Trang

15 tháng 11, 2017

Mông Cổ từ CNXH sang DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN trong ôn hòa

Ngày 10/12/1989, 13 thanh niên tuyên bố thành lập Liên hiệp Dân Chủ Mông Cổ- đảng đối lập đầu tiên với đảng cộng sản, mở ra thời kỳ DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN ở Mông Cổ.
Sau kỳ bầu cử tự do tháng 7/ 1990, Mông Cổ chuyển đổi từ chế độ XHCN sang chế độ DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN- TAM QUYỀN PHÂN LẬP, từ một nền kinh tế bao cấp sang KINH TẾ THỊ TRƯỜNG. Bình quân thu nhập đầu người ở Mông Cổ tăng từ 587 đô-la năm 1992 lên 3.686 đô-la năm 2016, gấp 6,2 lần.
Mời các bạn đọc diễn biến chuyển đổi chế độ ôn hòa ở Mông cổ:
Mông Cổ đã chuyển đổi dân chủ không một tiếng súng như thế nào?
Cuối những năm 1980, Mông Cổ đã trải qua gần 70 năm “kiên trì” trên con đường xã hội chủ nghĩa, lại nằm giữa hai đất nước cộng sản khủng lồ là Trung Quốc và Liên bang Xô viết. Ít ai nghĩ Mông Cổ sẽ có một số phận khác.
Nhưng đến năm 1990, khối xã hội chủ nghĩa bắt đầu sụp đổ, nhiều nước ở Đông Âu như Ba Lan đã mất kiên nhẫn với những người cộng sản, chế độ độc đảng và nền kinh tế chỉ huy. Họ chọn một con đường khác. Điều này ảnh hưởng lớn đến số phận của Mông Cổ.
Thêm vào đó, Mông Cổ không thể dựa vào viện trợ từ Liên Xô nữa, vì bầu sữa chung này cũng bắt đầu cạn kiệt và rơi vào khủng hoảng.
Mặt khác, nội bộ đảng cầm quyền, đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (Mongolia People’s Revolutionary Party – MPRP) bị chia rẽ. Tư tưởng cải tổ theo hướng dân chủ của Mikhail Gorbachev ở Liên Xô ảnh hưởng đến một số lượng đảng viên không nhỏ của đảng này.
Dân số Mông Cổ lúc này là khoảng 2,2 triệu người, 70% dân số dưới 35 tuổi. Hơn 50% thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Họ bắt đầu thấy khó thích nghi trong nền kinh tế bao cấp, độc quyền. Người dân bắt đầu nhận thấy nền kinh tế đi xuống trong cuộc sống hằng ngày.
Những điều này đã đưa Mông Cổ bước trên một con đường mới: dân chủ hóa.
Cuộc tuần hành đầu tiên vào ngày 10/12/1989 trước Trung tâm Văn hóa Thanh niên (Ulaanbaatar, Mông Cổ).
Thanh niên là lực lượng chính trong cách mạng dân chủ ở Mông Cổ.
Ngày 10/12/1989, đúng một tháng sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, 13 thanh niên tuyên bố thành lập Liên hiệp Dân Chủ Mông Cổ (Mongolia Democratic Union – MDU). Họ tổ chức cuộc tuần hành đầu tiên của mình với hơn 300 người tham gia.
Lãnh đạo của MDU là các thanh niên trí thức từng đi học Liên Xô và Đông Âu. Họ cũng bị tư tưởng của Mikhail Gorbachev ảnh hưởng mạnh mẽ.
13 thanh niên này bao gồm Tsakhiagiin Elbegdorj, người sau này trở thành Thủ tướng và Tổng thống của Mông Cổ, và Sanjaasurengiin Zorig, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải và bị ám sát trước khi tuyên thệ trở thành Thủ tướng của Mông Cổ năm 1998.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ “Hệ thống đa đảng”, “Pháp quyền”, “Nhân quyền” và “Tự do báo chí” ngày 10/12/1989.
MDU yêu cầu đảng cầm quyền MPRP hợp pháp hóa hệ thống đa đảng, cải tổ Quốc hội, tổ chức bầu cử trong vòng một năm, tự do hoá báo chí và nhận trách nhiệm về những hành vi đàn áp nhân quyền mà họ đã làm.
Hàng nghìn người tham gia biểu tình gần Tòa nhà Chính phủ.
Sau đó, các cuộc biểu tình ủng hộ phe đối lập diễn ra hàng tuần, có tổ chức và ngày càng đông hơn.
