Trang

17 tháng 4, 2014

Đàm phán Geneva về Ukraine đã đạt được kết quả


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa cho biết, các bên tham gia đàm phán Geneva bao gồm Moscow, Washington, Kiev và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng ở Ukraine.

Theo tuyên bố về chi tiết thoả thuận của 4 bên được đưa ra sau các cuộc đàm phán tại Geneva, bước đi cụ thể đầu tiên để giảm căng thẳng và khôi phục an ninh tại Ukraine bao gồm tất cả các bên phải kiềm chế mọi hành vi bạo lực đe dọa hoặc hành động khiêu khích. 

Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Nga, Mỹ, EU đã mạnh mẽ kêu gọi tất cả các bên ở Ukraine kiềm chế bạo lực.

Đại diện 4 bên
Đại diện 4 bên bao gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ukraine trong cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine tại Geneva hôm qua (17.5).

Ngoài ra, tất cả các "nhóm vũ trang bất hợp pháp" phải được giải giáp và tất cả các "tòa nhà bị chiếm đóng bất hợp pháp" phải được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Tất cả đường phố, quảng trường, khu vực công cộng trong các thành phố ở Ukraine bị "chiếm đóng bất hợp pháp” phải được giải phóng.

Tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà, các công trình công cộng khác và giao nộp vũ khí, trừ những người phạm tội nghiêm trọng sẽ được hưởng lệnh ân xá.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ chính quyền Ukraine và các cộng đồng địa phương thực thi các biện pháp giảm căng thẳng ở các khu vực cần thiết nhất ngay trong những ngày tới. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cam kết, Nga sẽ hỗ trợ sứ mệnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Ukraine theo hướng đối thoại. Mỹ, EU cũng sẽ ủng hộ OSCE, bao gồm cả việc cử các quan sát viên.

Chưa hết, các bên tham gia đàm phán Geneva đều nhấn mạnh, tiến trình cải cách hiến pháp đã được công bố của Ukraine phải đảm bảo được thực thi một cách toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm bao gồm việc nhanh chóng tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi (bao gồm tất các các vùng miền, các nhóm chính trị ở Ukraine). Đồng thời, quá trình này cũng sẽ thời cho phép mọi công dân đưa ra ý kiến và đề xuất sửa đổi (Hiến pháp) công khai.

Cuối cùng, tất cả các bên tham gia đàm phán Geneva còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định tình hình kinh tế và tài chính ở Ukraine. 

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thực thi các bước đi cụ thể chứ không phải chỉ là nói suông. Những bước đi cụ thể có thể ngay lập tức xoa dịu tình hình”.

Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh tính cấp bách của việc thực thi thỏa thuận: “Điều quan trọng nhất là OSCE cần hành động ngay lập tức, để giảm leo thang tình hình tại Đông Ukraine”.

Bộ Giáo dục đừng biến thành nhà thầu

BTTD: Bài viết hay và đúng. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên đi học thêm QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC vì để quản lý một Bộ thì mớ kiến thức "GD-ĐT" vẫn chưa đủ. Càng "dạy thêm" thì nền giáo dục VN càng tụt hậu thảm hại.

 - Bộ GD-ĐT đường đường là chủ một tài khoản – tương đương với 20% tổng ngân quỹ - lẽ ra phải đứng ra tổ chức “thầu” (có quyền “hạch sách” để chọn nhà thầu và nghiệm thu kết quả) thì nay lại tự đứng ra “bảo vệ đề án” (!) - nghĩa là, tự biến mình thành nhà thầu, tự bảo vệ mình trước Quốc hội, Chính phủ và trước dư luận… để cố giành được số tiền 34 ngàn tỷ… trong chính cái tài khoản của mình (!).
Có trái khoáy không?
Thế nào là quản lý nhà nước?
đề án, sách giáo khoa, đổi mới, 34 nghìn tỷ, Bộ GD-ĐT

