(Ảnh minh họa)
Nhiều ông chồng
Việt rất tự hào vì có vợ đi XKLĐ làm osin, hàng tháng gửi tiền về. Nhiều ông có
tiền thì bỏ việc, cho thuê ruộng, rượu chè, cờ bạc, chơi gái… khinh những người
bạn phải ra ruộng cày cấy với vợ.
Nên biết: Rất
nhiều phụ nữ VN sang TQ, HQ, ĐL làm nô lệ tình dục dưới mác XKLĐ. Ở các làng
quê VN, được đi sang Lào, Camp… bán sức lao động là may mắn và… tự hào.
Tham khảo
bài báo: Làng không có... đàn bà
Làng của những
người đàn bà không chồng thì tôi đã nghe nhưng làng đàn ông thì chưa khi nào. Một
người bạn khẳng định: có làng đàn ông thật, cứ về Vũ Hội, Vũ Thư (Thái Bình) mà
xem…
Ông Sỹ, Phó
chủ tịch xã Vũ Hội cười hề hề: "Làng đàn ông à? Có đấy nhưng mà chỉ là tạm
thời thôi. Đàn bà đi xuất khẩu lao động hết, ở nhà cánh đàn ông phải lo mọi việc
nên người ta cứ gọi đùa thế cho vui". Ông Sỹ mở tủ lấy cuốn sổ lật lật mấy
trang rồi nói: "Sơ qua thế này nhé: ở Hiếu Thiện, cứ hai nhà thì có một
nhà có người đi xuất khẩu lao động, có những gia đình đàn bà đi xuất khẩu hết:
vợ đi xuất khẩu lao động, em gái đi xuất khẩu lao động, em dâu cũng đi nốt, ở
nhà toàn là mấy ông đàn ông". Trong độ tuổi từ 20-50, tỷ lệ đàn ông ở Hiếu
Thiện chiếm khoảng 70-80%.
Thấy tôi ngơ
ngơ ngác ngác ở đầu làng, cụ ông đi ngang qua móm mém: "Giờ này cậu tìm ai
thì phải ra đồng". Mấy đứa trẻ đang chụm đầu vào nhau hát hò rôm rả. Cậu
bé chừng 7-8 tuổi say sưa đọc bài Hạt gạo làng ta: "...giọt mồ hôi sa, những
trưa tháng sáu, nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, bố em xuống cấy".
Tôi vặn lại: "Cháu hát nhầm rồi, mẹ em xuống cấy chứ". Cậu bé hồn
nhiên: "Nhà cháu cũng như nhà các bạn ở đây, toàn bố đi cấy thôi. Bố đi cấy,
bố dạy hát, bố dạy học"... Cụ ông dừng chân, chêm vào: "Thằng bé nói
đúng đấy, người ta bảo đàn bà là cái hom, đàn bà đi cấy đi gặt... nhưng ở cái
làng này cái gì cũng ngược lại"...
Thấy lạ, tôi
móc máy ảnh ra chụp, người nông dân dưới ruộng hỉ hả xin tôi chụp cho ba bốn kiểu.
Thấy tôi cho máy vào bao, anh lại nài nỉ chụp thêm cho hai người bên cạnh mấy
kiểu nữa, tôi lảng tránh: "Thấy đàn ông nhổ mạ, đi cấy lạ nên chụp thôi,
chứ phụ nữ nhổ mạ, cấy cày là chuyện bình thường, không chụp". Ông ta la
toáng lên: "Ơ! Hai người này cũng là đàn ông mà". Lúc này hai người
dưới đồng mới dừng tay, ngẩng mặt lên, lắc lắc thân hình. Chưa tin vào mắt
mình, mấy giây sau tôi mới nhận ra họ là đàn ông thật. Mà không chỉ có ba người,
quanh tôi toàn là đàn ông tất, chỉ có điều cách ăn mặc thì rặt giống phụ nữ và
đều làm những công việc của chị em.
Người mặc
chiếc áo bảo hộ lao động màu xanh đứng gần tôi nói oang oang như để mọi người
cùng nghe: "Anh nhầm cũng phải, hai ba năm gần đây, đàn ông ở đây biến
thành đàn bà hết rồi". Nửa chèo, nửa cải lương anh ta ngâm nga: "Cấy,
cày nhổ mạ, phụng dưỡng mẹ già, dạy dỗ con cái... tất cả đều một tay này
lo". Ông bạn bên cạnh được thể hưởng ứng: "Trước đây trong ngày mùa
có tổ phụ nữ đổi công (bốn, năm người tập hợp lại, làm hết cho người này rồi
sang làm cho nhà người khác - PV), hay là chúng mình cũng lập ra tổ đàn ông đổi
công?". Cả nhóm lại cười ồ lên. Một người khác quay về phía tôi chen vào:
"Anh bảo sáng dậy từ 3h đi nhổ mạ, chở ra đồng cấy, phơi lưng dưới nắng đến
giữa trưa mới về, ăn cơm nghỉ một lúc rồi lại ra đồng, chiều về còn phải lo đủ
thứ việc. Nhiều lúc mệt thở không ra hơi nhưng vẫn phải tếu táo. Người ta nói rất
đúng, cười nhiều bọn tôi cũng thấy đỡ mệt"... Lại một câu bông đùa nữa
oang oang vang lên giữa cánh đồng: "Cấy không kịp thì mai gọi
"dì" (ý nói vợ hai - PV) nó xuống cấy". Do thiếu người cấy nên
việc thuê phụ nữ ở các thôn khác đến cấy hộ là chuyện bình thường. Chỉ có điều,
có nhiều người thuê quá nên giá cấy của các chị cho một sào Bắc Bộ đã tăng hơn
so với các năm trước khoảng 10.000 đồng.
