy báo chí Việt Nam chỉ chạy theo thị hiếu, thích cái gì « bling bling », chuộng lớp váng bên trên chứ không nhìn thấy thực chất của vấn đề. Tức chỉ thiên về « ngôn », bỏ qua phần « luận ».
Cốt lõi vấn đề là anh Thanh. Có thấy báo chí nào để ý tới anh đâu ?
Cố lên anh Thanh, ai không tin anh kệ họ, tui tin.
Cần bảo vệ Dương Chí Dũng cho kỹ. Anh bảo vệ anh làm sao thì bảo vệ Dũng y như vậy. Vụ này không đơn giản là đụng ổ kiến lửa, mà đụng ổ ong vò vẻ nghe anh Thanh. Một mũi chích cũng có thể đưa về chầu bà tổ.
Bét hết, hốt hết.
TNT

AI TIẾT LỘ BÍ MẬT ĐIỀU TRA CHO NGUYỄN NHƯ PHONG?


KÍNH CHIẾU YÊU

                             Nhà báo Nguyễn Như Phong

Trong bài viết: "Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ" của nhà báo, Tổng biên tập PetroTimes Nguyễn Như Phong, đăng trên Petrotimes (PTO) sáng nay (ngày 9/1/2014) (tại đây) Ông Nguyễn Như Phong đã viết thế này: 
"Trước phiên tòa khoảng 7 ngày, người viết bài này đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ"."
Chi tiết lời khai hành vi hối lộ 500.000USD ấy cho đến bây giờ, khi phiên tòa xét xử vụ tổ chức người trốn đi nước ngoài của Dương Tự Trọng mới được hé lộ. Mà hé lộ tin động trời này là do Dương Chí Dũng khai trước tòa chứ cáo trạng đưa ra trước tòa cũng không có. Vậy tại sao ông Nguyễn Như Phong có được thông tin này để ông khoe rằng "Trước phiên tòa khoảng 7 ngày, người viết bài này đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa"?

Còn nhớ, trong cáo trạng xét xử vụ Dương Chí Dũng và đồng bọn trong vụ án Vinalines cũng như lời khai của Dũng trước tòa không hề có chi tiết hối lộ này. 

Liên quan đến thông tin hối lộ 500.000USD cho ông Ngọ, mãi đến hôm trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Kông Tư, quyền tổng cục trưởng Tổng cục an ninh II, thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra mới cho biết: "Về thông tin này, trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ Công an."

"Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận."

Vậy, câu hỏi đặt ra là:
-Ai đã cung cấp thông tin Dương Chí Dũng có khai báo (từ ngày mới bị bắt) hối lộ 500.000 USD cho ông Phạm Quý Ngọ để nhà báo Nguyễn Như Phong biết được?

-Thời gian tiết lộ từ khi nào, vì ít nhất là trước khi phiên tòa xử Dương Chí Dũng 7 ngày, nhà báo Nguyễn Như Phong "đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai."

Liệu có phải khởi tố sự việc này không?

33.000 gái mại dâm và không có mại dâm Quất Lâm-Đồ Sơn

- Ở VN chỗ nào mà chả có mại  dâm. Con số thực gái bán dâm ở VN phải  gấp 10 lần con số trên. Ai không tin thì gặp tôi, tôi sẽ chứng minh sự thật tệ hại cho các vị biết. BTTD.

(Tin tức thời sự) - Sáng 10/1, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác 2013 và nhiệm vụ trọng tâm 2014 của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm đã công bố, cả nước có gần 33.000 gái mại dâm. Trước đó, kết quả báo cáo của các địa phương hồi giữa năm 2013 đều khẳng định không phát hiện có mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định).

Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh & Xã hội, ước tính năm 2013 cả nước có gần 33.000 gái mại dâm, nhưng số gái mại dâm có hồ sơ quản lý lại giảm mạnh, chỉ còn trên 9.000 người.
 
Bộ Lao động đánh giá, hai năm 2012-2013 tệ nạn mại dâm có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhiều thủ đoạn mới, đặc biệt các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng, trong đó có việc hình thành một số khu phố, tụ điểm mại dâm, đặc biệt là tại các địa phương phát triển về du lịch.
 
Thống kê của công an các địa phương cho biết, cả nước có trên 83.000 cơ sở kinh doanh có điều trị, trong đó có trên 8.000 cơ sở có nhân viên nữ nghi hoạt động mại dâm. Mặc dù chương trình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng đã được triển khai tại 20 địa phương, nhưng thời gian qua mới có 500 người được hỗ trợ vay vốn (tổng vốn đã cho vay là… 2 tỉ đồng).
 
Trong khi đó, so với 2012, số tội phạm, số vụ vi phạm liên quan đến mại dâm phát hiện được trong năm 2013 đều tăng (tăng gần 200 vụ, trên 500 đối tượng so với 2012).
 
Người mua dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Người mua dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
 
Nhiều người băn khoăn, con số hơn 33.000 gái mại dâm nói trên không biết có mại dâm ở Quất Lâm (Nam Định) và Đồ Sơn (Hải Phòng) hay không bởi theo kết quả báo cáo của các địa phương trước đó đều khẳng định không phát hiện có mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định).

Tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi tổ chức ngày 13/6/2013, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho biết thông tin trên.

Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.
 
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” có hiệu lực từ 28/12/2013, người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn người mua dâm sẽ bị phạt nặng hơn, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi lôi kéo người khác mua dâm sẽ bị phạt 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
 
Huyền Hồ (Tổng hợp TTO, ĐVO)

Đại án, góc khuất và thách thức dân tộc

Quyền lực trong thời đại kim tiền này có nguy cơ luôn “cặp kè” với sự tha hóa. Sự tha hóa phẩm cách giờ đây không còn là chuyện riêng biệt, phạm vi một cá nhân, hai cá nhân…

I-Năm 2014 vừa mở màn, còn hơn 03 tuần nữa mới sang năm Giáp Ngọ, nhưng có những sự kiện gây sự chú ý lớn và có những vụ việc “chạy” còn nhanh hơn … vó ngựa.
Sự kiện lớn đó là thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cái tiêu đề ấn tượng: “Đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân” (VNN, ngày 01/01).
Công bằng mà nói, những nội dung lớn của thông điệp: Dân chủ và nhà nước pháp quyền, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại.… không quá mới mẻ. Vì những tư duy kiểu này đã hiện diện đây đó trong quá trình trao đổi, góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhưng nó mới mẻ bởi chính thức được vị quan chức đứng đầu Chính phủ phát ngôn, tạo nên dư chấn rộng và đa chiều.
“Cú hích” của tư duy đó là thực tiễn đất nước, mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Trong quá khứ lịch sử, loài người đã từng chứng kiến những bài học trả giá đắng cay của một quốc gia khổng lồ, bởi sự tự tin và chủ quan ấu trĩ về sự vững bền của hình thái xã hội, coi thường sự điều chỉnh, thay đổi để thích ứng quy luật phát triển. Bài học của nhân loại không bao giờ thừa.
dân chủ, minh bạch, Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng
Năm 2014 vừa mở màn, còn hơn 03 tuần nữa mới sang năm Giáp Ngọ, nhưng có những sự kiện gây sự chú ý lớn và có những vụ việc “chạy” còn nhanh hơn … vó ngựa.
Còn với nước Việt, đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân, từ lâu đã là tiếng gọi khẩn thiết của đời sống đương đại, của một xã hội nhiều khát vọng hướng tới hội nhập hiện đại, nhưng những bước đi dường như vẫn bị …lúng túng, không vượt lên nổi chính mình. Bởi tư duy xơ cứng, bảo thủ,  hay bởi những nhóm lợi ích ngấm ngầm ngăn cản? Hay là tất cả?
Liệu lần này, thông điệp đó có là chiếc chìa khóa vàng mở cửa cho những giải pháp còn chen chúc đâu đó trong những “hộp đen” tri thức?
Có rất nhiều giải pháp rồi đây sẽ được đưa ra, nhưng chắc chắn sự đổi mới thể chế, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại không thể thiếu được hai yếu tố mang tính “phẩm cách” căn cốt. Đó là dân chủ và sự minh bạch. Cả hai phẩm cách vàng này là thước đo văn minh, là tiêu chí phân biệt xã hội lạc hậu hay tiến bộ, phát triển hay tụt hậu.
Ở cả hai tiêu chí đó, xã hội Việt đang đứng ở đâu?
Người viết chú ý bài trả lời phỏng vấn của GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật MTTQVN với báo Pháp Luật TP.HCM (ngày 06/01) mới đây dưới đầu đề: "Xóa dần e ngại trong góp ý phản biện".
Phản biện là nêu chính kiến góp ý cho một chủ trương, chính sách Nhà nước. Vậy tại sao ngay trí thức, tầng lớp tinh hoa xã hội- đối tượng được GS Lưu Văn Đạt đề cập trong bài, cũng rất e ngại, e dè sự phản biện, mà GS Lưu Văn Đạt cho rằng, đó cũng là sự lãng phí chất xám, khi họ thường chỉ phản biện ở nơi… ‘trà dư tửu hậu” với bạn bè.  
Phải chăng, nói như GS Lưu Văn Đạt, có người nghĩ phản biện là phản đối, là tiêu cực.
dân chủ, minh bạch, Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng
Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa. Ảnh Seatimes
Xét cho cùng, tâm lý đó là hệ lụy sâu xa của một tư duy quản lý từ thời bao cấp, với cơ chế xin- cho ban phát. Ở đó, có không ít cấp quản lý chính quyền, không ít vị quan chức tự nhiên “nhất thể hóa” cá nhân mình với cơ chế tổ chức mà họ là đại diện. Nó cũng chính là sản phẩm đau khổ của một xã hội phong kiến Nho giáo chưa “thoát thai”, rút cục chân lý không phải ở thực tiễn, mà ở kẻ mạnh.
Chính vì thế, mọi ý kiến phản biện, có chính kiến khác biệt của những… “kẻ yếu” rất có nguy cơ  bị quy chụp là “phản  đối, chống đối”. Cái sự “đội mũ” cho nhau một cách thô bạo, đã dẫn đến tâm lý con người e dè, cảnh giác, và dần dà nảy sinh thái cực sống thờ ơ, vô cảm trước mọi xấu tốt, mọi thang giá trị ở đời. Những hiện tượng của người Việt bị lên án là “vô cảm”, chủ nghĩa “mackeno”, có góc khuất- nỗi sợ- liệu có phải là sản phẩm … chính hiệu của tư duy bao cấp, xin- cho ban phát này không?
 Tư duy ban phát xin- cho, quả thật mới là thứ tư duy “phản động” theo nghĩa triết học, cản trở sự phát triển của một xã hội, kéo tụt lùi cả dân tộc trước văn minh, văn hóa nhân loại. Mặt khác, lại là nơi ban phát lợi ích cho không ít vị tự cho mình có quyền sinh, quyền sát với đồng loại, trong khi thực ra, chỉ pháp luật và thần Công lý mới có cái quyền thiêng liêng đó.
Ở góc độ vĩ mô, nói như thông điệp của người đứng đầu CP, dân chủ luôn gắn bó với Nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền đó, sải bước từ nền kinh tế tiểu nông, từ nền văn minh lúa nước, bản thân người Việt đều phải được thực tập dân chủ.
Nhưng trước hết, quản lý chính quyền các cấp phải gắng nâng tầm mình để tương thích với yêu cầu phát triển của một xã hội dân chủ. Điều đó, đòi hỏi các quan chức, quản lý chính quyền các cấp phải biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, cầu thị và biết vượt lên bản thân mình, không có sự quy chụp, trù dập, định kiến. Điều đó, cũng đòi hỏi người Việt, từ trí thức đến thường dân ý thức được ý kiến phản biện rất cần cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, vì lợi ích chung của quốc gia.
Có khó lắm không? Hẳn là rất khó.
Vì nó đòi hỏi sự thành tâm của cả hai phía, trên cơ sở một nền quản trị quốc gia khoa học, văn minh, pháp luật thượng tôn. Và vì vậy, thông điệp về dân chủ và nhà nước pháp quyền đồng thời cũng là một thách thức cho cả xã hội Việt đương đại hôm nay.
II- Nếu như dân chủ là khí trời cho sinh hoạt tinh thần người Việt thì minh bạch trong quản lý, trong nền kinh tế thị trường, cần như cơm ăn, nước uống. Mà người Việt thì từ lâu, đã bị bỏ… đói.
Cho dù gần 30 năm đổi mới, kinh tế nước Việt đã tạo ra sự phát triển vượt bậc, đổi thay diện mạo quốc gia. Riêng năm 2013, đạt mức tăng trưởng GDP 5,42% và kiềm chế lạm phát ở mức 6,04%. Dù vậy, với hơn 60.000 doanh nghiệp hiện phải đóng cửa, phá sản, tạm ngừng hoạt động, công cuộc tái cơ cấu kinh tế trì trệ, sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…, khó có thể nói kinh tế nước Việt sáng sủa, khỏe mạnh.
dân chủ, minh bạch, Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng
Bị cáo Dương Chí Dũng. Ảnh VietNamplus
Trong bối cảnh đó, quốc nạn tham nhũng đã làm đau yếu quốc gia, suy kiệt niềm tin, và làm tổn thương cả xã hội. Chưa lúc nào, minh bạch là phương thuốc khả dĩ mà nhiều người trông đợi như lúc này, để đổi thay “thể trạng”xã hội. Minh bạch chính là tiêu chí văn minh của mọi nền quản trị quốc gia lành mạnh.
Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (baodautu.vn, ngày 01/01): Không minh bạch, chúng ta sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
… Hoạt động tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước phải được công bố công khai, minh bạch, nợ ở đâu, lỗ ra sao, hiệu quả thế nào, để tránh lặp lại các sai lầm Vinashin, Vinalines.
Sự minh bạch sẽ là một thách thức với tài năng kinh bang tế thế giữa các DNNN với DN tư nhân, giữa các DNNN với nhau. Nó buộc các ông chủ tập đoàn, DNNN nỗ lực thể hiện năng lực điều hành, năng lực kinh doanh, chứ không thể dựa vào sự ưu tiên chiều chuộng kiểu “con đẻ, con trưởng, cậu ấm”. Không thể nhập nhằng mãi chức năng kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích, lãi các DN hưởng, lỗ người dân chịu.
Sự minh bạch là liều độc dược mạnh với các tế bào tham nhũng luôn ẩn nấp trong cơ thể các DNNN, các nhóm lợi ích sống “ký sinh” theo cơ chế xin- cho.
Sự minh bạch tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, cả tư nhân lẫn FDI tham gia bình đẳng vào một sân chơi đầu tư. Ở đó, chỉ có tài năng kinh doanh ngự trị, tuân thủ quy luật cung- cầu của kinh tế thị trường đúng nghĩa, cũng tức là trả lại các thang bậc giá trị đúng chỗ, không thể đảo lộn trắng đen, đúng sai, tốt xấu.
Sự minh bạch hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát lãng phí, và tạo niềm tin nơi người dân vốn cũng đã… xuống đến mức thấp nhất.
Dân chủ, minh bạch với nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học, là mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ, nhưng không phải mối quan hệ của “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Ở mối quan hệ này, nhận thức và hành động của các cấp quản lý phải đi trước, quyết liệt, mang ý nghĩa quyết định, vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là lớn nhất. Nhưng liệu minh bạch sẽ có sớm… minh bạch không?
Chỉ khi đó, thông điệp của người đứng đầu CP mới có ý nghĩa là hành động, là nói vậy và làm vậy!
III- Còn những vụ việc chạy nhanh hơn … vó ngựa, là thông tin của vụ án xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho anh ruột mình- Dương Chí Dũng, nhân vật chính của vụ án Vinalines trốn ra nước ngoài. Một vụ án gây “sốt” trong xã hội và đầy kịch tính bởi tính chất nghiêm trọng, những nút thắt “cao trào” như sân khấu bi kịch vốn thường thấy. Mà đoạn kết của nó chắc chắn còn đầy kịch tính hơn, vẫn chưa diễn ra.