Đừng đóng vai xin tiền
Bộ GD-ĐT đã trình lên Thường vụ Quốc hội một “đề án xin tiền”: trên 34.000 tỷ đồng để “đổi mới chương trình và sách giáo khoa”. Số tiền quá lớn, bị nhiều ý kiến phản đối… một vị có trách nhiệm giãi bày rằng… đây mới chỉ là việc “bảo vệ thử một luận án” - ý nói sẵn sàng nghe phản biện và sẽ giải trình, bổ khuyết.
Tất nhiên, không ai “thử” bảo vệ luận án để… thua, mà là để thắng khi bảo vệ “thật”.
Riêng tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần thôi hẳn chuyện tự “bảo vệ luận án”, mà phải là người chấm và hô hào dư luận cùng chấm cái “luận án” 34 ngàn tỷ này.
Chính vì quyết giữ vai trò “bảo vệ luận án” cho nên (ngay tức khắc), một vị lãnh đạo bộ này đã họp báo giải thích sự hợp lý của các khoản chi phí – và không quên nhấn mạnh đã tiết kiệm tối đa (ví dụ, khoản viết sách giáo khoa chỉ tốn trên 100 tỷ đồng mà thôi).
Khốn nỗi, nếu được thuê, được thầu, thì “người ngoài đề án” chỉ cần xin 34 tỷ (tức 1/3) cũng quá đủ. Người ta có cảm giác Bộ GD - ĐT từ vài chục năm nay vẫn muốn “ôm” lấy việc tự viết sách. Không lạ, nếu có người cho rằng "sẽ thiếu minh bạch nếu Bộ GD-ĐT giữ quyền làm sách".
Cứ cho là khoản tiền khổng lồ 34 ngàn tỷ được duyệt, thì nội dung đề án, trong đó phần Mục Tiêu chưa thật trúng, cũng khiến có người nhấn mạnh rằng với giáo dục, không phải có tiền là có kết quả.
Đúng vậy đấy. Quá khứ vẫn hiện ra nhãn tiền kia.
Bộ GD-ĐT hãy giữ vị trí của người có tiền và biết chi tiền
Giáo dục nước ta được chi hàng năm tới 20% tổng ngân sách. Đây là tỷ lệ rất lớn, so với bất cứ nước nào. Nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, do vậy đưa đến 2 hệ quả phải xử lý:
- Bộ GD-ĐT cần trở thành chủ tài khoản, trong tay thật sự có tiền
Con số 20% ngân sách (dự kiến mỗi năm) rất có thể bị cắt giảm (như đã từng xảy ra). Muốn biến dự kiến thành hiện thực, muốn thật sự làm chủ số tiền này, Bộ GD-ĐT phải giải trình với Chính phủ, Quốc hội, sao cho thuyết phục để mỗi năm được giải ngân trọn số tiền dự kiến – nghĩa là được cấp đủ. Chớ có xông vào việc tự lập dự án (tự xin tiền, tự chi tiêu), mà hãy trở thành người gọi thầu và chọn thầu. Chọn được nhà thầu tốt nhất sẽ là cách thuyết phục Nhà Nước cấp đủ tỷ lệ 20% dự kiến – với sự hậu thuẫn của dư luận.
Muốn vậy, dứt khoát phải chứng minh được sự tiết kiệm, thể hiện bằng những hiệu quả (đong đếm được) trong ngắn hạn, tức là trong mỗi bước của lộ trình. Chớ hứa hẹn những thu hoạch “khổng lồ” nhưng bắt mọi người phải chờ sau 5 năm, 10 năm (và lâu hơn nữa) – như đề án 34 ngàn tỷ.
Chính cái đề án tự biên, tự tạo này đã biến Bộ GD-ĐT lẽ ra phải là người có quyền quy trách nhiệm các nhà thầu lại trở thành người sẽ bị cấp trên và dư luận truy trách nhiệm.
Bộ GD-ĐT phải tự chứng minh là “người nghèo biết cách chi tiền”
Tỷ lệ 20% tuy lớn, nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, số học sinh chiếm tới 1/5 dân số (đưa đến khoản lương không nhỏ cho hàng triệu thầy cô); do vậy số tiền mặt được thực chi cho mỗi đầu học sinh là rất thấp.
Bởi vậy, nhất thiết trong hành xử, Bộ GD-ĐT cần chi tiền theo cách của người nghèo. Mà phải là người nghèo có chí làm giàu.
Ngôi nhà mang tên Giáo Dục đã rệu rã, cần sửa, cần cơi nới, hay cần làm mới?. Người giàu thì “phá đi, làm lại”; nhưng người nghèo thì “dỡ ra, làm lại”. Hàng mấy trăm triệu cuốn sách giáo khoa (đã in) sao nỡ vứt bỏ cái “toạch” như dự định?
Trong nhiều dự án do “người ngoài” đề nghị (họ muốn kiếm tiền) – sẽ không thiếu những dự án 34 ngàn tỷ - chủ nhà cần chọn đề án nào thực tế nhất, lại phù hợp số tiền trong tay; đồng thời phù hợp với sự phát triển tiếp theo của ngôi nhà.
Thế thì… cái đề án hoành tráng cỡ 34 ngàn tỷ - lại không phải do “người ngoài” đề nghị - rõ ràng là không phù hợp với cách chi tiền của người nghèo. Liệu tác giả đề án có khi nào tự ý thức được mình nghèo? Một ví dụ khác. Khi thấy rằng thu nhập đầu người ở Việt Nam còn lâu mới đạt 5000 USD, nhiều vị đã đề nghị chương trình phổ thông chỉ cần 10 hoặc 11 năm – ít nhất trong thế hệ hiện nay. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn khư khư giữ 12 năm, bất cần lời giải thích nào, cứ như người nghèo mà quen hành xử kiểu đại gia (!).
TIN BÀI LIÊN QUAN:
  • GS Nguyễn Ngọc Lanh

Chỉ có ở VN: Tập đoàn thế giới 'cò cử'... quan huyện

BTTD: Bài viết hay và thực tế. TPP không phải là vườn cây ăn trái để người Việt có thể dạo chơi và hái quả. Đó là mảnh đất màu mỡ có cả trâu bò, hưu nai và hổ  báo, phải biết canh tác và gìn giữ thì mới có những vụ mùa bội thu, hoặc sẽ bị trâu bò tàn phá, hổ báo xâm hại.

Tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.
Vấn đề tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với Việt Nam: cơ hội và thách thức là vấn đề lớn, mới mẻ.
Rõ ràng, kinh tế toàn cầu hóa đang lan chảy một cách mau lẹ và đang kết nối gần như tất cả các nền kinh tế trên thế giới lại với nhau dưới những chiếc gậy thần của các Tập đoàn xuyên quốc gia.
Tổ chức thương mại thế giới WTO ra đời ngày 1/1/1995, nay đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của nó là phá nát và dọn sạch những hàng rào bảo hộ, tạo ra một sân chơi thoáng cho nền kinh tế thế giới. Làm xong sứ mệnh đó, WTO đang trở thành một câu lạc bộ có thành phần quá đa dạng và phức tạp, không thể tìm được sự thống nhất để thiết kế một khung pháp lý mới rộng hơn, sâu hơn cho nền kinh tế toàn cầu hóa. Vòng đàm phán Doha dậm chân tại chỗ, coi như bế tắc.
Trong hoàn cảnh đó người ta phải phá rào, tách ra đi tìm những chỗ chơi thông thoáng, tự do hơn và từ đó các Hiệp định mậu dịch tự do FTA, song phương và khu vực được cổ vũ.
TPP, hội nhập, Nguyễn Đình Lương, kinh tế, đàm phán, FTA,  WTO, tập đoàn quốc tế, tự do thương mại, kinh tế thị trường, thượng tôn pháp luật
Ảnh minh họa
Chỉ người... giàu bàn chuyện hội nhập
Các FTA đang được cổ vũ ở đâu?
Người châu Phi da đen chưa muốn nghe chữ FTA, họ đang bận lo cơm áo hàng ngày, những người nói tiếng Ả rập chưa có thì giờ bàn chuyện FTA, họ đang mắc kẹt trong những câu chuyện về "Mùa xuân Ả-rập". Hăng hái bàn FTA chủ yếu ở khu vực người giàu, muốn giàu nhanh, đặc biệt ở Bắc Mỹ rồi đến châu Âu, châu Á.
FTA có những loại nào?
FTA có những dạng khác nhau, mức độ và phạm vi cam kết khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển và ý đồ chiến lược của các nước tham gia. Hiện tại đã có một số loại sau.
Loại FTA có mức độ cam kết thấp hơn, phạm vi hẹp hơn như các FTA mà ASEAN ký với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v... Ở đây người ta tập trung chủ yếu là giảm bỏ thuế XNK mở cửa thị trường cho hàng hóa tự do lưu thông, các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ, Sở hữu trí tuệ, v.v... phạm vi cam kết hoặc rất hạn chế hoặc chung chung ít ràng buộc.
Loại FTA cam kết ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn, bền vững hơn, đó chủ yếu là các FTA song phương mà Hoa Kỳ đã ký với các nước, Canada, Austraylia, Singapore, Chi Lê, Hàn Quốc. Ở đây cam kết rất rộng, rất sâu, cả thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, có cả cam kết doanh nghiệp quốc doanh và môi trường, lao động. Đây có thể coi là FTA thế hệ mới.
Nếu đàm phán kết thúc, có lẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là dạng FTA mới nhất, hiện đại nhất, có mức độ cam kết sâu rộng nhất, có những quy định chặt chẽ nhất.  TPP đang được gọi là "Hiệp định thế hệ mới"; "Hiệp định của thế kỷ 21"; là "Câu lạc bộ của những người tự do kinh tế chủ nghĩa". Nó là sân chơi của những người giàu.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất dũng cảm quyết định vào chơi ở sân chơi đẳng cấp này. Cái ước mơ "sánh vai các cường quốc năm châu" của người Việt có thể được nhen nhóm từ đây nếu chúng ta thành công trong cuộc chơi này.
Không thể đi nhặt bóng cho người khác chơi gôn
Cho đến lúc này, Việt Nam chưa tham gia FTA thế hệ mới. Mỹ chưa đàm phán FTA song phương với Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán TPP. Gia nhập TPP sẽ được coi là Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới. Do đó xin phép chủ yếu phân tích tác động của TPP vào Việt Nam.
Với kết cấu nội dung và thành phần tham gia, TPP mang đậm màu sắc địa chính trị, những tác động của nó không chỉ tăng trưởng thương mại tức thời, mà sẽ tác động lâu dài, sâu sắc, vào thể chế, vào con đường phát triển, vào đường lối chính sách của Việt Nam. Những tác động nêu sau đây là những tác động lâu dài và sẽ là cơ hội nếu chúng ta xử lý tốt, và cũng là thách thức nếu chúng ta xử lý không thành công.
Tác động thứ nhất, TPP sẽ tạo sức ép tinh thần và pháp lý để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh.
Sân chơi TPP là sân chơi của những nước có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh cao, rất cao, là những quốc gia có nền kinh tế mở, rất mở, đặc biệt là Hoa kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore... Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các nền kinh tế thế giới, các nước này luôn đứng đầu bảng.
Cuộc chơi trong TPP là cuộc chơi trên nền tảng toàn cầu hóa mà các quốc gia này là những quốc gia đã chuẩn bị đầy đủ nhất, tốt nhất, sẵn sàng nhất để khai thác các lợi thế của toàn cầu hóa.
Không có chuyện chiếc bánh lợi ích sẽ được chia đều cho tất cả những ai ngồi trên mâm toàn cầu hóa. Anh nào mạnh, anh nào giỏi sẽ giành phần hơn. Việt Nam phải có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh mới mong được phần lợi lộc. Nếu không giỏi, không mạnh anh sẽ chỉ là người đi nhặt bóng cho người ta chơi gôn. Việt Nam cũng không thể đứng mãi ở vị trí áp chót trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển chủ yếu dựa vào lao động cơ bắp.
Những quy định rất chặt chẽ trong Hiệp định TPP nói lên rằng tất cả những cái gì không phải là kinh tế thị trường, thì phải xóa bỏ bằng hết. Điều đó có nghĩa là nó sẽ tác động vào cả thể chế, cả cách điều hành kinh tế, quản lý xã hội và Việt Nam sẽ có sự thay đổi sâu sắc trong cách vận hành nền kinh tế của mình.
Thực hiện xong những cam kết trong TPP Việt Nam đàng hoàng có một nền kinh tế thị trường, không cần phải áo the khăn xếp đi lạy xin ai công nhận cho Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
TPP, hội nhập, Nguyễn Đình Lương, kinh tế, đàm phán, FTA,  WTO, tập đoàn quốc tế, tự do thương mại, kinh tế thị trường, thượng tôn pháp luật
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
Tác động thứ hai: TPP sẽ tạo điều kiện và sức ép để Việt Nam xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh.
Trong một cuộc chiến tranh, đã có bộ tham mưu giỏi, nếu không có tướng tài lính thiện chiến trên chiến trường thì cũng không có chiến thắng. Trên thương trường, chính các doanh nghiệp giỏi là những người làm nên thành công.
Kinh tế toàn cầu hóa là cuộc đua giữa các đại gia, các tập đoán xuyên quốc gia. Các tập đoàn xuyên quốc gia nắm trong tay vốn, công nghệ, sản xuất, thị trường. Họ chi phối cả thị hiếu tiêu dùng của thế giới những người tiêu dùng. Họ chi phối cả chính sách của cả quốc gia và quốc tế. Họ đang có mặt khắp mọi nơi.  Ở Việt Nam các tập đoàn xuyên quốc gia đang triển khai các dự án lớn nhất, quan trọng nhất.
Nhà nước chỉ làm chức năng kiến tạo, Nhà nước lập khuôn khổ pháp lý cho phù hợp và tạo điều kiện cho dân, cho doanh nghiệp làm giàu cho mình và cho đất nước. Đội ngũ doanh nghiệp là bộ mặt quốc gia, là sức mạnh của nền kinh tế. Không thể có nền kinh tế mạnh mà đội ngũ doanh nghiệp yếu. Kinh tế Mỹ cũng thế, kinh tế Nhật cũng thế, kinh tế Hàn Quốc cũng thế và kinh tế nước nào cũng vậy.
Việt Nam phải có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mới có hy vọng thành công trong cuộc đua toàn cầu hóa. Tất nhiên không phải là Vinashin, Vinaline, cũng không phải là các đại gia chênh lệch giá đất. Các đại gia chênh lệch giá đất không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vì ở đó không có chênh lệch giá đất nhờ luật pháp tù mù như ở Việt Nam. Có thể hình dung là bồi dưỡng những loại doanh nghiệp như Viettell, FPT để họ sớm trưởng thành và phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp mạnh hơn nữa.
Cái tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.
Những quy định chặt chẽ trong Hiệp định TPP nhắc chúng ta nhớ rằng quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài được xác định rất rõ ràng, đảm bảo cho họ đầy đủ tự do hoạt động trong một nền kinh tế tự do, lợi ích của họ được bảo hộ tuyệt đối vững chắc.
Việt Nam phải có những người giỏi để cùng người nước ngoài khai thác thị trường trong nước và đi khai thác ở các nước đối tác TPP, các nước khác như họ đang khai thác trong nước mình. Những người đó phải là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Các nghị sĩ QH sẽ phải đau đầu
Tác động thứ ba, TPP tạo cơ hội và sức ép tinh thần, sức ép pháp lý để Việt Nam củng cố một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật.  Ở đây có mấy việc phải làm song song.
Việc thứ nhất là phải hoàn thiện và  hiện đại hóa hệ thống pháp luật . Hầu hết các quốc gia trong TPP đều có hệ thống pháp luật hoàn thiện và hiện đại của một quốc gia phát triển.
TPP, hội nhập, Nguyễn Đình Lương, kinh tế, đàm phán, FTA,  WTO, tập đoàn quốc tế, tự do thương mại, kinh tế thị trường, thượng tôn pháp luật
Có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiện đại Việt Nam mới hy vọng bảo vệ được lợi ích của mình. Nếu luật pháp không hoàn chỉnh Việt Nam sẽ rơi vào thế bất lợi, và chắc chắn luôn chịu thua thiệt.
Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất hiện đại nhất. Hệ thống pháp luật của họ cũng là hành lang pháp lý vận hành nền kinh tế toàn cầu hóa, đủ mạnh để bảo vệ lợi ích nước Mỹ và công dân Mỹ ở bất cứ nơi nào, đủ mạnh để bảo vệ cho doanh nghiệp Mỹ làm giàu trên đất Mỹ và bất cứ nơi nào trên thế giới. Hoa Kỳ đang cố gắng để từng bước quốc tế hóa hệ thống luật Mỹ, trước đây thông qua WTO nay thông qua các FTA, TPP.
ĐBQH Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2005 đã phải vô cùng vất vả đánh vật với cuộc cải tạo, sửa đổi hệ thống luật, từ kinh tế bao cấp độc quyền sang kinh tế thị trường, không phân biệt đối xử theo những cam kết trong Hiệp định thương mại (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ và để chuẩn bị gia nhập WTO.
Rồi đây các nghị sĩ có thể sẽ đau đầu khi luật hóa những khái niệm mới, những tiêu chuẩn mới chưa hề gặp phải mà Hoa Kỳ đang gò vào TPP. Âu đây cũng là cơ hội để ta hiện đại hóa luật pháp của ta cho thích ứng với kinh tế toàn cầu hóa.
Việc thứ hai, củng cố các tổ chức hỗ trợ tư pháp làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong hội nhập: Xây dựng một hệ thống tư pháp mạnh; Xây dựng một hệ thống trọng tài mạnh; Xây dựng hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp mạnh (Hội Luật gia, Công chứng, Giám định);  Xây dựng một hệ thống thông tin pháp luật tốt;  Đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi, hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn pháp luật giỏi (các vụ kiện quốc tế, cho đến nay Việt Nam toàn đi thuê tư vấn nước ngoài).
Nếu không có một hệ thống hỗ trợ tư pháp mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể trụ đứng được trong cuộc chơi toàn cầu, ngay chính trên đất nước mình.
Việc thứ ba, phải xây dựng bằng được "Văn hóa sống và làm việc theo pháp luật". Người dân phải biết luật, sống theo pháp luật phải biết tôn trọng pháp luật, phải biết sợ khi làm trái luật, có ý thức tránh những việc làm trái luật.
Doanh nghiệp kinh doanh phải theo đúng luật, biết sợ biết tránh làm trái luật, phải biết loại ra khỏi đầu ý nghĩ, lòng ham muốn lách luật, trốn thuế để trục lợi. Công chức cơ quan Nhà nước phải nắm luật để hướng dẫn thi hành, phải đôn đốc kiểm tra, thường xuyên kiểm tra. Ở đâu sai người phụ trách việc đó phải xuống tận nơi xử lý (không thể lúc nào cũng lập hết ủy ban này, ủy ban nọ, đoàn kiểm tra lớn, đoàn kểm tra bé. Thế giới không làm vậy).
Cơ quan tòa án chiểu theo luật mà xử, xử đúng luật đúng người, đúng tội; không phải chờ ý kiến chỉ đạo của ông này, bà kia. Không xử oan sai, nhiều hơn xử đúng. Không xử như tòa án Tuy Hòa, Phú Yên vừa qua.
Sống và làm việc theo pháp luật là thứ văn hóa phổ cập ở khắp nơi, không có lý do gì để Việt Nam làm khác.