Gần trưa,
trên đường trở về thôn tôi làm quen, bắt chuyện với mấy thanh niên ngồi nghỉ ở
quán nước gần cầu Cọi Khê. Chân vẫn nguyên bùn từ dưới ruộng lên nhưng câu chuyện
của họ lại rất thời sự, vượt xa khỏi lũy tre làng. Phát âm theo cách riêng, người
đàn ông ngồi cạnh tôi tỏ ra hứng thú: "Tớ thích Việt Nam tham gia vào tổ
chức ve-đúp-tê-o". Nghĩ là chuyện xa vời nhưng người nông dân lại tìm thấy
quyền lợi của mình ở trong câu chuyện này. Vẫn chất nông dân, ăn to nói lớn,
anh ta giải thích cho hai ông bạn ngồi cạnh một cách bài bản nhưng rất thực tế:
"Lúc đó sẽ hết độc quyền, có nhiều chỗ bán lúa giống, nhiều chỗ bán
phân... Chỗ nào rẻ thì tớ mua". Đang diễn thuyết, người anh bỗng giật lên,
khuôn mặt đen vì nắng vẫn không giấu được sự ngượng ngập trước mặt người lạ.
Sau mấy chục giây, anh nhổm người lên, móc trong lưng quần ra một cục đen đen,
đưa lên tai, dõng dạc: "A nô, vừa ở dưới ruộng lên, đang ngồi uống bia, tối
nay ông sang tôi nhé!". Anh ta xoay xoay chiếc điện thoại, phán: "Của
này bền ra phết, bà xã gửi về hơn hai năm nay rồi mà dùng vẫn tốt".
Tìm hiểu tôi
được biết, chuyện mấy anh nông dân đang cấy bỗng giật lên vì điện thoại rung
không phải là lạ ở làng này. Ông Khanh, phụ trách điện, nước của thôn cho biết:
"Hiếu Thiện có tới 60-70% gia đình có điện thoại di động. Không phải người
dân ở đây thích hợm hĩnh mà vì đường dây điện thoại ở đây đã được kéo về từ
lâu, nhưng tổng đài chỉ cho phép đấu nối được 25 máy. Nay người dân muốn mắc
cũng không được nên đành phải dùng di động".
Một làng quê
mà có tới bốn, năm điểm Internet cũng là chuyện hiếm. Rồi chuyện người nông dân
ngồi gõ bàn phím choanh choách nữa chứ. Anh Kiên, chủ cửa hàng Internet gần Ủy
ban nhân dân xã cho biết: "Ban ngày hầu hết các quán đều vắng hoe, người
dân chỉ đến đây vào buổi tối". Ngồi một lúc thì anh Thơ dẫn theo hai đứa
con đi vào, đập vai ông chủ trẻ: "Cho "chạt" (chat) tí nào, có
"cam" (webcam) nhé!". Chiếc máy vi tính được bật lên, 15 phút
sau mấy bố con anh Thơ đã khiến căn phòng trở thành cái chợ. Hai đứa trẻ tranh
nhau chiếc bàn phím, thi nhau vỗ tay khi nhìn thấy mẹ trên máy tính. Các cửa
hàng Internet khác trên trục đường 223 khách cũng bắt đầu ra vào. Trong số khách
ra vào, tôi nhận ra có một vài người mà tôi đã gặp lúc sáng trên ruộng lúa...
Trong lúc chờ
gửi thư cho vợ, anh Duyên, một người trong thôn quay sang phía tôi góp chuyện:
"Toàn đàn ông lắm khi cũng thấy kỳ. Nhiều khi gia đình có công có việc thì
toàn đực rựa ngồi tán gẫu với nhau, ngồi chán đến lúc đói bụng mới sực nhớ ra
mình phải vào bếp để làm bữa. Lúc này mới ngại nhưng nếu không vào thì chỉ có
cách nhịn đói để tán gẫu...". Tôi nói một câu ỡm ờ: "Toàn đàn ông với
nhau lại hay, buồn thì làm mấy xị rượu, tá lả ba cây không thì đi hát hò cho
vui". Chẳng phủ định mà cũng không khẳng định, anh Duyên úp úp mở mở:
"Đấy, tối ông cứ đi một vòng thì biết". Suốt từ cuối làng ra đến tận Ủy
ban nhân dân xã, dọc con đường liên xã 223 không có lấy một quán karaoke nào.
Buổi tối đường làng thật vắng vẻ, chỉ có tiếng tivi vọng ra từ các ngôi nhà.
Cánh cổng nhà nào cũng đóng im ỉm.
Ông Sỹ, Phó
chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có vẻ ngạc nhiên khi tôi đặt vấn đề về các tệ nạn cờ
bạc, mại dâm. Ông nói: "Hiếu Thiện là làng văn hóa thì làm gì có những
chuyện đó. Từ ngày được mang danh là làng đàn ông đến nay đã hai năm nhưng ở Hiếu
Thiện chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực nào". Đàn ông đến mùa thì đi gặt, cấy
cày, rỗi rãi lại đi chợ, buôn bán loanh quanh. Có lẽ đây là một trong những nét
đặc biệt của Hiếu Thiện.
Xuân Toàn
(Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét