Trang

19 tháng 11, 2012

Non Nước xứ Quảng



Những hòn núi đá
Bên vùng biển xanh
Bén duyên hòa hợp
Dưới làn trăng thanh.

Núi đá biển xanh
Bên nhau hò hẹn
Kết tình Non Nước
Đã từ bao năm.

Núi đụng trời xanh
Mây giăng ghềnh đá.
Biển xanh vời vợi
Thì thầm ru quanh.

Non Nước biếc  xanh
Đã thành huyền thoại
Tô điểm cho đời
Thêm đẹp thêm tươi.

       Biển Trời Tự Do

17 tháng 11, 2012

Hải Vân non nước hữu tình



Dốc dài cao cao mãi
Biển rộng tràn nắng mai
Lững lờ mây ôm núi
Sóng ru tình hôn ai.

Đèo xanh xe lăn bánh
Biển thẳm thuyền ra khơi
Núi là nhịp cầu nối
Giữ vùng biển vùng trời.

 Phạm Hải

16 tháng 11, 2012

Tức cảnh Vịnh Hạ Long




Trùng trùng lớp lớp đảo nhấp nhô

Biển xanh ôm đảo sóng hôn bờ

Buồm căng gió theo đàm mây trắng

Nắng lung linh cảnh vịnh thành thơ.

                                     Phạm Hải
                            

14 tháng 11, 2012

QUYỀN LỰC và NHÂN CÁCH


Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khi người ta làm quan chỉ vì quyền lợi nhóm- quyền lợi cá nhân thì họ không có trách nhiệm với Tổ Quốc và nhân dân, họ không có lòng tự trọng, liêm sỉ và tình yêu Tổ quốc, họ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi và từ chức bất chấp họ đã phạm tội nghiêm trọng.
Ở các nước có nền Tự do- Dân chủ, khi các quan chức nhận nhiệm vụ quản lý đất nước là phải nhận một trọng trách hết sức nặng nề trước Tổ Quốc và nhân dân. Quyền lợi cá nhân của họ được quy định công khai theo luật. Quyền lực của họ bị giám sát chặt chẽ và minh bạch bởi hệ thống luật pháp công bằng- văn minh. Hãy nhìn lại ông Bil Clinton trước khi nhận chức Tổng Thống Mỹ, rất trẻ trung và đẹp trai, nhưng chỉ sau 2 năm làm tổng thống thì ông già hẳn đi vì áp lực và trách nhiệm. Quốc vương Bhutan Jigme Wangchuck tự hạn chế quyền lực của mình, hết lòng chăm lo cho thần dân khiến Bhutan giữ vững ngôi vị Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới.
Hãy quan sát văn hóa từ chức của các quan chức trên thế giới gần đây, họ từ chức vì những lỗi rất nhỏ:
- Ngày 17/02/12 tổng thống Đức từ chức vì “Tôi đã mắc sai lầm, nhưng tôi luôn trung thực”.
- Ngày 1/10/2012 chính phủ Nhật từ chức tập thể để cải tổ nội các.
- Cùng ngày 1/10 phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ Thái Lan xin từ chức vì bị nghi ngờ duyệt bán 01 lô đất không minh bạch từ năm 2000.
- 13/7/2016 Thủ tướng Anh Cameron từ chức vì dân Anh bỏ phiếu rời EU.

