Trang

25 tháng 9, 2013

Các chủ đề chính ở kỳ họp LHQ

Cập nhật: 15:35 GMT - thứ tư, 25 tháng 9, 2013

Đại hội đồng LHQ lần thứ 68
Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 vừa nhóm họp tại New York, Hoa Kỳ
Với rất nhiều Tổng thống và Thủ tướng lên phát biểu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể khiến người ta có cảm giác như một buổi trình diễn tạp kỹ ngoại giao.
Ít nhất 131 nhà lãnh đạo đang hội tụ tại Turtle Bay ở New York, trụ sở chính của LHQ.
Tất cả sẽ có cơ hội phát biểu, từ nguyên thủ một số quốc gia giàu nhất và lớn nhất thế giới như Mỹ và Ấn Độ, tới các nước bé nhỏ nhủ Cape Verde và Bhutan. Chiều dài đoàn xe hộ tống thường chính là thước đo sức mạnh của mỗi nước.
Hầu hết cả năm mọi hoạt động - và cả việc không có hành động gì - của LHQ đều tập trung vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Trong thời gian diễn ra Đại hội đồng LHQ thì tất cả 193 thành viên đều có tiếng nói.
Nói là như vậy nhưng chính sách ngoại giao quan trọng lại thường xảy ra không phải tại chính phòng họp Đại hội đồng LHQ mà là ở những cuộc họp tay đôi bên lề mà như các nhà ngoại giao vẫn gọi là song phương - hoặc tại các cuộc họp nhỏ.
Năm nay, hội trường chính không hoành tráng lắm. Hội trường Đại hội đồng LHQ, khán thính phòng khổng lồ với bục phát biểu bằng đá cẩm thạch và khung cảnh quen thuộc đằng sau đang được sửa sang.
Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon
Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ lần thứ 68
Đây là lần họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ, vẫn được gọi tắt là UNGA.
Hồi tháng trước đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao từ nhóm G20 tại St Petersburg tới một khách sạn ở Geneva, Thụy Sĩ, từ Whitehall ở London tới Paris.
Tuần này những hoạt động đó sẽ tiếp tục diễn ra tại tòa nhà vốn được thiết kế làm nơi hội tụ giới ngoại giao quốc tế và ở cả trong các khách sạn và các phái đoàn của các nước ở gần khu vực này.
Nó có thể sẽ là một trong những lần tụ họp có ý nghĩa và nhiều sự kiện nhất trong vài thập niên qua, trong bối cảnh có thể có những khai thông quan trọng về Iran và Syria.

Iran

Một số nhân vật vẫn thường xuất hiện nay thiếu vắng, và phải kể tới cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Những phát biểu gay gắt của ông nhắm vào Hoa Kỳ và Israel thường khiến nhiều thành viên các đoàn đồng loạt bỏ ra ngoài.
Nhưng người kế nhiệm ông, tân Tổng thống Hassan Rouhani, sẽ được chú ý nhiều.
Ông tới với một thông điệp khác hẳn: kêu gọi "tham gia một cách thận trọng" với phương Tây và mong muốn đưa ra "hình ảnh thực sự về Iran", những từ ngữ mang tính chỉ trích đối với người tiền nhiệm của ông.
Tổng thống Rouhani của Iran tại LHQ
Tổng thống Rouhani của Iran có phát biểu tại Đại hội đồng LHQ với những lời lẽ hòa giải hơn
Rõ ràng ông Rouhani sẽ là nhân vật được chú ý hàng đầu và lời lẽ hòa giải trước khi tới dự UNGA của ông đã khiến tăng thêm đồn đoán rằng ông sẽ tiếp xúc với Tổng thống Mỹ ông Barack Obama.
Đã từng có những lần suýt chạm trán trước đây. Năm 1990 người ta nói tới chuyện ông Mohammad Khatami, một tân Tổng thống Iran với quan điểm cải cách, gặp gỡ Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton.
Nhưng khi hai ông suýt chạm trán nhau thì ông Khatami được nói là đã tránh bằng cách đi vào nhà vệ sinh. Rõ ràng là ông lo ngại những người theo đường lối cứng rắn tại Iran sẽ nhìn nhận ra sao về việc gặp gỡ với lãnh đạo của một nước của "Quỷ satan lớn".
Thậm chí nếu hai vị Tổng thống không gặp nhau trực diện thì Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, có thể sẽ gặp Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, tại các cuộc hội đàm vào thứ Năm, có sự tham dự của Anh, Đức, Nga và Trung Quốc.
Như thế thôi cũng là một cột mốc lịch sử. Ông Zarif hoàn tất bằng Tiến sĩ tại Hoa Kỳ và tách mình ra khỏi những lời lẽ hùng hồn phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái của ông Ahmadinejad. Ông có vẻ là một người mà phương Tây có thể cùng làm việc.