Vụ ACB: bầu Kiên 'sẽ phản công'?

BTTD: Bầu Kiên có dám tiết lộ những bí mật của "nhóm lợi ích"?  Những ai đang "ăn không ngon, ngủ không yên" khi theo dõi phiên tòa?

Liệu có xảy ra kịch bản "Dương Chí Dũng- Phạm Quý Ngọ" 2?


Cập nhật: 16:06 GMT - thứ tư, 16 tháng 4, 2014
Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)
Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) trình tòa gần 2 năm sau khi bị bắt.
Hai năm có thể là khoảng thời gian đủ dài để bị cáo chính trong 'đại án' ở Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên, tức Bầu Kiên, phản công và những người muốn thấy ông Kiên và những ai đứng sau lưng ông bị 'suy giảm uy tín' hoặc 'trừng phạt' có thể không còn 'nắm đằng chuôi.'
Bình luận từ Sài Gòn về diễn biến vụ xử sơ thẩm ông Bầu Kiên bị hoãn lại cùng ngày phiên tòa được khai mạc hôm 16/4/2014, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nói với BBC:
"Theo tôi thấy từ năm 2009, 2010 trở về trước, những vụ hoãn xử như thế này không có nhiều và nó cũng không liên đới nhiều lắm tới những động thái, cơ mưu, những tính toán chính trị,
"Nhưng đặc biệt từ năm 2011, khi thành lập tân chính phủ cho đến giờ, động thái hoãn xử dường như có tính toán tới một số cái ảnh hưởng tới đối nội và thậm chí là đối ngoại."
"Chắc chắn vụ bầu Kiên liên quan khá nhiều quan chức và chắc chắn cũng có những đường dây đi đêm với một số ngân hàng và dắt dây thêm một số chính khách nào đó mà người ta không tiện nêu tên ra mà thôi"
TS Phạm Chí Dũng
Theo nhà quan sát này, ông Bầu Kiên là người có một tầm ảnh hưởng và quyền lực ngầm rất mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên, việc ông 'chịu im lặng' trong thời gian dài là 'bất thường' và cũng có thể việc hoãn xử hôm thứ Tư là một động thái 'phản công nhẹ' của ông.
TS Dũng nói: "Trước kia Bầu Kiên rất tự tin, Bầu Kiên chưa bao giờ nghĩ là mình bị bắt, còn một thời gian khi bị đưa vào trại giam thì Bầu Kiên lắng tiếng hẳn và dường như có một áp lực nào đó bắt Bầu Kiên phải im lặng, đó là một sự lạ đời,
"Tôi cho rằng Bầu Kiên không thiếu gì bạn bè và các luật sư, bạn bè thân hữu và các luật sư để bảo vệ và có thể đưa ra những phản tố, nhưng mà tại sao lại im lặng cho tới giờ này và tới giờ này chỉ lấy lý do là ông Trần Xuân Giá, là quan chức Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư 'bị bệnh' và ngừng phiên tòa, tôi cho đó là một lý do khá nhẹ nhàng và nếu gọi là sự phản công của Bầu Kiên thì cũng khá nhẹ nhàng."
Theo ông Dũng, vụ án ông Bầu Kiên chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, ông đưa ra lý do:
"Chắc chắn vụ bầu Kiên liên quan khá nhiều quan chức và chắc chắn cũng có những đường dây đi đêm với một số ngân hàng và dắt dây thêm một số chính khách nào đó mà người ta không tiện nêu tên ra mà thôi."

'Ông Trần Xuân Giá vô tội?'

Ông Trần Xuân Giá
Ông Trần Xuân Giá lúc 'còn khỏe' trong một lần xuất hiện ở Viện Kiểm sát.
Hôm thứ Tư, từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng vụ án ông Bầu Kiên đã bị kéo dài bất thường, tính từ thời điểm ông bị bắt và nay đưa ra xét xử.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trực thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói:
"Đây là một vụ án hết sức phức tạp và kéo dài một cách không bình thường, và các luật sư đã đề nghị là phải hoãn vụ án, trước khi nó bắt đầu, và ông Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá đều nhiều lần khẳng định một cách rất mạnh mẽ là họ vô tội,
"Và tôi không biết phiên tòa này sẽ được tiếp tục như thế nào và có hoãn lại sau khi phúc thẩm xử vụ Huyền Như và Vietinbank hay không, đấy là các tình tiết mà phải theo dõi tiếp."
Trước câu hỏi các bị cáo trong vụ án ACB có vô tội hay là không, TS Doanh cho rằng cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá không có tội.
Ông nói: "Tôi không nghiên cứu kỹ trường hợp của ông Bầu Kiên, nhưng tôi có xem xét trường hợp hồ sơ của ông Trần Xuân Giá và tôi đồng ý rằng ông Trần Xuân Giá vô tội.
"Tôi không nghiên cứu kỹ trường hợp của ông Bầu Kiên, nhưng tôi có xem xét trường hợp hồ sơ của ông Trần Xuân Giá và tôi đồng ý rằng ông Trần Xuân Giá vô tội"
TS Lê Đăng Doanh
"Vì ông ấy quyết định gửi tiền đến ngân hàng Vietinbank khi đó chưa có quyết định cấm việc gửi tiền như thế, cho nên bây giờ áp dụng một điều được công bố sau đó một năm để kết tội những người đã thực hiện những điều đó trước một năm, theo tôi là điều hết sức không bình thường."
Hôm 16/4, Hội đồng Xét xử vụ án Bầu Kiên đã đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội hoãn phiên tòa vì lý do cựu Bộ trưởng không đủ sức khỏe để hầu tòa.
Khi được so sánh quyết định này với một phiên tòa trước đây ở Đà Nẵng, Tòa án đã đưa một bị cáo, Tướng Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công an Thành phố ra tòa trong tình trạng phải nằm trên cáng, với các thiết bị chăm sóc tích cực, Tiến sỹ Doanh nói:
"Trong trường hợp ông Trần Văn Thanh tôi không biết rằng đã có sự giám định của cơ quan y tế hay chưa, và đã có kết luận của cơ quan công an hay chưa, trong trường hợp của ông Trần Xuân Giá, đã có kết luận của cơ quan y tế và bên điều tra đã đến gặp cơ quan y tế, cho nên đã có kết luận và phiên tòa đã chấp nhận."
Trước câu hỏi, các phiên tòa kéo quá dài và 'xử đi, xét lại' quá nhiều có gây ra hiệu ứng gì cho xã hội hay không, ông Doanh nói:
"Theo tôi việc tôn trọng pháp luật và điều phải xử đi, xử lại thế này là một điều đáng mừng, chứ còn nếu như họ cố ý họ xử theo sự chỉ đạo như một án bỏ túi thì đấy lại còn tiêu cực hơn nữa."

'Phải đợi vụ Huyền Như'

Bà Huỳnh Thị Huyền Như
Có dư luận cho rằng bà Huỳnh Thị Huyền Như đã 'gánh tội' cho Vietinbank trong một vụ án có liên quan ACB.
Hôm thứ Tư, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với BBC một phiên tòa có thể có nhiều lý do để 'hoãn xử' và trong vụ Bầu Kiên, bên cạnh lý do sức khỏe của ông Trần Xuân Giá, kết quả phúc thẩm vụ 'lừa đảo' của bà Huỳnh Thị Huyền Như ở và liên quan ngân hàng Vietinbank, một 'mắt xích' liên quan tới vụ án ACB, có thể là một lý do khác.
Ông Chênh nói: "Lý do không xử và hoãn lại cũng nhiều yếu tố, và phiên tòa muốn hoãn lại cũng dễ lắm, kể cả Chủ tọa phiên Tòa nói người ta (ốm) đau thì hoãn cũng được rồi, thì như ông Kiên, ông Giá ông nói ông đau thì người ta hoãn lại thôi,
"Vụ ACB nó dính với vụ Huyền Như, vì ACB mang tiền sang gửi cho Vietinbank mà sau đó 'bị Huyền Như rút đi', cho nên có sự liên quan, nhưng có một điều tôi rất ngạc nhiên là trong vụ Huyền Như, rồi có 4.000 tỷ đồng mà nói là Huyền Như 'lừa đảo', thì số tiền đó đi đâu, không thấy người ta truy cứu, cái tiền đó dùng vào đâu là nghi vấn lớn... và vụ Huyền Như lại có liên quan tới vụ ACB."
Hôm 16/4, blogger Osin Huy Đức trên trang Facebook của mình đưa ra một thông tin đặt dấu hỏi về việc có khả năng một số lãnh đạo các tờ báo ở Việt Nam đã được ngân hàng Vietinbank 'mời' ra nước ngoài.
Nhà báo Huy Đức viết: "Trước phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như hàng chục tổng biên tập, phó tổng biên tập các báo được Vietinbank mời đi châu Âu. Một nguồn tin vừa xác nhận đây là chuyện có thật.
"Trước phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như hàng chục tổng biên tập, phó tổng biên tập các báo được Vietinbank mời đi châu Âu. Một nguồn tin vừa xác nhận đây là chuyện có thật. "
Blogger Osin Huy Đức trên FB
"Các Tổng Biên tập Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Thanh Niên đã từ chối chuyến đi. Một số TBT khác nghe nói đang xấu hổ vì lúc đầu họ tưởng là Ngân hàng Nhà nước mời (NHNN mời nhưng bằng tiền của Vietinbank). Quốc hội nên chất vấn Thống đốc xem có phải NHNN mời và bằng tiền của ai. Nếu Ngân hàng Nhà nước đứng sau vụ này thì các ngân hàng nạn nhân của Vietinbank không lẽ ngồi im?"
Nghi vấn này cũng đã được một Blogger trong nước là Bùi Văn Bồng nêu lên cùng hôm thứ Tư, bình luận về khả năng thực hư và động cơ, nếu có sự việc này, của Vietinbank, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói:
"Tôi cho rằng Vietinbank là một "địa chỉ đỏ" cần phải chú ý, tại vì đây là một ngân hàng được coi là thần thế, nhưng mà cũng là ngân hàng để xảy ra vụ Huỳnh Thị Huyền Như 'để thất thoát' bốn nghìn tỷ đồng, như vậy vấn đề ở Vietinbank là rất không bình thường,
"Tôi cho rằng báo chí nếu không cẩn thận, những người được Vietinbank mời và chấp nhận lời mời đi nước ngoài của Vietinbank, sau đó họ sẽ phải im lặng, một sự im lặng được trả giá và phải trả giá, và sau đó họ có thể nhúng chàm cùng với Vietinbank nếu như Vietinbank trở thành một vụ án ngân hàng trong tương lai, thậm chí là còn lớn hơn cả vụ Ngân hàng ACB nữa."