Ở Việt Nam xưa kia cũng có mấy cao nhân từng từ bỏ quyền lực về quy ẩn:
- Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông để đi tu.
- Nguyễn Trãi từng từ quan về ẩn vì bất bình với triều đình.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về dạy học vì bọn gian thần lộng hành.
Những quan chức có lòng tự trọng, liêm sỉ trước Tổ Quốc và nhân dân thì họ tự hổ thẹn với lương tâm khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ không dám đứng trước nhân dân vì chưa làm cho xã hội tốt đẹp hơn người tiền nhiệm. Chính vì thế mà họ từ chức để nhường quyền cho người khác rút kinh nghiệm và làm tốt hơn họ.
Ở Việt Nam bây giờ văn hóa từ chức nhường chỗ cho MUA QUAN BÁN CHỨC- QUỐC SỈ !
                                                                                                 Phạm Hải

Toàn Nguyễn và nhạc Phú Quang


          Hà Nội ơi
          Mỗi khi lòng xác xơ
          Tôi vội vã trở về…

                                           Ca sĩ Toàn Nguyễn

 Một mình lang thang ngoài bờ biển, hát một mình mãi cũng chán. Tôi ghé phòng trà của Toàn Nguyễn để nghe anh hát nhạc Phú Quang. Ở  thành phố biển Vũng Tàu này tôi chỉ nghe một mình anh hát mà thôi.
 Tuổi anh đã ngoài 50 - dáng thấp, đậm, phong trần và lãng tử. Có mấy tờ báo, đài truyền hình đã viết bài, làm phim phóng sự về anh với tựa đề TIẾNG HÁT KẺ THA HƯƠNG. 
Ca sĩ Tòan Nguyễn chuyên hát dòng nhạc Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, các tình khúc về Hà Nội và nhạc tiền chiến. Nhưng nếu khán giả yêu cầu những bài hát khác mà anh thuộc thì anh vẫn hát. Anh có chất giọng rất lạ, rất riêng, nghe khê nồng mà mê hoặc, ma quái, pha trộn chất "đời" và một chút phong lưu. Chất giọng này không giống với bất cứ một ca sĩ nào ở VN và trên thế giới, chỉ nghe một lần hẳn bạn sẽ không bao giờ quên. Nói là hay ư? Không hẳn, không bằng Ngọc Tân rồi. Thậm chí khả năng thanh nhạc của anh cũng không giỏi, nhiều khi anh hát không đúng với bản nhạc gốc. Nhưng với khả năng chơi ghita gỗ điêu luyện, hát rất nhiệt tình, say sưa, phiêu linh theo phong cách của riêng mình, anh đã làm tức tưởi, ấm ức bao con tim yêu nhạc. Đặc biệt là phụ nữ đều thích nghe anh hát. 
Có một cô ca sĩ trẻ, tuổi chưa bằng tuổi con anh- đã tốt nghiệp trường nhạc, lúc đầu là mê giọng hát Toàn Nguyễn nên tìm đến phòng trà “HÀ NỘI và TÔI” của anh ở Sài Gòn để làm nhân viên. Từ mê giọng hát tới mê ông chủ lúc nào không hay. Cô bé “dụ” ông chủ bỏ Sài Gòn xuống Vũng Tàu sống và mở phòng trà riêng cho hai người...  Mới có mấy năm mà tình yêu của cô đã đơm bông, kết trái cho Tòan Nguyễn 2 đứa con trai kháu khỉnh, dễ thương, giống bố như tạc.

                                            Chồng đàn, vợ hát

 Trong phòng trà tôi ngoan ngoãn ngồi nghe anh hiền lành hát, nhưng ngoài sân tennis tôi và anh đã choảng nhau vì máu lửa đánh độ nhậu đó.
 Cuộc đời cũng có nhiều chữ duyên. Tôi thích giọng ca Tòan Nguyễn một phần vì tôi thuộc nhiều bài hát của Phú Quang. Nói đúng hơn là cả hai chúng tôi gặp nhau vì đều mê nhạc Phú Quang. Vào những năm 90, khi còn ở Nga, tôi đã thích nhạc Phú Quang rồi:

          Từng bông tuyết nhẹ rơi
          Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi
          Niềm cô đơn lẻ loi
          Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi...

 Từ nước ngoài về, tôi chủ động đi tìm Phú Quang ở Sài Gòn. Năm 1999 tôi cùng một nhóm bạn yêu nhạc Phú Quang và Phú Quang thành lập CTCP THIÊN BẢO  có trụ sở tại 46-48-50 Đồng Khởi Q.1 SG, anh Lê Kiên Thành (con TBT Lê Duẩn) làm chủ tịch HĐQT, Vinh Đen (nguyên TGĐ Techcombank) làm TGĐ, tôi làm phó TGĐ kinh doanh kiêm trưởng ban kiểm soát, Phú Quang làm phó TGĐ kiên GĐ phòng trà Catina. Trong HĐQT còn có bạn Minh, bạn Chi ở Nga về. 
Nhà báo Minh Quang (NLĐ) đã có lần ghé Catina thăm tôi, chẳng biết có nịnh tôi chút nào không mà anh viết bài đăng trên báo NGƯỜI LAO ĐỘNG khen phòng trà Catina xịn nhất Sài Gòn. 
Lúc còn sống Trịnh Công Sơn cũng thích Catina, ông thường ghé chơi, ngồi trầm ngâm hàng giờ viết nhạc và nhâm nhi rượu Black hoặc Wold Label. Thỉnh thoảng Tòan Nguyễn cũng ghé Catina, tôi cũng tới "Hà Nội và Tôi"  để thay đổi không khí. Thời gian đó thiệt vui, thiệt đã lỗ tai. Ngày nào tôi cũng được nghe nhạc Phú Quang, được nghe các ngôi sao như: Ngọc Tân, Quang Lý, Thanh Lam, Mỹ Hạnh, Tạ Minh tâm, xăcxophone Trần Mạnh Tuấn… Lúc đó Mỹ Tâm, Quang Dũng, Thanh Thảo, Hiền Thục, Mỹ Dung… còn non trẻ lắm, tối nào họ cũng hát ở phòng trà của chúng tôi.

                                             Catina và tôi 

 Tôi chán Sài Gòn ồn ào, ngột ngạt và ô nhiễm xuống Vũng Tàu “tu”. Tình cờ gặp lại Toàn Nguyễn ở phố biển, lại được nghe anh hát nhạc Phú Quang. Tôi đã nói rồi, cuộc đời có nhiều cái duyên mà. Ha ha ha!
 Đêm nay tôi một mình cô đơn trong căn phòng trống vắng. Để cảm nhận được mùa Đông đang về Hà Nội với Phú Quang, tôi mở máy lạnh hết cỡ, trùm chăn nằm co ro. Ngoài cửa sổ tiếng gió reo vi vu, tiếng sóng biển rì rào, văng vẳng bên tai giọng Tòan Nguyễn hát nhạc Phú Quang:

          Dường như ai đi ngang cửa
          Gió mùa Đông Bắc se lạnh
          Chút lá thu vàng đã rụng
          Chiều nay cũng bó ta đi…

( Các bạn vô google truy cập TÒAN NGUYỄN để nghe anh hát nhé ).
  Hải Phạm (VT)

13 tháng 11, 2012

Hoa và Em



Hoa đẹp hữu sắc ngát hương
Nhạt hương hữu sắc hoa thường mà thôi.
Làm người cũng thế em ơi
Tâm hồn hình thức song đôi mới tòan.
                                   Phạm Hải