Syria

Vào khi Đại hội đồng LHQ tụ họp, thành viên của Hội đồng Bảo an vẫn đang thảo luận một nghị quyết gìn giữ thỏa thuận bàn giao vũ khí hóa học được thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Nga tại Geneva hồi đầu tháng này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Mỹ và Nga là tác giả thỏa thuận với Syria về bàn giao vũ khí hóa học
Tác giả của thỏa thuận này, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đều đang có mặt tại New York và phĩa Mỹ ám chỉ rằng họ muốn thúc đẩy để Hội đồng Bảo an vốn bế tắc bấy lâu nay thông qua một nghị quyết có tính ràng buộc đối với Syria.
Những khác biệt vẫn còn xung quanh lời lẽ của nghị quyết này, và cuộc gặp của họ vào thứ Ba sẽ là có tính quyết định trong việc giải quyết các khác biệt đó. Các nhà ngoại giao tại LHQ nhận chỉ thị từ thủ đô của mình và đây là tuần lễ trong năm khi các sếp của họ có mặt tại chỗ.

Sudan

Một câu hỏi là liệu Tổng thống Sudan, ông Omar Hassan al-Bashir có thực hiện lời hứa của ông sẽ tới New York hay không.
Ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về các cáo trạng tội diệt chủng trong cuộc xung đột kéo dài một thập nhiên tại Darfur và có nhiều khả năng sẽ bị bắt giữ nếu ông đặt chân lên đất Mỹ.
Nhưng Hoa Kỳ buộc phải cấp visa cho bất cứ quan chức thế giới nào muốn dự các sự kiện của LHQ. Một yếu tố phức tạp khác là Hoa Kỳ không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ấn Độ - Pakistan

Mọi liên lạc giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Rouhani chắc chắn sẽ là hàng tin chính nhưng một cuộc gặp có thể diễn ra tại một khách sạn ở Manhattan giữa Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, và tân Thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, cũng đang được nhiều người tại Nam Á theo dõi chờ đợi.
Các cuộc hội đàm hòa bình giữa hai nước đã bị đình trệ trong hai năm qua và các cuộc đối thoại có thể sẽ giảm bớt căng thằng dọc Làn ranh giới kiểm soát chia cắt vùng Kashmir giữa hai quốc gia này.
Tuần trước, ông Sharif cho biết ông cam kết "tham gia trao đổi một cách xây dựng.
Theo BBC

Kinh tế VN "vỡ ổn định vĩ mô 5 năm qua"