Khẩu hiệu của họ là “Thời cơ đã đến, hãy tỉnh dậy đi”, “Nhân dân Mông Cổ hãy leo lên lưng ngựa”, “Sự thật sẽ không được biết đến nếu nó bị che giấu”.
MDU trở thành lực lượng lãnh đạo trong các cuộc tuần hành.
Lãnh đạo của MDU Sanjaasurengiin Zorig đọc diễn văn ngày 21/01/1990.
Ngày 21/01/1990, lãnh đạo của MDU, Sanjaasurengiin Zorig (28 tuổi), đọc diễn văn trước hàng nghìn người biểu tình tại quảng trường chính. Zorig đã kêu gọi xóa bỏ đặc quyền của MPRP là “giai cấp tiên phong, lãnh đạo xã hội” trong Hiến pháp của Mông Cổ.
Các cuộc tuần hành không được cấp phép nhưng vẫn diễn ra và ngày càng đông người tham gia.
Phóng viên quốc tế bắt đầu đến Mông Cổ bằng visa du lịch để đưa tin về những cuộc tuần hành.
Đầu tháng 2/1990, sau một cuộc tuần hành của 1.400 người, tượng đài Josef Stalin bị người biểu tình giật đổ.
Ba lực lượng khác cũng được thành lập và kết hợp với MDU hình thành một liên minh, đặt tên Four Forces (Bốn Lực lượng), để lãnh đạo phong trào dân chủ, bao gồm: Phong trào Dân chủ Xã hội (Democratic Socialist Movement), Liên đoàn Tân Tiến bộ (New Progressive Union), Liên đoàn Sinh viên Mông Cổ (Mongolia Students Union).
Bốn lực lượng này kết hợp khá nhịp nhàng, luôn hướng về mục tiêu là cải cách luật pháp (legal reform).
Từ đây, cuộc cách mạng dân chủ của Mông Cổ bắt đầu.
S. Zorig phát biểu tại hội nghị lần thứ nhất của MDU yêu cầu chính phủ từ chức và giải tán Quốc hội hiện tại.
Ngày 18/02/1990, MDU tổ chức hội nghị lần đầu tiên với 611 đại biểu đến từ 16 tỉnh, thành phố của Mông Cổ. Tại đây, MDU tuyên bố thành lập đảng Dân chủ Mông Cổ (Mongolia Democratic Party – MDP).
Phát biểu tại cuộc họp, S. Zorig đã yêu cầu chính phủ từ chức, giải tán Quốc hội (People’s Great Khural) và tái bầu cử Quốc hội.
Cũng trong hội nghị này, MDU thành lập tờ báo độc lập đầu tiên của Mông Cổ, The New Mirror.
Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường gây áp lực với đảng cầm quyền.
Lúc này, Bộ Chính trị đã chuẩn bị những biện pháp đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, do nội bộ bị chia rẽ, một số đảng viên ủng hộ chuyển đổi dân chủ, mặt khác, Four Forces đã tổ chức những cuộc tuần hành trong ôn hòa, nên không có cuộc đàn áp nào xảy ra.
Ngày 04/3/1990, trong lúc Bộ Chính trị đang họp thì hơn 100.000 người đã biểu tình trước Viện Bảo tàng Lenin ở thủ đô Ulaanbaatar (dân số của thành phố này lúc đó khoảng 590.000 người). Họ yêu cầu Quốc hội sửa đổi Luật Bầu cử, chia tách quyền lực giữa đảng và nhà nước, và Bộ Chính trị phải từ chức.
Four Forces đã gửi một kiến nghị chung đến chính phủ và Quốc hội về thực hiện những yêu sách của người biểu tình.
Sau ba ngày, không một ai trả lời của kiến nghị của họ.
Ngày 07/3/1990, 10 thành viên của MDU đã tuyên bố tuyệt thực cho đến chết trước tòa nhà chính phủ nếu Bộ Chính trị không từ chức và đáp ứng những yêu cầu của người biểu tình.
Một ngày sau đó, S. Zorig và một số thành viên của MDU được mời gặp Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Cuộc họp được truyền hình trực tiếp trên truyền hình.
Ngày 09/3/1990, số người tuyệt thực đã lên đến 33 người. Tin những thanh niên tuyệt thực vì dân chủ lan rộng khắp Mông Cổ.
Bất ngờ, ngày 12/3/1990, Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng Bí thư của MPRP Jambyn Batmunkh tuyên bố ông và Bộ Chính trị sẽ từ chức. Ông hứa MPRP sẽ từ bỏ đặc quyền là “lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội” trong Hiến pháp Mông Cổ và một cuộc bầu cử Quốc hội sẽ sớm được tổ chức
Sau lời tuyên bố của J.Batmunkh, những người biểu tình dừng tuyệt thực theo đúng lời hứa của họ.