'Không còn hiệu nghiệm, linh ứng'

Phiên tòa xét xử Bầu Kiên
Cán bộ Hội đồng xét xử ra về sau khi vụ Bầu Kiên được hoãn xử.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cùng ngày nói với BBC hai vụ án không chỉ có sự liên quan tới nhau mà còn hết sức phức tạp và riêng với vụ Bầu Kiên, khó có thể chắc chắn biết được ngay sự thực và do đó sẽ phải chờ đợi thêm.
Ông Doanh nói:
"Hai vụ án Huyền Như và Bầu Kiên là hết sức phức tạp và các luật sư đã lên tiếng rất mạnh mẽ và họ có những ý kiến rất khác đối với kết luận của phiên tòa, và tôi nghĩ rằng việc hoãn phiên tòa của Bầu Kiên và việc xem xét phúc thẩm phiên tòa của Huyền Như cho thấy rằng diễn biến là không dễ dàng."
Trước câu hỏi, liệu trong vụ án ACB, ông Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá và một số bị cáo khác đang là 'nạn nhân' của một cuộc xung đột quyền lực nào đó giữa các phe cánh đang tranh giành ảnh hưởng trong Đảng và trong chính quyền ở Việt Nam hay không, Tiến sỹ Doanh nói:
"Nhưng tôi cũng được nghe rằng từ sau khi Thứ trưởng (Công an) Phạm Quý Ngọ tạ thế, thì nếu có một sự tranh chấp của một nhóm phái nào đó, đối với phe lợi ích, thì sự tranh chấp đó không còn hiệu nghiệm, linh ứng như trước đây nữa, mà mọi sự đã gần như kết thúc sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ"
TS. Phạm Chí Dũng
"Trong dư luận đang có những ý kiến khác nhau về những vụ án như thế này, điều đấy thì có lẽ sẽ phải chờ thời gian, và lịch sử sẽ có trả lời cuối cùng."
Còn Tiến sỹ Phạm Chí Dũng thì nói:
"Tôi được biết rằng vấn đề của Bầu Kiên là rất nhạy cảm và liên quan mật thiết tới lãnh vực chính trị và có thể không loại trừ là có thể xảy ra một sự tranh giành về mặt chính trị nào đó giữa các nhóm, giữa các phe pháí với nhau,
"Nhưng tôi cũng được nghe rằng từ sau khi Thứ trưởng (Công an) Phạm Quý Ngọ tạ thế, thì nếu có một sự tranh chấp của một nhóm phái nào đó, đối với phe lợi ích, thì sự tranh chấp đó không còn hiệu nghiệm, linh ứng như trước đây nữa, mà mọi sự đã gần như kết thúc sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ,
"Cho nên vấn đề của Bầu Kiên theo đánh giá của dư luận hiện nay không phải là quá lớn và sẽ không ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi của phe lợi ích trong thời gian tới."