Ông Vũ Khoan nói những hạn chế bất cập không được nhìn thẳng.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói Chính phủ Việt Nam đã né tránh nói về nguyên nhân chủ quan là sai lầm trong điều hành khiến kinh tế gặp khó khăn.
Bình luận của ông được đưa ra tại Hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng ngày 23/9/2013 tại Hà Nội, nơi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.
Một trong những câu hỏi được ông Phúc đưa ra tại đây là tại sao nền kinh tế Việt Nam lại ra khỏi khủng hoảng kinh tế chậm hơn các nước trong khu vực?
“Tôi không tin khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế chúng ta.
"Sao lại cứ đổ tội cho tình hình khách quan? Nguyên nhân chủ yếu là đã để vỡ ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến nay”, ông Khoan được BấmThời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời.
Báo này cho biết ông Khoan cũng nói về "những hạn chế bất cập trong điều hành không được nhìn thẳng, khi Chính phủ luôn giải thích rằng nền kinh tế khó khăn, là bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, chứ ít khi đi vào nguyên nhân chủ quan là có sai lầm trong điều hành".
"Những con số mà tôi tuy cóc ngồi đáy giếng nhưng vẫn thấy nó khó tin, như con số nợ xấu, nay thế này, mai đã thế khác. Nên nhìn vào thực trạng xã hội mà đánh giá thì hơn,” ông Vũ Khoan nói.
'Giai đoạn nhạy cảm'
Trong khi đó Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, được dẫn lời nói “Việt Nam đang trong bối cảnh sơ kết nhiệm kỳ, với những chuyển động chính trị, nên phải nói đây là thời kỳ rất nhạy cảm”.
Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC vào ngày 25/09 rằng Việt Nam hiện đang tham gia đàm phám một loạt các hiệp định thương mại (TPP, FTA với EU...) nên rất nhiều việc phải làm.
"Việt Nam đang trong giai đoạn sửa đổi về hiến pháp và thay đổi, cải cách quan trọng trong lúc nguồn lực còn hạn chế mà mục tiêu đề ra nhiều nên câu chuyện có những cái phức tạp"
Vào hôm thứ Tư, 25/09, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục bốn ngày đàm phán tại Washington về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hãng BấmKyodo News vào hôm 14/09 đưa tin Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những bước cơ bản nhằm xóa bỏ rào cản để đi tới đạt thỏa thuận tại phiên đàm phán cấp bộ trưởng hai nước ở Brunei vào cuối tháng Tám.
"Tại Brunei, Washington đồng ý mở cửa cho thị trường hàng may mặc cho Việt Nam trong khi Hà Nội đề xuất bỏ những ưu đãi cho các công ty nhà nước", hãng tin của Nhật cho biết.
"Về tổng thế, hiệp định TPP phù hợp với chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam để làm sao so hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tạo môi trường cạnh tranh cho bình đẳng hơn", Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC.
Trong nỗ lực bảo hộ ngành dệt may nội địa, Hoa Kỳ trước đó quả quyết rằng tất cả các sản phẩm may mặc đều phải dùng vải và sợi từ các nước thành viên TPP, tức là từ chối miễn thuế cho các sản phẩm dùng vải sợi nhập từ các nước không tham gia TPP như Trung Quốc.
Tuy nhiên hãng tin này cho biết Washington đồng ý tăng nhiều số lượng hàng dệt may Việt Nam được miễn thuế theo khuôn khổ "đặc cách", về cơ bản là mở cửa thêm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Để đổi lại Việt Nam cam kết thực hiện cải nhằm đối xử công bằng giữa khối doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân có vốn nước ngoài sau giai đoạn "5 năm chuyển tiếp".
Theo BBC

Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”...

Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 vừa được khai mạc sáng nay (26/9) tại Huế.

Một mình “nghẽn mạch”, vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” là nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa được khai mạc sáng nay (26/9) tại Huế.

Luôn là diễn giả đầu tiên tại khá nhiều kỳ diễn đàn kinh tế gần đây do Ủy ban Kinh tế tổ chức, Viện trưởng Thiên cũng liên tục đưa ra những nhận xét không mấy lạc quan về nền kinh tế.

Chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”

Tháng 4 năm nay, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, ông Thiên cho rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay, ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Nay, nhìn lại 5 năm, ông Thiên nhận xét, từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại.

“Đây là điểm cần được nhấn mạnh”, ông Thiên nói.

Đặt dấu chấm hỏi sau nhận định Việt Nam rơi vào bẫy “tắc nghẽn” tăng trưởng, ông Thiên cho rằng quỹ đạo cũ của nền kinh tế vẫn nguyên, dư địa chính sách ít, gia tăng thành tích ngắn hạn nghĩa là tiếp tục gia tăng rủi ro và nguy cơ.

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh.

Nhìn lại vấn đề từng được tranh luận rất “căng” tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân đầu năm nay là tái cơ cấu nền kinh tế, ông Thiên nhận xét rằng vẫn “chưa có hành động chiến lược”.

Cụ thể, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy.

Cho rằng nói kế hoạch 5 năm đã vỡ cũng không sai, ông Thiên đề nghị Quốc hội cần thảo luận cho rõ là nên hướng tới mục tiêu nào trong hai năm còn lại, dốc sức để đạt chỉ tiêu kế hoạch đã trở nên rất khó khả thi, hay là chuẩn bị cơ sở cho cuộc bứt phá sau 2015?

Bên cạnh một số giải pháp trước mắt và trung hạn, giải pháp chiến lược được Viện trưởng Thiên đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Bên cạnh đó là quan điểm đất đai đai nên chuyển sang đa sở hữu.

2014 chưa thể thoát trì trệ

Cũng với cái nhìn toàn cảnh tại bản tham luận, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những khó khăn của 2013 vẫn tiếp tục kéo dài và năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ.

Từ đúc kết của nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, ông Lịch cho rằng, những khó khăn của kinh tế từ đầu năm 2013 là hệ quả cuối cùng của giai đoạn từ  năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô.

"Mà nguyên nhân sâu xa là vẫn là từ nội tại của nền kinh tế, từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Sự nhận thức không đúng mức “căn bệnh” của nền kinh tế, việc thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng...", ông Lịch nhìn nhận.

2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay là nhận định đã được tô đậm tại tham luận.

Một trong những hệ quả của 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô mà bước vào 2013 nền kinh tế đang phải đối mặt chính là từ năm 2008 đến nay, hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tình chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặc, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn.

Dẫn đầu 4 thách thức ngắn hạn mà nền kinh tế đang phải đối diện được nêu tại tham luận là nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài.

Thách thức thứ ba là khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại. Và thứ tư là những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của  ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, là thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015.

Vấn đề này, theo ông Lịch cần phải được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay.

24 tháng 9, 2013

DÂN NGHÈO NGHÈO HƠN

Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á

Số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ usd.


Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á
Ông Phạm Nhật Vượng, người đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes Mỹ bình chọn - Ảnh: Forbes.Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (HOSE) của Phạm Nhật Vượng:- Tổng tài sản:          58. 538.158.537.000 VND- Tổng nợ:                 43. 487.121.510.000 VND- Vốn chủ sở hữu:   14. 637.821.147.000 VND. Phạm Hải bổ xung)
Thanh Hải.
Hãng tư vấn Wealth-X ở Singapore và ngân hàng UBS Thụy Sỹ vừa công bố báo cáo cho biết, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua.

Cụ thể, theo báo cáo, 6 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều có lượng người siêu giàu gia tăng trong một năm qua. Wealth-X và UBS cho biết, tiêu chuẩn để xếp hạng người siêu giàu là các cá nhân đó sở hữu khối tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên.

Đứng đầu là Thái Lan, với số người siêu giàu tăng 15,2%, từ 635 người năm 2012 lên 720 người trong 2013. Tổng giá trị tài sản của người siêu giàu Thái Lan cũng tăng từ 95 tỷ USD năm 2012 lên 110 tỷ USD năm nay. Việt Nam được xếp thứ hai với mức tăng 14,7%, tiếp theo là Indonesia với mức tăng 10,2%.

Số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ USD. Trước đó một năm, Việt Nam chỉ có 170 triệu phú USD, với tổng giá trị tài sản 19 tỷ USD. Trong khi đó, Indonesia hiện có 865 người siêu giàu nắm 130 tỷ USD, so với con số 785 người và tài sản 120 tỷ USD năm 2012.

Theo tờ WSJ, số người siêu giàu tăng ở Đông Nam Á là nhờ sức tiêu thụ nội địa tăng và sự gia tăng về số lượng của tầng lớp trung lưu. Việt Nam và Myanmar là những thị trường tiên phong đầy hứa hẹn cho dịch vụ ngân hàng tư nhân, với sự tăng trưởng ổn định của tầng lớp dân cư tiêu dùng và nhóm người giàu...


Thủ tướng cho phép lấy 1.500 ha đất lúa làm dự án

Tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh..

Thủ tướng cho phép lấy 1.500 ha đất lúa làm dự án
Theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

In
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho 5 địa phương chuyển mục sử dụng đất để thực hiện một số dự án, công trình.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 535 ha đất trồng lúa để thực hiện 227 dự án, công trình; tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 417,15 ha đất trồng lúa để thực hiện 115 dự án, công trình; tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.934.795 m2 đất trồng lúa để thực hiện 84 dự án, công trình.