Trong Hội nghị Trung ương lần thứ VIII từ ngày 12-15/3/1990 của MPRP, toàn bộ thành viên của Bộ Chính trị đã tuyên bố từ chức và bầu lại thành viên mới. Gombojabyn Ochirbat (61 tuổi) được bầu làm Tổng Bí thư của MPRP.
Ngày 21/3/1990, Quốc hội của Mông Cổ triệu tập một phiên họp bất thường, các đảng và phong trào đối lập được mời đến quan sát. Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội J. Batmunkh và Thủ tướng D. Sodnom tuyên bố từ chức. Quốc hội bầu Chủ tịch mới là Punsalmaagiyn Ochirbat và tân Thủ tướng là Sh. Gungaadorj.
Như đã hứa với phe đối lập, Quốc hội đã xóa bỏ vai trò lãnh đạo của MPRP trong Hiến pháp, thừa nhận đa nguyên chính trị và mọi công dân tự do tham gia đảng phái và các tổ chức dân sự.
Ngày 31/3/1990, đảng Dân chủ Xã hội Mông Cổ (Mongolian Social Democratic Party – MSDP) được thành lập, chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. Nhiều đảng khác cũng được thành lập và sẵn sàng cạnh tranh với MPRP.
Đầu tháng 4/1990, đảng Dân chủ Mông Cổ (MDP) tổ chức Đại hội Đảng lần thứ Nhất. MDP kêu gọi tổng tuyển cử toàn quốc, soạn thảo tân Hiến pháp với sự tham gia của tất cả lực lượng chính trị và cho phép tự do báo chí.
Hơn 100.000 bản in của tờ Aрдчилал (Dân Chủ), một trong những tờ báo độc lập đầu tiên của Mông Cổ, đã phát hành vào ngày 07/4/1990. Nhiều tờ báo khác cũng lần lượt ra đời.
Cuối tháng 4/1990, không hài lòng trước những cải cách chậm chạp của đảng cầm quyền, phe đối lập đã tổ chức một cuộc biểu tình với khoảng 50.000 người tham gia và bao vây tòa nhà Chính phủ.
Ngoài yêu cầu về soạn thảo tân Hiến pháp và tổ chức bầu cử, phe đối lập còn buộc MPRP phải từ bỏ những đặc quyền của mình về sử dụng ngân sách quốc gia, truyền thông và kiểm soát bộ máy của chính phủ, bao gồm cả quân đội và công an.
Tình hình căng thẳng đến mức, Chủ tịch Quốc hội P. Ochirbat đang thăm Trung Quốc phải trở về nước ngay lập tức.
Ngày 30/4/1990, đảng MPRP đã mời các nhóm đối lập bàn về việc soạn thảo tân Hiến pháp.
Ngày 14/5/1990, Quốc hội họp và sửa đổi Hiến pháp một lần nữa về thể chế nhà nước và thông báo bầu cử Quốc hội.
Thời gian bỏ phiếu sẽ vào cuối tháng 7/1990 với nhiều đảng phái tham gia. Một cơ quan giám sát độc lập cũng được thành lập.
Quốc hội cũng sửa đổi thiết chế Chủ tịch nước thành Tổng thống, vị trí này được thành viên của Quốc hội bầu ra.
Quốc hội Mông Cổ trở thành một Quốc hội lưỡng viện: Great People’s Khural với 430 nghị sĩ và State Baga Khural với 50 nghị sĩ được bầu ra từ Great People’s Khural.
Sate Baga Khural được xem là một Quốc hội thường trực (a standing Parliament), đóng vai trò quan trọng trong việc sửa đổi các điều luật để thông qua tân Hiến pháp năm 1992.
Lúc này, mọi sự chú ý của công chúng đổ dồn về cuộc bầu cử vào cuối tháng 7/1990.
MPRP và các đảng phái đối lập bắt đầu đăng ký tham gia ứng cử với Tòa án Tối cao của Mông Cổ. Có 2.413 ứng cử viên gồm đảng viên thuộc sáu đảng phái và các ứng viên độc lập tranh cử vào 430 ghế của Quốc hội (Great People’s Khural).
Hơn 43.000 người tham gia trong 9.963 ủy ban bầu cử khắp cả nước, đảm bảo bầu cử thực sự dân chủ.
Đây là kỳ bầu cử dân chủ và tự do lần đầu tiên trong lịch sử Mông Cổ.
Thời gian vận động tranh cử chỉ kéo dài hơn một tháng.
Phe đối lập gặp nhiều khó khăn khi vận động tranh cử. Họ thiếu hụt về tài chính nên các đảng đối lập chỉ dùng chung một xe buýt để vận động tranh cử, được mua từ tiền quyên góp.
Diện tích của Mông Cổ rộng gấp năm lần Việt Nam nên vận động tranh cử là một vấn đề lớn. Các đảng đối lập vừa không có tài chính vừa không đủ thời gian nên rất khó vận động ở tất cả các đơn vị bầu cử, nhất là khu vực nông thôn.
Còn MPRP, ngoài lợi thế về tài chính, họ còn sở hữu hệ thống tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương, đồng thời lại kiểm soát báo chí nhà nước nên có nhiều thuận lợi.
Các đảng đối lập đã tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử nếu MPRP không chịu từ bỏ một số đặc quyền của họ. Cuối cùng, MPRP đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát đối với quân đội và công an.
Thời gian bỏ phiếu kéo dài một tuần, từ ngày 22 – 29/7/1990. Hơn một triệu cử tri lần đầu tiên đã bầu cho các đảng phái khác nhau, chiếm 98% tổng số cử tri.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy MPRP giành được 60% tổng số phiếu bầu, nhưng lại chiếm đến 86% số ghế của Quốc hội (343 ghế), vì họ thắng nhiều ở khu vực nông thôn.
40% số phiếu còn lại thuộc về phe đối lập và các ứng viên độc lập. Đảng Dân chủ Mông Cổ chiếm 23 ghế, đảng Quốc gia Tiến bộ Mông Cổ chiếm 7 ghế, đảng Dân chủ Xã hội Mông Cổ chiếm 4 ghế, đảng Lao động Tự do Mông Cổ chiếm 1 ghế và 51 ghế còn lại thuộc các ứng viên độc lập.
Ngày 03/9/1990, Quốc hội của Mông Cổ bắt đầu phiên họp lần thứ nhất, bầu P. Ochirbat (thuộc MPRP) làm Tổng thống đầu tiên của Mông Cổ và Gonchigdorj (đảng Dân chủ Xã hội Mông Cổ) giữ chức Phó Tổng thống.
Quốc hội bầu D. Byambasuren (thuộc MPRP) làm Thủ tướng và hai Phó Thủ tướng là Da. Ganbold (đảng Quốc gia Tiến bộ Mông Cổ) và D. Dorligjva (đảng Dân chủ Mông Cổ).
P. Ochirbat tuyên thệ nhậm chức Tổng thống theo nghi thức truyền thống của Mông Cổ, nhưng lời tuyên thệ của ông đã không còn nhắc đến chủ nghĩa cộng sản, Marx hay Lenin như truyền thống của phe cộng sản. Ông cũng tuyên bố sẽ hợp tác với phe đối lập để cải thiện tình hình của Mông Cổ.
Quốc hội tiến hành bầu ra 50 thành viên tham gia vào State Baga Khural, dựa trên tỷ lệ mà đảng đó đại diện trong Quốc hội. Theo đó, MPRP có 31 thành viên, đảng Dân chủ Mông Cổ có 13 thành viên, sáu thành viên chia đều cho đảng Quốc gia Tiến bộ Mông Cổ và đảng Dân chủ Xã hội Mông Cổ.
Nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của State Baga Khural là soạn thảo và thông qua một Hiến pháp mới, giúp nền dân chủ của Mông Cổ thành hình và đứng vững trong tương lai.
Ngày 13/01/1992, trong một kỳ họp kéo dài 70 ngày, Quốc hội Mông Cổ đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Từ đây, một nhà nước đa nguyên được hình thành, nơi quyền con người được đảm bảo và quyền lực nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ. Mông Cổ từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa đã kéo dài hơn 70 năm.
Kể từ đó, Mông Cổ rũ bỏ hình ảnh một nước độc tài toàn trị, vươn lên trở thành một trong những nước tự do nhất châu Á, sánh cùng các nước tự do khác như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ (màu xanh). Trong khi đó, Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác ở châu Á được xếp vào nhóm các nước không tự do (màu tím) hoặc tự do một phần (màu vàng), theo báo cáo Tự do trên thế giới năm 2017 của Freedom House.
Sau kỳ bầu cử năm 1990, Mông Cổ chuyển đổi từ một nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường nhiều thành phần. Bình quân thu nhập đầu người ở Mông Cổ tăng từ 587 đô-la năm 1992 lên 3.686 đô-la năm 2016, gấp 6,2 lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét