Trang

1 tháng 1, 2014

Sức dân như nước

 -Trong khúc quanh bĩ cực lại sáng lên phẩm chất quật cường của người dân Việt. Không chỉ trong chống chọi với tai ương, mà còn ở sự trỗi dậy của lương tri và ý thức công dân.

360 ngày mà như thoáng chốc, cả nước căng thần kinh, gân sức trì kéo đà lao dốc của nền kinh tế ốm o nghiêng ngả sau mấy năm suy thoái, và vật lộn với liên tiếp tai ương bão lũ, cả bởi thiên tai cùng nhân hoạ, rồi băng tuyết giáng hoạ tận cữ cuối năm trên vùng núi, gây những tàn hại nặng nề.
Bừng mắt đã năm mới đến.
1. Năm cũ qua đi, gian lao hết mức, mà bao việc lớn quốc gia, cơm áo người dân còn dở dang.
Kia những xóm làng, ruộng bãi  Quảng Bình, Quảng Trị, Quãng Ngãi…chưa hết cảnh hoang tàn, thiếu đói sau bão chập bão, lũ chồng lên lũ. Chưa bao giờ như đông lạnh mới qua, đỉnh Mẫu Sơn, Ỷ Tý, Sìn Hồ… trắng tuyết, héo rụi hoa mầu, vùi lấp hàng chục tỷ đồng mồ hôi nước mắt đồng bào còn chưa đủ cái ăn cái mặc.
năm mới, hành trang, Thế Văn
Năm cũ đã qua đi...
Lại thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc nhập vào đoàn dân thất nghiệp nghèo khó vốn đã đông đảo, khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc giãn thợ.
Vẫn nằm trơ lì ở đó quả bom nợ xấu, hiện hình là con số “khủng”- trong đó các Tổng công ty Nhà nước nợ đến hơn 1,4 triệu tỷ đồng, mới được chạm tay tháo kíp bằng cơ cấu lại và Công ty quản lý tài sản (VAMC) mua lại một số nhỏ nhoi chưa đáng bao nhiêu…
Hệ lụy của kinh tế suy thoái cùng đời sống của đông đảo nhân dân đều chạm đáy, là xã hội thêm bất an.
Và dưới “cống ngầm” thể chế, các đường dây tham nhũng vẫn lì lợm, ranh ma tìm cách, lựa cơ đục khoét, vơ vét của nước, của dân, gây tổn thất cả niềm tin lẫn tổn hại biết bao nguồn lực cho phát triển quốc gia.
Đã lo toan vất vả bươn chải vì cơm áo, thuốc men, con cái học hành; đã trĩu nặng nhiều bức xúc tích tụ chưa giải toả.
Có lẽ vì thế mà bệnh vô cảm có cơ xâm chiếm số đông. Nào nạn hôi của, chuyện Cát Tường, bạo hành trẻ thơ...
Đó là vài nét phác sơ sài khung cảnh một khúc quanh thời cuộc ở cực âm hình “sin”- tới đáy, của năm qua. Mà đất nước phải đối mặt và phải vượt lên, vào năm mới.
2.Sức dân như nước và hồng phúc tổ tiên
Nhưng vẫn cứ là qui luật của muôn đời.
Đời sống nhân gian như dòng chảy vĩnh hằng, cho dù lắm khúc quẩn quanh, lên thác xuống ghềnh vật vã, vẫn băng lên phía trước. Công sức khó nhọc của toàn dân rốt cuộc đã hãm lại đà trượt dốc của nền kinh tế, truyền cho nó hơi ấm của chặng đường hồi phục.
Ngân sách vượt thu ở phút chót, lạm phát được kiểm soát ( 6,04% so 6,48% năm ngoái). Kinh tế vĩ mô ổn định. Nợ công trong giới hạn an toàn. Nguồn lực năm mới cho tăng trưởng cao hơn năm trước, là đáng lạc quan: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 22 tỷ USD, giải ngân 11 tỷ. Giải ngân ODA ước đạt 14 tỷ USD, cao hơn năm trước. Cán cân thanh toán thặng dư hơn 2 tỷ USD. Thêm vào là luồng kiều hối tăng cao hơn năm trước, đạt hơn 10 tỷ USD.
Chính trong khúc quanh bĩ cực, ta lại thấy sáng lên phẩm chất quật cường của người dân Việt, không chỉ trong chống chọi với tai ương, mà còn ở sự trỗi dậy của lương tri, của ý thức công dân vượt lên nỗi sợ hãi và tâm lý yên thân, để tự cứu mình, chống kẻ gian, giúp người ngay. Tố cáo giới chức địa phương cư xử bất công, oan trái, đòi lại công bằng. Tố cáo tham nhũng, tố giác tội phạm. Cả hệ thống thông tin đại chúng vào cuộc, dấy lên những cơn sóng dư luận chấn động lương tri toàn xã hội.
năm mới, hành trang, Thế Văn
Người dân đã rơi chung nước mắt trong Quốc tang Đại tướng. Ảnh: News.zing.vn
Chính là người dân. Nào là đưa ra ánh sáng những vụ nhân bản xét nghiệm máu để trục lợi, chôn  thuốc trừ sâu nhiều năm làm nhiễm độc đất đai, nguồn nước. Đến cả anh thợ hồ (dấu tên) cũng bí mật quay video clip bằng điện thoại di động, đem nộp công an tố cáo các bảo mẫu hoá ra ác mẫu.  
Sức dân quả như sức nước, đẩy thuyền, thuyền phải trôi nhanh. Sức ép của dư luận nhân dân phả hơi nóng vào nghị trường, truyền xung lực cho tinh thần trách nhiệm, làm sôi động những cuộc chất vấn đòi phải trả lời sòng phẳng, không vòng vo; qui trách nhiệm rạch ròi, không đổ lỗi loanh quanh; và đòi hỏi sữa lỗi  không chậm trễ.
Đã có cuộc tuyên chiến không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng mà bấy nay dân chỉ thấy sao mà lắm án treo. Mười đại án tham nhũng, với những “đại ca”của “thế giới cống ngầm” từng một thời được coi là sáng giá, đã và sẽ lần lượt ra trước vành móng ngựa.
Tháng khép lại năm 2013, bốn án tử hình đã tuyên trong hai phiên toà xử các quan tham và đồng bọn từng nắm chức quyền tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII),Vinalines.
Luật nước, nơi mấy phiên toà ấy, đã thấy lên ngôi.  
Những năm tháng gian lao suy thoái kinh tế, nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền như đã cận kề, vậy mà nhờ hồng phúc của Tổ tiên, đất nước đã không chìm đắm. Trái lại, thế nước tới nay, bước vào năm mới, đã vững chãi hơn lên. Đó là nhờ giang sơn ông cha truyền lại có nguồn tài nguyên và thế địa-chính trị, kinh tế nhiều ưu điểm, để những tháng năm này Việt Nam lấy hoà bình, ổn định làm điểm tựa, năng động ngoại giao, tiến một bước quan trọng tạo lập được thế cân bằng động về lợi ích cốt lõi của nhiều cường quốc và lợi ích thương mại, hàng hải… trên Biển Đông của đông đảo các quốc gia. Biển Đông đã tạm thời lắng dịu. Nhưng tiềm lực quốc phòng, sức mạnh sắt thép phòng thủ biển đảo vẫn gia tăng.
Và Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế  nhìn nhận như một đất nước thân thiện, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển, và tham gia ngày càng sâu rộng và có trách nhiệm các công việc  toàn cầu, nay được tín nhiệm gánh vác trọng trách một thành viên Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Các quan hệ hợp tác đa phương mật thiết hơn và tăng cấp độ.  
Nhìn lại 2013 - Kỳ vọng 2014:
Kế sách hưng thịnh đất nước cũng đã được căn chỉnh với tầm nhìn xa hơn, với mong muốn tạo thành tựu lớn, đột biến trong dài hạn.
Nổi bật như một sự kiện quốc gia trong năm 2013, là  Hiến pháp sửa đổi, với nhiều điểm mới, được ban hành.
Đó là bộ luật nền tảng cho hoàn thiện hơn một bước hệ thống pháp luật để mở đường thông thoáng hơn đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn quyền lực của bộ máy công quyền cũng như mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, ngoại giao… trên chặng đường phát triển mới.  
Bấy nhiêu tai hoạ và tổn thất, thách thức và buồn vui, sự kiện và  ấn tượng…như là dồn nén lại, căng đến tột cùng thần kinh và gân sức mỗi người dân, trong cái năm mang con số 13 cả nhân loại đều chịu chung vận bĩ.
Thế và lực cho phát triển ở ta, vào thời điểm nhiều nền kinh tế thế giới còn khốn khó vì nợ công, đã có thể nói là khả quan. Các ngả đường hợp tác làm ăn với thế giới, đã rộng mở hơn bao giờ hết. Vậy là đất nước bước vào năm mới, cơ hội thoát nhanh khỏi suy thoái, trì trệ, để tăng đà tăng trưởng, đang vẫy gọi ta trước ngõ.  
Cơ may đã tới, hành trang đã sẵn sàng. Nếu thiếu chăng, là thiếu một động lực từ mỗi con tim: thiếu Lửa! Thứ lửa ở toàn  dân, trước nhất ở những người đại diện ý nguyện và quyền lực nhân dân, là động lực dân tộc chúng ta từng làm nên nhiều đột phá, chuyển ngoặt thời cuộc.
Xin hãy cháy sáng lên, năm mới. Từ trỗi dậy của lương tri và trách nhiệm vì nước, vì dân!  

Thông điệp 2014 của Thủ tướng

Thông điệp 2014 của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
In
“Dân chủ”, “quyền làm chủ của nhân dân, “hoàn thiện thể chế”... là những cụm từ xuất hiện nhiều trong thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Với tiêu đề: "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững", thông điệp của Thủ tướng nhìn nhận: “Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

“Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông điệp khẳng định: “Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.

“Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả”.

VnEconomy xin giới thiệu toàn văn thông điệp 2014 của Thủ tướng.


Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó xác định tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

I

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.

Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.

Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn.

Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập Internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.

Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật.

Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.

Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức Chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống. Thường xuyên tăng cường ổn định chính trị - xã hội.

Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

 II

Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

III

Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

IV
Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và Nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới.

Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

31 tháng 12, 2013

10 phát ngôn " đáng suy nghĩ " năm 2013

Công Khanh

Năm 2013 sắp qua, nhưng nhiều phát ngôn đáng để suy nghĩ về những vấn đề kinh tế, xã hội nổi cộm trong năm qua vẫn còn đọng lại trong lòng người dân.

"Không tham nhũng lấy đâu tiền chạy chức"
Sáng 18/9, tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: 'Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia…'.



Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?”.
"Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao, đã làm hết trách nhiệm chưa?" Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi.

“Bao nhiêu thỏ thành gấu?”
Bắt đầu phiên chất vấn Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) gây chấn động dư luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đặt vấn đề: 

Hàng năm vẫn còn hàng chục ngàn đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm cho thấy niềm tin của nhân dân chưa cao, đặc biệt là vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây bất bình dư luận trong thời gian qua. Vậy Chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án trong vụ việc này, trách nhiệm minh oan, xin lỗi thế nào. Liệu rằng, còn bao nhiêu con thỏ tuyên là con gấu?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.
Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được, nhưng việc xác định có oan hay không phải dựa trên những quy định chặt chẽ. Dư luận chỉ là dư luận. 

“Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được nhưng nếu có phải được chứng minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

"Ăn của dân không từ một cái gì"

Sáng 11/9, Thường vụ Quốc hội thảo luận, sau khi nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì,  từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo…, ăn hết. 

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng xảy ra chuyện ăn vacxin, đáng lẽ ra tiêm cho một người, giờ tiêm cho hai người. Tôi đi rất nhiều nơi, nhưng càng đi tôi càng thấy buồn.

“Đúng quy trình nên chưa kỷ luật ai”

Sáng 2/12, tại cuộc gặp mặt báo chí, liên quan vụ vận chuyển 600 bánh heroin (nặng 230 kg - PV) từ sân bay Tân Sơn Nhất và bị bắt giữ ở Đài Loan, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, khẳng định trong vụ việc này hải quan ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm đúng quy trình kiểm tra.

ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM
Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM.
“Do làm đúng quy trình nên chúng tôi chưa kỷ luật ai. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chờ kết quả điều tra cuối cùng để xem xét việc kỷ luật. Chưa kể vụ này đã được Phó thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm”, ông Thông khẳng định.

 “Phóng viên thiểu năng”

Chiều 11/3, tại Hội nghị bàn về các nội dung của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tổ chức tại Bộ GTVT, ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an) nói: “Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ”.

Ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội .
Sau đó ông Đinh Mạnh Toàn đã có những phát biểu đính chính và xin lỗi giới báo chí công khai trước phát ngôn "phóng viên thiểu năng" của mình. 

 “Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”

Khi nói về vụ việc gây chấn động ngành Y là 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra quyết liệt trong việc truy tìm nguyên nhân của vụ việc bằng phát biểu: 

“Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau phát ngôn khó hiểu này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã gặp phải nhiều sự phản ứng, bức xúc của dư luận.
 “Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng”

Sáng 7/11, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến.
“Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Vì thế, nhiều người nói: Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, “bộ phận không nhỏ” là ở cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác. 

Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin... ai cho... Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói.

Bộ Công thương khuyên người dân thay gas bằng củi

Chiều 2/12, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Công thương, chiều 2/12, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, cho biết giá gas thuộc danh mục mặt hàng do Bộ Tài chính quản lý, phụ thuộc rất lớn vào giá thế giới. 

“Việc giá gas tăng 70.000 - 80.000 đồng/bình gây ra nhiều bức xúc với người dân. Với giá gas cao như thế này thì người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng thay thế như củi, điện” - vị này nói.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.
Theo ông Chiến, để điều hành thị trường gas ổn định, Bộ Công thương đồng tình với đề xuất Hiệp hội Gas giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0%. Đồng thời, cần kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các doanh nghiệp đầu mối để phát hiện vi phạm.

Ra ngõ là gặp kẻ cướp

Ngày 29/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII  về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng.

“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản... Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”, ông Bùi Đặng Dũng phát biểu.

“Số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến… vài chục người”

Liên quan việc một bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa Thanh Oai (Hà Nội) với nhiều nghi vấn, khi phóng viên làm việc với lãnh đạo cơ sở này, ông Đỗ Ngọc Vấn, Phó giám đốc bệnh viện trong cuộc trao đổi đã hồn nhiên nói: “Trong cuộc đời làm bác sỹ của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến… vài chục người. Chẳng qua đây là người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới nghi ngờ”.

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc?


07:00 chiều ngày 30/12/2013, báo Điện tử Chính Phủ có bài "Thủ tướng làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam"-http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-lam-viec-voi-Hoi-Khoa-hoc-Lich-su-Viet-Nam/189837.vgp
Trên Thanh Niên Online – 19 giờ trước có bài "Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc" nhưng khi bấm vào link:
thì nay chỉ thấy thông báo: "Rất tiếc,trang bạn yêu cầu hiện không tồn tại hoặc không hoạt động."
may là YAHOO TIN TỨC còn lưu lại:

SẼ KỶ NIỆM SỰ KIỆN 40 NĂM HOÀNG SA VÀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Thanh Niên Online – 19 giờ trước
(TNO) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 - chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn ủng hộ các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam” - Ảnh: Chinhphu.vn
Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 - chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao… Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.
Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.
Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này”.
Kiều Trinh

29 tháng 12, 2013

DÂN PHÒNG HAY CÔN ĐỒ?

Dân phòng đánh người khi xác minh hiếp dâm

- chuyên mục

Ngày 29/12, người nhà của các anh Nguyễn Văn Chiến (23 tuổi), Phan Văn Vũ cho biết bị những người ở Công an xã Phú Điền đánh trong quá trình xác minh một vụ hiếp dâm.
Anh Nguyễn Văn Chiến (ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) thuật lại sáng 25/12, Công an xã Phú Điền và đội dân phòng đến nhà dẫn anh về trụ sở công an làm việc. Sau khi đến trụ sở, anh Chiến bị còng tay treo lên cửa sổ, sau đó bị bốn người liên tục đánh.
Đến khoảng 10h thì bốn người này bỏ đi nghỉ trưa. Buổi chiều anh Chiến tiếp tục bị đánh và hỏi cung. Đến gần 16h, Chiến cùng hơn mười thanh niên được dẫn vào để nạn nhân là Nguyễn Thị C. (14 tuổi) nhận diện. Tại đây C. cho biết không nhận ra Chiến nên Chiến được thả về.
“Thật sự tui không biết C. và C. cũng không biết tui. Lúc bị bắt đến lúc bị đánh tui cũng không biết vì lý do gì”, anh Chiến nói. Hiện trên ngực, tay và vai của Chiến vẫn còn một số vết thâm tím dù bị đánh cách nay mấy ngày.
Dân phòng đánh người khi xác minh hiếp dâmAnh Nguyễn Văn Chiến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười.
Chiều 29/12, bác sĩ Nguyễn Việt Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười - cho biết chưa nghe báo cáo về vụ việc liên quan đến anh Chiến và yêu cầu liên hệ với bác sĩ Lương Văn Phó, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười. Tuy nhiên, bác sĩ Phó cho rằng bệnh nhân quá đông nên không nắm được cụ thể. Bác sĩ Phó hứa trong buổi họp giao ban sáng nay (30/12) sẽ tìm hiểu và thông tin rõ vụ việc của từng bệnh nhân có liên quan.
Anh Ngô Văn Sơn, anh họ của Chiến, cho biết khi hay tin Chiến bị bắt và bị đánh tại trụ sở công an xã, anh có đến hỏi rõ đầu đuôi. Vừa bước vào trụ sở công an thì anh thấy Chiến bị còng tay và bị treo lên cửa sổ. “Tui có hỏi sao đánh em tui dữ vậy nhưng công an xã không nghe mà còn đuổi tôi ra ngoài”, anh Sơn nói.
Bà Bùi Thị Nhan, dì ruột của Chiến, cho biết lúc về nhà Chiến rất mệt, người nhà phải kè vào. Tối hôm đó Chiến bị ói và than tức ngực. Gia đình chở đến phòng mạch tư để tiêm thuốc nhưng không khỏi. Đến sáng 28/12, gia đình không yên tâm nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười nhập viện.
Bà Nhan cũng nói khoảng 8h ngày 29/12, đại diện Công an xã Phú Điền đến Bệnh viện Đa khoa Tháp Mười thăm hỏi Chiến và Vũ. Sau đó có đưa cho gia đình Chiến và Vũ số tiền 2 triệu đồng để lo tiền thuốc.
Tại phòng bệnh số 3, Phan Văn Vũ (27 tuổi) kể ngày 25/12, tại trụ sở công an xã Vũ cũng bị còng tay lên cửa sổ với tư thế úp mặt vào tường nên không biết có bao nhiêu người đánh. Sau khi đánh xong, những người ở công an xã còn bắt Vũ khai người đi cùng Vũ trong đêm 24/12. Vũ khai ra tên hơn mười thanh niên, họ đều bị giải lên trụ sở công an xã để làm việc. Phía sau vai của Vũ cũng còn in nhiều vết thâm tím.
Chiều cùng ngày, đại tá Lê Trường Sơn, trưởng Công an huyện Tháp Mười, nói có nghe thông tin phản ảnh về vụ việc anh em công an ở xã Phú Điền nóng ruột và “mạnh tay” với những người tình nghi. “Vụ việc xảy ra ngày 26/12 là ngày thứ năm, hai hôm nay là ngày nghỉ nên đến giờ này công an huyện vẫn chưa nhận được báo cáo chi tiết về vụ việc, chưa thể kết luận một cách chính xác vụ việc được”, ông Sơn nói.
Đại diện Công an xã Phú Điền cũng thừa nhận đội dân phòng (thuộc quản lý của công an xã) có đánh Chiến và Vũ. Theo đại diện này cho biết ngày 25/12, công an xã phối hợp với đội dân phòng bắt một số người tình nghi xâm hại tình dục em C.. Sau khi áp giải về trụ sở công an thì dân phòng đánh người, đến khi công an viên về mới phát hiện và tạm dừng ngay.
Theo một cán bộ của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tháp Mười, cơ quan chức năng đã làm rõ vụ em Nguyễn Thị C. khai báo bị hiếp là không đúng sự thật. Em này bịa chuyện để lấp liếm việc đi chơi đêm.
Mẹ em C. cho biết đêm 24/12, em C. xin bà qua dì hai chơi và suốt đêm đó không về. Gia đình đổ xô đi tìm C. nhưng không gặp. Sáng hôm sau, C. điện thoại về nhà để gia đình đến đón về.
“Lúc gặp nó đang đi ngoài đường, nhìn bơ phờ lắm. Nó còn nói là tối hôm qua bị bắt cóc. Tui sợ quá mới chở cháu ra luôn công an xã trình báo sự việc. Đến khi công an xã hỏi gì nó cũng nói có. Nó khai một người tên Trung có rượt theo nó. Cũng không hiểu sao công an lại bắt cả chục người sau đó”, mẹ em C. nói.
C. cho biết lúc gặp gia đình do sợ bị đánh đòn nên nói đại là bị bắt cóc, đến lúc ra công an xã em cũng trả lời đại chứ không bị ai bắt cóc hay làm gì đó. C. kể tối hôm đó trong lúc em về nhà thì có chiếc xe máy đuổi theo em. Em chạy lên trường học cách đó hơn 2km để trốn đến sáng hôm sau mới dám về nhà. “Em chỉ biết một người tên Trung, còn lại em đều không biết ai hết”, C. nói.
Nguồn : Tuổi trẻ