Thủ tướng cũng đồng ý cho tỉnh Tuyên Quang quyết định chuyển mục đích sử dụng 16,01 ha đất trồng lúa và 2,03 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 10 dự án, công trình và tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng 96,33 ha đất trồng lúa để thực hiện 26 dự án, công trình.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND 5 tỉnh nói trên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương nói trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020, cả nước phải đảm bảo giữ được 3,81 triệu ha đất lúa. Đáng lưu ý, trong một báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội mới đây cho thấy, dù một số chỉ tiêu về chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đạt, song tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh như Hải Dương giảm 1,4 nghìn ha/năm, Vĩnh Phúc giảm 1,2 nghìn ha/năm, Hưng Yên giảm 1.000 ha/năm.

Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long còn có tốc độ giảm nhanh hơn như: Tp.HCM 2,7 nghìn ha/năm, Tây Ninh 3,1 nghìn ha/năm, Cà Mau 6,2 nghìn ha/năm, Bạc Liêu 5,4 nghìn ha/năm, Sóc Trăng 4,1 nghìn ha/năm...

Trong khi đó, theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho hay thời gian trước đây, trong vòng 1 năm  chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn, khoảng 20.000 ha đất lúa bởi dù sao vẫn phải vì mục đích công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

BÁO CÁO LÁO- QUỐC BỆNH

Mời Bộ trưởng Nội vụ 'vi hành'




Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Bất ngờ đến mức "sững sờ" trước con số, dù mới là thống kê sơ bộ, chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, độc giả khẩn thiết giục Bộ trưởng Nội vụ đừng nghe báo cáo nữa mà hãy vi hành.

Kết quả báo cáo sơ bộ từ các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nêu trong bài ‘Bộ trưởng Nội vụ: Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ’ khiến nhiều độc giả giật mình.
Nên khóc hay nên cười?
Độc giả Namle miêu tả con số do Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói trước Thường vụ QH như “chuyện lạ có thật”. Bạn đọc đề tên Toàn cho rằng, “nếu chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì giờ đây kinh tế Việt Nam đã phát triển không biết tới đâu rồi?!! Có khi Việt Nam mình đã được xếp vào danh sách các nước phát triển”.
Theo độc giả Thịnh, nếu 1% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn 99% hoàn thành nhiệm vụ như vậy “tất cả đều quan liêu”.
“Đây là những báo cáo sai sự thật, tô hồng đã thành nếp quen thuộc. Không ai tin thống kê này” - anh Tuấn Đặng biên thư quả quyết.
Độc giả Nam khẳng định “con số thống kê chỉ mang tính thành tích trong khi thực tế hoàn toàn khác”.
Một độc giả khác tỏ vẻ buồn bã: “1%, không biết nên khóc hay nên cười?”
Anh Pham Thanh Tung gửi lời nhắn Bộ trưởng qua thư độc giả rằng: “Bộ trưởng nói vậy thì Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về là sai sao?”.
Chị Nguyen Hong Van cũng đồng quan điểm: “Thật quá bất ngờ khi đánh giá của Bộ trưởng chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Sao có vẻ quá đơn giản như vậy khi ngay chính Phó Thủ tướng cũng như không ít người khác đã cảnh báo có đến 30% sáng đến trưa về, không có việc. Có lẽ họ cũng hoàn thành nhiệm vụ vì không có việc để làm. Nếu đánh giá như vậy, có lẽ bộ máy hành chính đã quá tuyệt. Theo tôi nên xem xét lại ngay chính cách đánh giá”.
Độc giả tên Nghị có chút hài hước: “Nhiều thế cơ à, đến 1% lận. Cao quá. Thế mà hôm trước nghe bác Phó Thủ tướng nói tới 30% cắp ô đấy, không biết bác ấy lấy số ấy ở đâu ra, hay là từ lúc ấy 30% số công chức đã ăn năn hối lỗi làm tốt trở lại rồi đây?”.
Độc giả Khắc Cường nghi ngại “địa phương báo cáo quá xa rời thực tế, né tránh sự thật. Đề nghị Nhà nước có một cuộc điều tra thật khách quan, chính xác, có tiêu chuẩn cụ thể và công báo cho dân biết”.
Đừng vội nghe báo cáo
Trước những kết quả nêu, bạn đọc Tran Trong bày tỏ “không còn nhận ra được cái nào đúng, cái nào sai nữa”.
Còn bạn đọc Hoàng Kim đưa ra ý kiến “làm quản lí mà cứ ngồi trong phòng lạnh rồi nghe báo cáo từ cơ sở thì các số liệu đều là "rởm" nên phải vi hành thôi”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Trần Dân ví báo cáo này giống như báo cáo ở Đồ Sơn không có gái mại dâm.
"Bộ trưởng Nội vụ đừng có vội nghe báo cáo mà nói ra như vậy. Ông hãy vi hành rồi sẽ thấy. Hãy làm người dân tới các cơ quan công quyền, nơi mà người làm việc được gọi là "công chức" xem họ đi làm có đúng giờ không, có về sớm hay không, công việc ra sao, tiếp dân như thế nào".
Bạn đọc Ngọc Diệp đề nghị “cần xác định những công chức, viên chức cà kê để loại ra khỏi các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tinh giản biên chế để cải cách lương, ưu đãi, trọng dụng người có cống hiến thật sự”.
Theo Hồng Nhì 
Vietnamnet