Cả nhân vật chính vụ án- Dương Tự Trọng, và nhân chứng (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là Dương Chí Dũng- nhân vật chính của vụ án Vinalines vừa xử trước đó, là anh em ruột. Họ đều là những người thành đạt, sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình được coi là có quyền có tiền có thế lực của đất Hải Phòng. Và nay, ra trước tòa, cùng là… bị cáo của hai phiên tòa. Cái sự giống nhiều khi là hạnh phúc, nhưng có khi là bi kịch.
Kết cục cay đắng của hai anh em- người vì chữ lụy tiền, người vì chữ lụy tình, vừa là “sản phẩm” tham- sân- si của thời kim tiền, vừa là nước mắt của tình ruột thịt, mà quên mất chữ lý (pháp luật, đạo lý công dân). Cũng vì thế mà với bị cáo Dương Tự Trọng, lý thì đáng giận, tình thì đáng thương.
Để rồi, từ một sĩ quan giỏi giang, nổi tiếng, con đường danh vọng mở ra nhiều hứa hẹn, bỗng chốc Dương Tự Trọng trở thành tội phạm. Cái khoảng cách giữa một quan chức với một tội phạm thời nay, hóa ra quá đỗi mong manh, như… không hề có ranh giới.
Hay khi hành động như vậy, bản thân cả Dương Chí Dũng- kẻ bỏ trốn- và Dương Tự Trọng- kẻ tiếp tay cho anh ruột mình, đều có sự tự tin ở sức mạnh của họ, sức mạnh của những mối quan hệ, sự lọc lõi, mà đồng tiền tưởng là “dây tơ hồng”, hóa ra vẫn luôn phản trắc và cũng đầy bội bạc.
Và cũng vì cái tình “đồng đội”, tình “anh em” trong giới… giang hồ của Dương Tự Trọng, mà rút cục ông ta còn kéo theo một lô một lốc những đồng đội, những “chiến hữu” của ông ta theo nhau phạm tội, theo nhau ra trước vành móng ngựa. Họ có ân hận hay không? Không biết. Có điều vụ án cho thấy những góc khuất u tối của tâm hồn con người Dương Tự Trọng khi che giấu tội phạm, góc khuất u tối của nhiều kẻ cùng hội cùng thuyền nhân danh tình nghĩa, nhân danh nghĩa hiệp. Dù họ đa phần là cán bộ một ngành là công cụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Nhưng nút thắt chặt nhất, cao trào nhất của vụ án đầy kịch tính này không ở nhân vật chính- Dương Tự Trọng- mà lại ở nhân chứng- Dương Chí Dũng khi ông này chính thức công khai công bố tên của người đã “mật báo” cho ông ta bỏ trốn trong vụ án Vinalines, dẫn đến tội lỗi của em trai ông ta. Khi Dương Chí Dũng công bố tuốt tuột chuyện mật báo, chuyện tiền nong…Cùng với một phát ngôn ấn tượng: Tôi là bị cáo trong một vụ án khác và phải chịu mức án cao nhất nên tôi chẳng có gì phải giấu giếm và sẽ khai thật.
Khỏi phải nói về những bàn luận nóng ran xã hội.
Cái tiếng “kêu” bi thương của kẻ bị án tử, rút cục đã đưa ra trước xã hội rất có thể là một vụ án “tử” kiểu khác, trong con mắt nhân dân. Khi mà trước cả 03 vụ việc, đại diện VKS sẽ có kiến nghị để HĐXX xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cũng ngay tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự”.
Vấn đề còn lại, thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng.
Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi: Nếu như Dương Chí Dũng,  bịa đặt chuyện “mật báo”, chuyện “chạy tiền” hàng trăm nghìn USD, ông ta phải chịu xử lý trước pháp luật, bởi tội vu khống. Còn nếu lời khai của Dương Chí Dũng là sự thật, thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền, phải làm sáng tỏ vụ việc này và xử lý nghiêm minh.
Vụ án Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng chưa khép lại, nhưng ngành tư pháp đã có thể tiếp tục khởi tố một vụ án hình sự khác, nói điều gì?
Rằng quyền lực trong thời đại kim tiền này, có nguy cơ luôn “cặp kè” với sự tha hóa. Sự tha hóa phẩm cách giờ đây không còn là chuyện riêng biệt, phạm vi một cá nhân, hai cá nhân…
Khi người ta nhớ tới vụ anh hùng ‘khai man” Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế mới đây, người đã khai gian tới 15 thành tích của đồng đội thành của mình (trong số 17 thành tích được kê khai), một kiểu “tham nhũng thành tích”, để giành thêm về mình chút danh vọng tinh thần bằng xương máu đồng đội. Có gì tồi tệ hơn thế?
Và chẳng đâu xa lạ, những vụ án Công ty cho thuê Tài chính II chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, vụ án “siêu lừa” Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4000 tỷ đồng đang bị xét xử những ngày này, cho thấy công thức “quyền +tiền+ tha hóa” là công thức khá thời thượng cho những kẻ tham nhũng.
Chính điều đó, mà thông điệp năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc cải cách thể chế, về dân chủ gắn với nhà nước pháp quyền, xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại đang trở thành vấn đề sinh tử, quyết định vận mệnh của một quốc gia phát triển hay tụt hậu trước nhân loại văn minh.
Câu trả lời thuộc thì… tương lai.