Thắng nhọc, Arsenal vô địch lượt đi, Liverpool bật khỏi top 4

(Tinmoi.vn) Chiến thắng nhọc nhằn trước Newcastle đã giúp Arsenal vô địch lượt đi. Trong khi đó trận thua ngược trước Chelsea khiến Liverpool bật bãi top 4. 
Newcastle 0-1 Arsenal  
Bàn thắng duy nhất của Giroud giúp Arsenal vô địch lượt đi
Đến làm khách trên sân của Newcastle đang có phong độ ổn định, Arsenal đã gặp không ít khó khăn và phải chơi một trong những trận đấu kịch tính nhất từ đầu mùa. Bàn thắng duy nhất của Giroud ở phút 65 giúp các Pháo thủ rời Saint Jame's Park với 3 điểm tuyệt đối. Chiến thắng này tối thiểu nhưng cũng đủ giúp Arsenal kết thúc lượt đi ở ngôi đầu bảng với 1 điểm nhiều hơn Man City và 2 điểm nhiều hơn Chelsea.
Chelsea 2-1 Liverpool
Hazard mang về bàn quân bình tỷ số cho Chelsea
Làm khách tại Stamford Bridge của Chelsea, Liverpool có khởi đầu thuận lợi bằng bàn thắng ở ngay phút thứ 3 nhờ công của Skrtel. Nhưng The Klop lại tỏ ra yếu thế hơn sau đó và để Chelsea gỡ hòa rồi vượt lên dẫn lại 2-1 ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên. Bước sang hiệp 2, tốc độ trận đấu diễn ra khá nhanh, Liverpool tạo ra được một số cơ hội nhưng họ không thể thêm 1 lần làm tung lưới Petr Cech. Ở những phút cuối trận, Suarez lại bị đốn ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài vẫn không cho Liverpool được hưởng quả penalty nào.
Thất bại này khiến Liverpool tạm thời bật bãi top 4 bởi ở 1 trận đấu khác, Everton đã có chiến thắng 2-1 trước Southampton để giành vị trí thứ 4 của người hàng xóm. 