Kinh tế Việt Nam sáng hay xám?

Tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.

Kinh tế Việt Nam sáng hay xám?Tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa phát hành bản tin kinh tế vĩ mô của quý 3, với nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng. Một trong các vấn đề được Ủy ban đề cập là câu chuyện liệu có nên lựa chọn giải pháp kích cầu cho nền kinh tế hay tiếp tục thận trọng?
Thận trọng với gói kích cầu?
Ủy ban Kinh tế đánh giá, hiện tại, trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ và lạm phát ở mức thấp, có một số kiến nghị đề xuất nên hướng tới kích thích nền kinh tế (thực hiện chính sách kích cầu) vì lạm phát trong nước năm nay ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu.
Bởi, lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế (sự không hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp, các điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực có chất lượng...) cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài. Những diễn biến trong suốt những năm gần đây đã thể hiện rất rõ điều này.
Vấn đề thứ hai là môi trường làm chính sách hiện nay có quá nhiều ràng buộc hạn chế. Cụ thể là nợ công đang ở mức cao và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Tiền lương, thu nhập tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Mặt khác, lộ trình chuyển lĩnh vực năng lượng sang cơ chế thị trường, cũng như giảm bù lỗ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Năng lực thiết kế và đặc biệt là thực thi chính sách còn hạn chế, dẫn đến việc chính sách chậm được triển khai làm tăng thêm độ trễ giữa thời điểm nền kinh tế cần được kích thích với thời điểm thực sự được kích thích, dẫn đến sự sai lệch hoàn toàn kết quả so với dự tính ban đầu (kích thích khi nền kinh tế đã phục hồi hay ngược lại, thắt chặt khi nền kinh tế đã nguội lạnh).
kinh tế VN, lạm phát, nợ công, điều hành kinh tế, đòn bẩy kinh tế, bất ổn vĩ mô
Lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa.Ảnh minh họa
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cảnh báo "hiệu lực và hiệu quả của chính sách trong bối cảnh các nhóm lợi ích có khả năng tác động lên khâu thiết kế hay khâu thực thi theo hướng có lợi cho nhóm của mình bất chấp tác hại đối với quyền lợi quốc gia".
Ủy ban Kinh tế Quốc hội khuyến nghị, tuy lý thuyết cũng như thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ những can thiệp chính sách theo kiểu nghịch chu kỳ, song việc thực hiện các chính sách nới lỏng để kích cầu ở Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro, bởi những ràng buộc quá chặt chẽ như ở trên đã làm cho dư địa can thiệp chính sách rất hạn hẹp.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu như là điều kiện cần thiết cho phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo đó, triển vọng kinh tế VN trong ngắn hạn và trung hạn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như diễn biến của kinh tế toàn cầu.
Theo Ủy ban Kinh tế QH, dự báo tăng trưởng do một số tổ chức đưa ra cho thấy nền kinh tế nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm.
Ngân hàng Thế giới, vào giữa năm cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn đến trung hạn, với kết quả như sau. Năm 2013, tăng trưởng là 5,3%; năm 2014 là 5,4% và năm 2015 cũng ở mức 5,4%.
Các dự báo khác cũng cho thấy chỉ số tương tự và đều phản ánh rằng chỉ tiêu tăng trưởng năm nay khó có thể đạt được. Trong trung hạn, nền kinh tế sẽ phục hồi chậm chạp theo hình chữ U.