10 tháng 11, 2012

Khổng Minh trảm Quan Công


 Đọc tiêu đề này hẳn các bạn mê Tam Quốc sẽ bất bình, phản đối. Các bạn thần tượng Khổng Minh và Quan Công sẽ muốn trảm đầu tôi. Xin bình tĩnh mấy phút các bạn nhé, hãy nghe tôi giải thích đã. Nếu có sai tôi sẽ tạ tội sau.
 Tóm tắt câu chuyện lúc bấy giờ:
- Theo kế sách của Khổng Minh là thiên hạ sẽ chia ba theo hình chân vạc. Lưu Bị đưa quân vào chiếm lĩnh được hai Xuyên, lên ngôi Hán Trung Vương. Ông sắc phong Khổng Minh làm quân sư, sắc phong ngũ hổ tướng gồm Quan Công, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung.
 Kế sách của Khổng Minh thành công, thiên hạ được chia ba. Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, Lưu Bị được nhân hòa. Thế lực khá cân bằng, thậm chí Lưu Bị mạnh hơn một chút rồi đến Tào Tháo. Nếu Khổng Minh có chiến lược, sách lược đúng và hợp lý thì Lưu Bị đã có cơ hội thống nhất thiên hạ.
 Cũng như mọi người, tôi rất phục Khổng Minh là thiên tài mưu lược. Nhưng “chữ tài cùng với chữ tai một vần”. Đúng lúc này Khổng Minh lại có một quyết sách sai lầm về chiến lược, ông lệnh cho Quan Công xuất quân đi đánh Phàm Thành (Tào Tháo cùng Tôn Quyền liên minh đánh Kinh Châu, Khổng Minh muốn ra tay đánh trước- Chương 73).
 Nói về Quan Công lúc đó đang trấn thủ Kinh Châu- một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của Lưu Bị. Kinh Châu có thể làm bàn đạp để tiến quân vào Trung Nguyên diệt Tào Tháo, tiến quân về Giang Nam hạ Tôn Quyền. Cả Tào Tháo và Tôn Quyền đều muốn chiếm lĩnh Kinh Châu, đặc biệt là Tôn Quyền vì Kinh Châu là của Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn nhưng Lưu Bị  không muốn trả lại.
 Với tài mưu lược, bản lãnh võ nghệ xuất chúng và binh lực trong tay thì Quan Công có khả năng giữ vững Kinh Châu. Bất chấp hoặc Tào Tháo, hoặc Tôn Quyền đích thân mang quân đến đánh.
 Quan công mê chiến trận nên nhận được lệnh liền dẫn đại quân tiến đánh Phàm Thành. Ông cũng để lại một đạo quân và có kế hoạch giữ Kinh Châu. Quan Công đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng như đánh bại Tào Nhân, vây Phàm Thành, bắt sống đại tướng của Tào Tháo là Vu Cấn, chém đầu tướng tiên phong Bàng Đức. Tuy nhiên với thực lực của Quan Công thì có chiếm được Phàm Thành cũng không giữ được vì Tào Tháo sẽ cho quân phản kích.
 Vắng Quan Công nên Tôn Quyền sai đại tướng Lã Mông đem đại quân đánh chiếm được Kinh Châu. Nghe tin Kinh Châu thất thủ, Quan Công vội rút quân về ứng cứu và bị rơi vào ổ phục kích của Lã Mông. Quan Công bị bắt sống. Ông không đầu hàng nên bị Tôn quyền hạ lệnh chém đầu dâng cho tào Tháo nhằm đổ tội cho họ Tào. (thực ra chiếm Kinh Châu và đánh bại Quan Công là do mưu kế của Lục Tốn- một tướng trẻ còn vô danh của Đông Ngô ).
 Sau khi Kinh Châu bị thất thủ thì vị thế của Lưu Bị bắt đầu suy yếu.
 Vậy ai là người đã làm cho Quan Công phải chết?
 Lục Tốn lập mưu, Lã Mông chỉ huy quân đánh bắt, Tôn Quyền hạ lệnh chém đầu. Tất nhiên trực tiếp trảm là đao phủ rồi.
 Xét cho cùng Kinh Châu thất thủ, Quan Công bị giết là do chiến lược sai lầm của Khổng Minh. Nếu Quan Công không đi đánh Phàm Thành thì Kinh Châu đã không thất thủ, Quan Công đã không chết, Lưu Bị đã có cơ hội thống nhất thiên hạ lập lại đế chế Hán Triều.
 Vậy tôi nói chính Khổng Minh đã ( gián tiếp) trảm Quan Công có sai chăng?
       Phạm Hải