Hơn 500 đại biểu lập pháp Hồ Nam từ chức


Nhân dân tệ
Hàng trăm triệu nhân dân tệ đã được chi trong vụ mua phiếu bầu này
Hơn 500 đại biểu hội đồng nhân dân địa phương ở một tỉnh của Trung Quốc đã phải từ chức sau một vụ bê bối bầu cử, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay.
Những người này từ chức sau khi nhận hối lộ của 56 vị trong Hội đồng nhân dân tỉnh để bầu cho họ, Tân Hoa Xã đưa tin.

Vụ việc xảy ra ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung Trung Quốc.Các đại biểu đã đút tiền để được bầu cũng đã bị cách chức.
Các đại biểu lập pháp ở các quận, huyện, thành thị có quyền bầu ra đại diện của họ tại Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cơ quan lập pháp vốn có trách nhiệm thông qua chiếu lệ các quyết định của chính quyền.

‘Tác động xấu’

Chính quyền Hồ Nam đã cách chức 56 vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong số 763 thành viên của cơ quan này vì họ đã dùng tiền để mua phiếu, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết trên tài khoản Twitter của họ.
Cuộc điều tra ban đầu cho thấy số tiền hối lộ là 110 triệu tệ, tức hơn 18 triệu Mỹ kim. Số tiền này đã được đút lót cho các đại biểu lập pháp ở Hành Dương, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Hồ Nam, theo Tân Hoa Xã.
"Đây là thách thức đối với hệ thống hội đồng nhân dân, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp luật và kỷ luật Đảng."
Thông cáo của chính quyền Hồ Nam
“Vụ gian lận này, với sự dính líu của đông đảo đại biểu lập pháp với số tiền lớn, có tính chất nghiêm trọng và có tác động xấu,” Tân Hoa Xã dẫn một thông cáo của chính quyền địa phương nói.
“Đây là thách thức đối với hệ thống hội đồng nhân dân, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp luật và kỷ luật Đảng,” thông cáo viết.
Thông cáo này cũng đích danh ông Đồng Danh Khiêm, cựu bí thư Thành Ủy Hành Dương, là phải ‘chịu trách nhiệm trực tiếp’ về vụ bê bối này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng với cam kết sẽ nhắm vào ‘cả ruồi và hổ’.
Chính quyền nước này đã ra lệnh cấm xây công sở mới và các buổi tiệc tùng xa xỉ sau khi ông Tập yêu cầu các quan chức không được xa hoa và lãng phí.
Hôm thứ Bảy ngày 28/12, trong một hành động hiếm hoi, ông Tập đã đến ăn ở một cửa hàng tự phục vụ ở thủ đô Bắc Kinh. Ông cũng xếp hàng như những người khác.
Các hình ảnh được đưa lên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, cho thấy ông Tập ở một cửa hàng bánh bao vào giờ ăn trưa. Ông đã tự gọi món và tự trả tiền.
St