Về lạm phát, cơ quan QH cho hay, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ lạm phát đang ở mức thấp. Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dự báo, trong trường hợp ít có biến động mạnh về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cũng như cú sốc giá năng lượng và hàng hóa trên thị trường thế giới, tỷ lệ lạm phát của VN năm nay sẽ vào khoảng 7,32%.
Tuy nhiên, nếu có biến động đáng kể trong điều hành chính sách vĩ mô (như tăng tỷ giá hay nới lỏng chính sách tín dụng và đầu tư công, hoặc giá điện than, xăng dầu, y tế tăng mạnh) thì lạm phát có thể lên tới mức cận trên 8,84%. Dự báo lạm phát các năm tới tương ứng là 7,8% và 8,4%.
Theo dự báo của các tổ chức và chuyên gia khác, tỷ lệ lạm phát năm 2013 nằm trong khoảng 6 - 8%.
Gam màu sáng hay tối?
Phân tích những thách thức nói trên, Ủy ban Kinh tế QH khuyến nghị, những diễn biến trong ba quý đầu năm đã cho thấy khó khăn, thách thức vẫn tiếp diễn trên phạm vi toàn cầu.
Nói riêng trong khu vực châu Á, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm tốc cùng với rủi ro gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Tuy sức ép lạm phát trên toàn cầu đã giảm nhưng đối với khối các nước đang phát triển, lạm phát vẫn là một nguy cơ lớn tiềm ẩn.
Còn riêng trong khu vực Asean, các nước thuộc Asean-5 lại đang tiếp tục đà phục hồi rất nhanh.
Ủy ban Kinh tế nhận định, tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau. Điểm sáng nhất là lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chỉ thâm hụt nhẹ trong khi cán cân tổng thể thặng dư đã tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong chống đôla hóa, vàng hóa.
Một điểm sáng khác, tuy ít được chú ý hơn, song hết sức quan trọng cho dài hạn. Đó là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ mới đến từ Đông Á, với nhiều tiềm năng giúp VN tăng giá trị xuất khẩu, cải thiện chất lượng công nghệ và nhân lực, dần bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ngoài các gam màu tươi sáng nói trên, thì gam màu tối thể hiện ở chỗ, nền kinh tế đang suy giảm rõ, phản ánh sự suy giảm của tăng trưởng tiềm năng cũng như tác động trễ của các chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ được thực hiện trong những năm gần đây.
Đi cùng với tăng trưởng suy giảm là những khó khăn lớn khác mà hiện VN đang phải đối mặt, đó là tồn kho, nợ xấu, DN tiếp tục chật vật khó khăn..
"Những tháng còn lại và các năm tiếp theo cho thấy triển vọng kinh tế còn tiếp tục khó khăn", Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Như những gì đang diễn ra trên thế giới, ở VN, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, xu hướng cắt giảm nợ đang diễn ra ở cả khu vực doanh nghiệp cũng như khu vực hộ gia đình, dẫn đến cầu nội địa tiếp tục suy yếu.
Trong những năm tới, VN cần thực hiện kiên định và quyết liệt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi chương trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Do tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn đến trung hạn nên rất cần chú trọng đến cơ cấu tăng trưởng, bảo đảm ưu tiên cho các lĩnh vực tạo nhiều việc làm và sinh kế cho người nghèo.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu vắn tắt các khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, về trước mắt, chính sách tiền tệ cần áp dụng biện pháp tăng cung tiền, cũng như phương thức phân bổ tín dụng hiệu quả nhất trong việc đạt mục tiêu kép là ổn định vĩ mô và tăng trưởng hợp lý.
Về tài khóa, cần ưu tiên giải quyết nợ đọng từ công trình đầu tư công (góp phần giải quyết nhanh nợ xấu). Đặc biệt, tăng cường việc minh bạch các chi phí và giá thành điện, nước, xăng dầu để thuyết phục được người dân thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh giá các loại năng lượng chiến lược nói trên.
Theo Thanh Châu
Vietnamnet